Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Trách nhiệm trước cử tri!

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ ngày 6 đến hết ngày 8-11, đã “nóng” ngay từ những phiên đầu tiên. Cơ chế “hỏi nhanh đáp gọn” và tranh luận ngay khi chưa thỏa đáng đã giúp cho các vấn đề đặt ra đúng trọng tâm, đáp ứng sự quan tâm của cử tri cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thẳng thắn, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Duy Linh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Duy Linh

Chất vấn điều nhân dân trăn trở

Ðăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên (sáng 6-11) là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường; lập tức những vấn đề nóng nhất, trăn trở nhất của cử tri về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các ÐBQH đặt câu hỏi, trao đổi, tranh luận. “Chủ trương gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ nông sản là rất đúng đắn, tuy nhiên, ý kiến của cử tri cho rằng, nhiều năm qua công tác này chưa được triển khai tích cực. Việc gắn kết các liên kết trong tổ chức chuỗi giá trị sản xuất không bền vững, chủ yếu là các doanh nghiệp trung gian, người dân sản xuất một số mặt hàng nông nghiệp có khi hòa, có khi lỗ vốn”. Nêu thực trạng này, ÐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đặt câu hỏi: “Bộ trưởng sẽ làm gì để hỗ trợ nông dân trong vấn đề trên?”. Một vấn đề khác, không mới, như “giải cứu” nông sản, được mùa, mất giá, được giá mất mùa, thậm chí “mất cả mùa lẫn giá” - cũng được ÐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) và một số đại biểu khác đề nghị Bộ trưởng “cho biết giải pháp khắc phục?”.

Nắm khá chắc vấn đề của ngành, và hẳn cũng là nỗi trăn trở thường trực thời gian qua trong vai trò người đứng đầu một bộ sát cánh với bà con nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Tuy là năm khó khăn nhất, nhưng đối với các trục sản phẩm lớn đến giờ phút này chúng ta đều tổ chức liên kết, về cơ bản đáp ứng được giữa sản phẩm và phần chế biến cơ bản”. Ðề cập giải pháp khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết. Tới đây, cần tiếp tục rà soát phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức liên kết sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường. Ðặc biệt cần tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường.

Dẫn số liệu về giá, chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, ÐB Ngô Thanh Danh “sốt ruột” tranh luận lại: “Giá tiêu còn 40 nghìn đồng/kg, giá cà-phê chỉ còn hơn 30 nghìn đồng/kg, và đã kéo dài nhiều năm… Bộ trưởng cần quan tâm để có giải pháp xử lý hiệu quả”.

Cùng đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhận được sự quan tâm của nhiều ÐBQH. Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh (Ðoàn ÐBQH tỉnh Vĩnh Long) chất vấn: “Trong thời gian đầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, thường tập trung triển khai ở các vùng dễ thực hiện, còn các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu, vùng căn cứ địa cách mạng thì khi nào chúng ta triển khai?”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời ngay, sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và sớm tham mưu, kiến nghị giải pháp với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh là người đăng đàn tiếp theo và ngay lập tức có 77 đại biểu đăng ký chất vấn. Các ÐBQH đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý, điều tiết điện lực, việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Nhất là, hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thương mại điện tử và phát triển nền kinh tế số khi Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đưa đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới…

Trong các phiên trả lời chất vấn tiếp theo là sự đăng đàn của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức… Nội dung chất vấn đặt ra với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng xoay quanh các vấn đề về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử. Cùng tham gia trả lời chất vấn còn có các Phó Thủ tướng chuyên trách và “tư lệnh” của các bộ, ngành liên quan.

Chiều 8-11, đáp lại sự kỳ vọng của cử tri, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ thêm các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trách nhiệm trước cử tri! ảnh 1

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Công thương trong phiên trả lời chất vấn ngày 6-11. Ảnh: Đăng Anh

Ðể lời hứa thành động lực thực thi

Cử tri và nhân dân cả nước, qua nhiều kênh, cả trước và trong khi Kỳ họp thứ tám (Quốc hội khóa XIV) này, đã và đang tiếp tục gửi nhiều kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng, thông qua các ÐBQH đến các “tư lệnh ngành”: Nội vụ; Công thương; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Giáo dục và Ðào tạo; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ; Kế hoạch và Ðầu tư; Tài chính,…

Có không ít nội dung đã “đi thẳng” từ thực tiễn vào nghị trường qua sự giám sát của đại biểu. Ở lĩnh vực nào thì yêu cầu sau lời hứa là cam kết và hành động luôn được đề cao. Tại các phiên chất vấn lần này, theo đánh giá của nhiều ÐBQH, nhiều vấn đề chất vấn tập trung hơn, các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn nắm chắc lĩnh vực, thông tin cụ thể, đề xuất giải pháp rõ ràng. Cụ thể, nhiều nội dung đề cập sát sườn với đời sống xã hội. Chẳng hạn, lĩnh vực nội vụ tập trung vào việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; lĩnh vực thông tin và truyền thông tập trung vào công tác quản lý báo chí, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử,…

Tuy nhiên, ở một số nội dung vẫn còn những câu hỏi dài, quá thời gian, không tập trung và chưa nhắm trúng, chưa đúng tầm người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, một số nội dung trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ còn chung chung, nhất là khi đề xuất giải pháp. Trong một số tình huống, Chủ tịch Quốc hội khi điều hành phiên họp đã phải nhắc nhở, nêu lại và làm rõ hơn cả câu hỏi và nội dung trả lời.

Rất nhiều những vấn đề đặt ra tại các phiên chất vấn lần này không mới, thậm chí đã kéo dài qua nhiều kỳ họp. Ðiều mà cử tri và nhân dân trông đợi không gì khác chính là hiệu quả thực thi. Các cơ quan trực thuộc Quốc hội và mỗi ÐBQH cần giám sát chặt chẽ, để có nhiều hơn những chất vấn ngoài nghị trường, thậm chí phải chất vấn thường xuyên.

Rõ ràng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của người dân. Những phiên chất vấn thời gian qua tại Quốc hội với nhiều nỗ lực đổi mới, đã cho thấy hoạt động giám sát tối cao này đang ngày một chuyên nghiệp. Ðó là đòi hỏi của thực tiễn, đồng thời là động lực không chỉ cho các thành viên Chính phủ mà ngay cả mỗi ÐBQH cam kết thực hiện lời hứa của mình.

Ðiểm mới của phiên chất vấn lần này, có sự tham dự của 86 học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Khóa XIII của Ðảng.