Ðẩy lùi, triệt xóa "tín dụng đen" tại Tây Nguyên

Bài 2: Kiên quyết đấu tranh, xử lý

Trước diễn biến phức tạp về tội phạm "tín dụng đen", các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa và kịp thời tố giác với thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Trong đó, công an là lực lượng nòng cốt đấu tranh, xử lý, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen"...

 

Lực lượng công an xử lý thông tin, đấu tranh với thủ đoạn của “tín dụng đen”.
Lực lượng công an xử lý thông tin, đấu tranh với thủ đoạn của “tín dụng đen”.

Quyết liệt đấu tranh

Tại tỉnh Gia Lai có 659 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao, với 108 đối tượng tham gia hoạt động "tín dụng đen", đã có hơn 9.000 người vay là nạn nhân của hình thức này, số đông là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ðại tá Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có hoạt động "tín dụng đen". Công an tỉnh đã bắt và khởi tố năm vụ, 11 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 33 đối tượng. Mới đây, lực lượng công an đã khám xét cửa hàng cầm đồ Phát Lộc tại địa chỉ 19 Lý Nam Ðế (phường Trà Bá, TP Pleiku) và bắt quả tang bốn đối tượng: Ðoàn Việt Ðức, Nguyễn Bảo Ngọc, Nguyễn Ðắc Duy Hòa và Lê Vạn Ngọc có hành vi cho vay lãi nặng dưới hình thức cầm cố, thế chấp các loại giấy tờ và tài sản với lãi suất 5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Công an tỉnh Gia Lai đã "xóa sổ" tụ điểm cho vay nặng lãi của Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai (có trụ sở 95 Lê Duẩn, TP Pleiku), bắt bảy đối tượng và khám xét bốn chi nhánh của công ty này. Thủ đoạn của Công ty Nhất Tín Phát là "núp bóng" mua bán, cho thuê ô-tô, xe máy... cho hàng nghìn người vay với lãi suất 4.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 0,4%/ngày, 12%/tháng, 144%/năm; tổng số tiền thu lợi bất chính ước tính hàng chục tỷ đồng. Ðại tá Rah Lan Lâm cho biết thêm: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cử lực lượng xuống phối hợp chính quyền cơ sở nắm chắc hoạt động của các đối tượng cho vay, đồng thời sẽ có biện pháp mạnh tay với các đối tượng...".

Tại Lâm Ðồng, Ðại tá Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhận định: "Tín dụng đen", đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp. Năm 2019, công an đã phát hiện, xử lý 59 vụ, 128 đối tượng; khởi tố 17 vụ, 41 đối tượng; xử lý hành chính 32 vụ, 65 đối tượng; lập hồ sơ răn đe, giáo dục 10 vụ, 22 đối tượng. Ðồng thời, qua tổng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại 186 cơ sở cầm đồ, ba cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, sáu công ty cho thuê và hỗ trợ tài chính có biểu hiện hoạt động liên quan "tín dụng đen", Công an tỉnh Lâm Ðồng phát hiện, lập biên bản xử lý 63 cơ sở vi phạm (60 cơ sở cầm đồ, ba cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê). Tháng 10-2018, Công an tỉnh Ðắk Lắk đã xây dựng kế hoạch đấu tranh với tội phạm liên quan hoạt động "tín dụng đen". Ðến nay, phát hiện, xử lý 80 nhóm với 334 đối tượng, 122 đối tượng riêng lẻ, 65 cơ sở; trong đó đã khởi tố bảy vụ án với 17 bị can về các hành vi liên quan hoạt động "tín dụng đen"; xử lý hành chính 25 đối tượng, ba cơ sở...

Làm việc với Công an huyện Ðắk Song (Ðắk Nông), chúng tôi càng hiểu thêm sự phức tạp trong đấu tranh, xử lý. Trên địa bàn huyện hiện có 30 cơ sở cầm đồ, trong đó, một chủ cơ sở có tiền án về tội đánh bạc; một chủ cơ sở là người địa phương khác đến kinh doanh; 10 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, trong đó có năm trường hợp có tiền án, bảy trường hợp có biểu hiện huy động lãi suất cao... Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ việc, đối tượng hoạt động "tín dụng đen" và tiến hành điều tra, khởi tố. Tuy nhiên, hoạt động này có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến việc không xử lý triệt để được hoạt động "tín dụng đen" là do các cấp, ngành liên quan chưa có sự phối hợp đồng bộ; hệ thống pháp luật chưa được bổ sung, điều chỉnh và hướng dẫn đầy đủ, kịp thời.

Thực tế, "tín dụng đen" là hoạt động ngầm cho nên việc quản lý và nắm bắt thông tin ngay từ đầu là rất khó, phần lớn các vụ việc khi xảy ra hậu quả mới được phát hiện. Một số bị hại trong quá trình vay mượn bị các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết đưa vào "bẫy", làm hợp đồng bán các tài sản có giá trị để làm điều kiện vay vốn. Khi bị đe dọa, họ không dám tố giác vì sợ trả thù hoặc sợ các cơ quan chức năng làm rõ việc vay tiền sử dụng vào mục đích bất chính...

Ðại tá Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Ðồng, chia sẻ: Trong hoạt động "tín dụng đen", giao dịch vay, mượn tiền thường diễn ra dưới dạng giao dịch "ngầm", cả hai bên đều không muốn tiết lộ cho nhiều người biết, cho nên các cơ quan chức năng rất khó đấu tranh. Ðồng chí Trịnh Ngọc Dũng, Phó trưởng Công an huyện Ðắk Song (Ðắk Nông), phản ánh: Với hoạt động "tín dụng đen", các đối tượng cầm đầu chủ yếu là người ở nơi khác đến cấu kết với đối tượng sinh sống ở địa phương; phạm vi hoạt động của các đối tượng rất rộng cho nên công tác điều tra hoặc thông tin về đối tượng không đầy đủ. Bên cạnh đó, việc áp dụng một số biện pháp phòng ngừa còn bị hạn chế do những quy định của pháp luật. Một số vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" bị lái theo hướng dân sự hóa. Các hình thức đòi nợ trái pháp luật hiện chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe.

Thực tế, việc áp dụng pháp luật trong xử lý tội phạm hoạt động "tín dụng đen" còn bất cập, chưa đồng bộ và chưa đầy đủ. Áp dụng quy định của hành vi cho vay lãi nặng trong các giao dịch dân sự hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về cách tính lãi suất cho vay và tiền thu lợi bất chính, dẫn đến sự không thống nhất giữa các cơ quan tư pháp. Do vậy, chưa phân định rõ ràng giữa vi phạm hình sự với vi phạm hành chính, vụ việc dân sự. Công tác quản lý và xử lý các đối tượng hành nghề cho vay nặng lãi của lực lượng công an cũng bị hạn chế do các văn bản pháp luật không quy định thẩm quyền của công an đối với việc cấp phép hoạt động, quản lý và xử phạt hành chính. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ðắk Lắk, các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành điều luật đối với tội phạm này chưa được ngành tư pháp ban hành kịp thời. Ðặc biệt khung hình phạt của tội cho vay lãi nặng còn nhẹ, tối đa chỉ sáu tháng đến ba năm tù và các hình phạt bổ sung cho nên chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, để xử lý "tín dụng đen" triệt để, cần chỉnh sửa, bổ sung quy định pháp luật một cách chặt chẽ, có tính dự báo, phòng ngừa lâu dài...

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Hiện nay, các địa phương tại khu vực Tây Nguyên đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động "tín dụng đen". Các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong giao dịch dân sự; thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hệ lụy của "tín dụng đen" để người dân nâng cao cảnh giác. Các ngành chức năng siết chặt hơn việc cấp giấy phép chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Làm tốt công tác quản lý hành chính, nắm chắc các biểu hiện hoạt động tội phạm, nhất là các đối tượng hình sự để kịp thời có biệp pháp ngăn ngừa...

Công an tỉnh Kon Tum đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chỉ thị, kế hoạch và thành lập tổ công tác liên ngành triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm liên quan hoạt động "tín dụng đen". Mới đây, tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị sơ kết chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh". UBND tỉnh Lâm Ðồng cũng đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động "tín dụng đen"... Chia sẻ vấn đề này, theo bà Lục Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Ðắk Lắk), các cấp hội trong huyện phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hội viên khó khăn vay vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Ðồng thời, thông qua các buổi sinh hoạt cũng tuyên truyền, chỉ rõ những chiêu thức hoạt động của "tín dụng đen" để giúp chị em cảnh giác.

Ðại tá Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Ðồng đề nghị, thời gian tới cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng nhu cầu vốn trong nhân dân, nhất là các cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ; nhu cầu vốn tái sản xuất ở vùng nông thôn, qua đó đưa ra những phương án phù hợp để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn chính thống; nhân rộng mô hình điểm giao dịch cho vay lưu động đến các vùng sâu, vùng xa.

Vấn đề đặt ra là các tổ chức tín dụng cần tháo gỡ về thủ tục, phát huy tinh thần "bà đỡ" của người nghèo, tăng cường hướng dẫn, tạo thuận lợi về hồ sơ, tránh phiền hà khi người dân vay vốn, nhất là đồng bào DTTS. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Tử Ân cho biết: Hầu hết các chương trình cho vay từ vốn chính sách không cần phải thế chấp tài sản, người dân thuộc đối tượng phục vụ của tín dụng chính sách khi có nhu cầu vay vốn sẽ được các tổ vay vốn hỗ trợ, bình xét, hồ sơ vay vốn rất đơn giản, thủ tục nhanh chóng. Ngân hàng cũng sẽ thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng đặc thù; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn và sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả...

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Chung cũng cho biết: Nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen", tỉnh đã phê duyệt Ðề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch triển khai thực hiện, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với đề án nêu trên. Từ ngày 1-3-2019, ngân hàng nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ và không phải bảo đảm tiền vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Thời hạn cho vay cũng kéo dài từ 60 tháng lên 120 tháng...

Tinh thần chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn quyết liệt với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động "tín dụng đen" của các cấp, các ngành tại khu vực Tây Nguyên, sẽ sớm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả và tác hại mà hoạt động phi pháp này gây ra với cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 9-7-2020.

Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, triển khai thêm các hình thức cung cấp thông tin cho người dân về các gói vay ngắn hạn, dài hạn, nhất là vay ưu đãi; giải quyết, đơn giản hóa thủ tục giúp đồng bào tiếp cận vốn dễ dàng.

NGUYỄN KIM CƯƠNG

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ðắk Lắk

BIỂU LÝ HÒA và YÊN BẢO THẮNG