Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Trách nhiệm cao trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo

Từ ngày 11 đến 14-5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII tập trung thảo luận về công tác cán bộ, xem xét quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HÐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Ðại hội XIII của Ðảng… và một số vấn đề quan trọng khác.

Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: Ðăng Khoa
Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: Ðăng Khoa

Cơ chế kiểm soát quyền lực

Ðại hội XIII của Ðảng (dự kiến diễn ra trong quý I-2021) là một sự kiện chính trị rất quan trọng. Ðại hội được tiến hành vào thời điểm đất nước ta trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Ðảng vào năm 2030 và kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 2045. Ðại hội XIII có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Muốn đạt được các mục tiêu cao cả ấy, trước hết là phải có tầm nhìn, có kế hoạch chiến lược; song quan trọng nhất vẫn là phải làm tốt công tác cán bộ, cụ thể là chuẩn bị nhân sự ưu tú, có đủ đức tài ngang tầm nhiệm vụ ở cả Trung ương và địa phương. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đặc biệt là Ðại hội XII gần đây của Ðảng, qua nhiều cuộc thảo luận, bàn bạc, Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Ðại hội XII; về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 sáng 11-5, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, gợi mở: "Trong công tác chuẩn bị nhân sự, cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Ðảng, đặt sự nghiệp chung của Ðảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...".

Ðể lựa chọn đúng và sử dụng trúng cán bộ ở mỗi vị trí công tác, thời gian qua, Trung ương cũng đã ban hành hàng loạt các quy chế, quy định, chỉ thị liên quan công tác cán bộ và chuẩn bị Ðại hội đảng các cấp. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cũng hết sức được chú trọng. Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QÐ/TW (23-9-2019). Theo đó, phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên. Cách làm là phải thận trọng, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ; làm đến đâu chắc đến đó. Ðối với công tác nhân sự Ðại hội XIII, làm nhân sự Ban Chấp hành Trung ương trước, sau đó mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cuối cùng mới đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là chức danh Tổng Bí thư. "Nếu có những công đoạn cần làm đồng thời thì cũng phải xem xét một cách chặt chẽ, chắc chắn, bảo đảm sự đồng bộ, khoa học. Phải chuẩn bị rất kỹ, rất chu đáo, cẩn thận, tránh tối đa những sai sót", đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Trách nhiệm cao trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ảnh 1

Ðại biểu bỏ phiếu bầu trực tiếp Bí thư tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ xã Tân Dân (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Phương Cảnh

Thống nhất cao trong bầu cử

Cùng với công tác nhân sự Ðại hội XIII của Ðảng, phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng là nội dung quan trọng được các đồng chí Ủy viên Trung ương tập trung thảo luận tại Hội nghị lần này. Theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua Ðảng đoàn Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Ðề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ðề án đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HÐND các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.

Xác định cuộc bầu cử Quốc hội và HÐND các cấp sắp tới là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Ðề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử. Chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND,… và các công việc tổ chức triển khai thực hiện Ðề án.

Có thể nói, qua những bài học sâu sắc về công tác lựa chọn, sử dụng, và cả xử lý, kỷ luật cán bộ thời gian qua; cùng với sự chuẩn bị bài bản, có lớp lang, khoa học, cẩn trọng, có quy chế, quy định rõ ràng; đông đảo đảng viên và nhân dân cả nước tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm cao, nhất định các đồng chí Ủy viên Trung ương tham dự Hội nghị lần này sẽ hoàn thành tốt chương trình làm việc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

"Chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng giữa hai kỳ Ðại hội Ðảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Ðảng, toàn dân tộc. Ðây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Ðảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước".