Tất cả cho trận chiến mới

Bắt nguồn từ "tâm dịch" Chí Linh (Hải Dương), mối lo ngại ngày càng được đẩy lên khi các ca lây nhiễm trong cộng đồng không ngừng tăng cả về số lượng lẫn phạm vi. Trước thềm Tết Nguyên đán Tân Sửu, tâm lý "về quê để tránh dịch" của không ít bộ phận người dân đang đòi hỏi công cuộc chống dịch có những chiến lược mới, thiết thực, gấp gáp và hiệu quả hơn.

Nhân viên y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh Trường tiểu học Xuân Phương. Ảnh: THÀNH ĐẠT (TTXVN)
Nhân viên y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh Trường tiểu học Xuân Phương. Ảnh: THÀNH ĐẠT (TTXVN)

Từng bước kiểm soát "ổ dịch" Chí Linh

Tết đang tới gần, thế nhưng chị Hoàng Thị Thanh (Trung tâm Y tế Chí Linh) vẫn chưa dám nghĩ đến cảnh hai đứa con nhỏ phải đón Tết mà không có bố mẹ hay ông bà bên cạnh ra sao, sợ rằng bản thân sẽ không kìm được cảm xúc. "Chồng tôi làm kỹ thuật viên X-quang tại Trung tâm y tế huyện, còn tôi là nhân viên môi trường, làm công việc liên quan đến rác thải y tế trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngày dịch bệnh bùng phát và phải cách ly hoàn toàn trong viện, chúng tôi chưa kịp về nhà thăm con. Con đầu của chúng tôi mới năm tuổi, cháu sau chỉ mới hai tuổi, ông bà nội ngoại hai bên đều sống ở tỉnh khác, vợ chồng tôi đành "nuốt nước mắt" gửi con ở nhà một người trông trẻ" - chị thổ lộ, về những trăn trở khi phải cùng "đồng đội" nhận nhiệm vụ tại tâm dịch lớn nhất cả nước hiện tại.

Trước sự bùng phát quá nhanh và nguy hiểm của dịch, Bộ Y tế đã tăng cường hơn 1.200 cán bộ y tế đến Hải Dương. Ba bệnh viện dã chiến được thành lập chỉ trong vòng 72 giờ - tại Trung tâm Y tế Chí Linh, Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương. Toàn bộ trang thiết bị của bệnh viện dã chiến Cung Thể thao Tiên Sơn (Ðà Nẵng) hồi tháng 8 năm ngoái được vận chuyển ra và lắp đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương. Ðội ngũ nhân lực y tế của Ðà Nẵng, đã có kinh nghiệm xử lý tình huống tương tự hồi tháng 7, tháng 8 năm ngoái, cũng được điều động "ra bắc cứu viện". "Dù sát Tết nhưng đội ngũ y, bác sĩ đều sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ" - Bác sĩ CKII Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Ðà Nẵng khẳng định.

Hiện tại, "ổ dịch" Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã từng bước được kiểm soát, nhờ xác định trúng tâm dịch ngay từ đầu để triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp chống dịch, bao gồm cả phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh và tiến hành cách ly nhiều khu vực tại địa bàn.

Siết chặt những "phòng tuyến"

Bên cạnh Hải Dương, các địa phương khác, như Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương… liên tục ghi nhận số ca nhiễm tăng. Tại Hà Nội, hiện các trường hợp có liên quan đến "ổ dịch" ở Hải Dương và Quảng Ninh đang được cơ quan chức năng khoanh vùng cách ly, lấy mẫu diện rộng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, thành phố vẫn gặp một số khó khăn trong công tác truy vết. Thí dụ trường hợp nam sinh viên của Trường đại học FPT, đi học bằng xe buýt, trên xe có nhiều sinh viên và sau đó tỏa về quê, nên việc xác định các trường hợp F1, F2 rất khó khăn. Ðó là lý do ngành y tế Hà Nội không dám khẳng định đã có thể "vét" hết được các F1 tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. Bệnh viện dã chiến Mê Linh quy mô 250 giường và Bệnh viện Bắc Thăng Long quy mô 400 giường đã sẵn sàng "vào cuộc", nếu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương quá tải.

Theo nhận định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch ở Hà Nội có thể kéo dài hơn dự kiến vì tình hình lây nhiễm tương đối phức tạp. Dựa theo kết quả phân lập 11 mẫu ở miền bắc và một mẫu ở TP Hồ Chí Minh: "Ổ dịch tại Vân Ðồn (tỉnh Quảng Ninh) và Công ty Poyun (tỉnh Hải Dương) chưa rõ nguồn lây, nhưng đều có biến chủng của Anh. Ðây là chủng có khả năng lây nhiễm rất cao, tải lượng virus tăng gấp bốn lần so trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn. Tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với trước nên trong thời gian ngắn đã lan rất nhanh".

Những nguy cơ này đang đòi hỏi Thủ đô Hà Nội phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, đồng thời phải thay đổi chiến lược đối phó, và nâng mức ứng phó dịch lên cao hơn nữa.

Bộ Y tế đề nghị Hà Nội cân nhắc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng một số khu vực điểm nóng, và yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cần hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện trong không gian kín, xem xét tạm dừng một số lễ hội không cần thiết. Cần kiểm soát thật tốt tình hình phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện, khu chung cư… Cần nhanh chóng khoanh vùng rộng, và lấy mẫu toàn bộ dân cư ở những "điểm nóng" như phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), khu vực Nhà máy Z153..., nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ gỡ khoanh vùng.

Các địa phương phải nỗ lực tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", để nhanh chóng phát hiện trường hợp đến từ vùng dịch. Cùng đó, khuyến nghị yêu cầu toàn bộ người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà (do virus lây nhiễm lần này chủ yếu lây qua không khí) và thực hiện khai báo y tế bắt buộc thay vì khuyến khích.

Bắt buộc, thay vì khuyến khích. Tất cả cho chiến thắng trong "trận đánh mới" này. Không chỉ vì một kỳ nghỉ Tết an vui, mà vì cả những hy vọng tương lai của Việt Nam.

Trước mắt, trong quý I-2021, 50 nghìn liều vắc-xin phòng Covid-19 của Công ty AstraZeneca (được sản xuất tại I-ta-li-a, Anh và Ðức) sẽ về đến Việt Nam. Trong sáu tháng đầu năm nay, 30 triệu liều vắc-xin Covid-19 này sẽ được cung cấp cho Việt Nam, thay vì kéo dài đến hết năm, như dự kiến ban đầu.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Ðào tạo, Bộ Y tế cho biết: Kết quả thẩm định cho thấy, đây là vắc-xin an toàn có tỷ lệ sinh miễn dịch cao, hơn 90%, đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cho phép sử dụng, không cần thử nghiệm lâm sàng.