Giảm nhẹ hình phạt một số bị cáo vụ án sai phạm đền bù dự án Thủy điện Sơn La

NDO -

NDĐT - Sau hai ngày xét xử, sáng 28-11, tại tỉnh Sơn La, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với chín bị cáo trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm bồi thường tái định cư mặt bằng xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo đó, chín bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, gồm: Trương Tuấn Dũng (SN 1960), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Mường La, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La; Phan Tiến Diện (SN 1975), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La; Phan Đức Chính (SN 1961), nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; Phan Xuân Khoa (SN 1974), nguyên Phó Trưởng ban Di dân huyện Mường La; Trần Mạnh Trì (SN 1977), nguyên Phó Trưởng ban Di dân huyện Mường La; Tòng Văn Thành (SN 1979), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hoa, huyện Mường La; Ngô Xuân Vân (SN 1965), nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường La; Đèo Văn Ban (SN 1956), nguyên Phó Bí thư Chi bộ bản Co Chai, xã Mường Chùm, huyện Mường La; Đỗ Tiến Đồng (SN 1978), nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.

Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án nhận định, tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng quy định, đúng người, đúng tội, không oan sai. Không có căn cứ xác định ý kiến của các bị cáo và các luật sư về việc kêu oan. Vì vậy, không đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo: Trương Tuấn Dũng, Phan Đức Chính, Phan Tiến Diện, Đèo Văn Ban, Phan Xuân Khoa.

Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Trần Mạnh Trì, Tòng Văn Thành, Ngô Xuân Vân, Đỗ Tiến Đồng. Vì trong quá trình xét xử phúc thẩm đã có những tình tiết thay đổi. Cụ thể, bị cáo Trì thay đổi nội dung kháng cáo và đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Thành tại phiên tòa xin xem xét lại hành vi của bị cáo, nếu phạm tội thì xem xét giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Vân thành khẩn khai báo, hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo; bị cáo Đỗ Tiến Đồng, chưa có tiền tiền sự, gia đình có nhiều người có công với cách mạng, được chính quyền địa phương xin bảo lãnh. Xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội.

Cơ quan tố tụng xác định, việc bị báo Trương Tuấn Dũng ký ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 41 không đúng với các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và Bộ Tài nguyên và Môi trường là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sai phạm trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất phục vụ bồi thường, hỗ trợ. Các bị cáo khác dù biết Kế hoạch số 41 trái với các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn thực hiện dẫn đến việc thất thoát ngân sách Nhà nước.

Căn cứ hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với các bị cáo. Về tội danh, các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, mức án của bốn bị cáo được giảm nhẹ hình phạt so bản án sơ thẩm là: Tòng Văn Thành mức án 5 năm tù (giảm 6 tháng); Ngô Xuân Vân mức án 3 năm 6 tháng tù (giảm 6 tháng); Trần Mạnh Trì mức án 4 năm 6 tháng tù (giảm 6 tháng); Đỗ Tiến Đồng mức án 36 tháng tù và cho hưởng án treo. Các bị cáo vẫn giữ nguyên hình phạt, là: Trương Tuấn Dũng, Phan Tiến Diện, Phan Đức Chính mức án 6 năm, 6 tháng tù; Phan Xuân Khoa mức án 5 năm 6 tháng tù; Đèo Văn Ban mức án 4 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Đèo Văn Ban phải bồi thường cho Nhà nước số tiền hơn 1 tỷ 179 triệu đồng và hoàn trả cho Nhà nước số tiền hơn 64 triệu đồng.

* Tuyên phạt 17 bị cáo vụ án sai phạm đền bù Dự án thủy điện Sơn La