Quan điểm và cách dùng người của Bác Hồ

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945), mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại dân tộc được độc lập, nhân dân làm chủ xã hội và đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm cần phải "động viên toàn dân, vũ trang toàn dân", "dân trước, súng sau", nghĩa là trước hết vai trò của nhân dân, của con người. Quan điểm đó đã tạo nên sức mạnh to lớn bảo đảm thắng lợi trong cách mạng và kháng chiến.

Trước khi từ biệt thế giới này, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau ngày kháng chiến thắng lợi cần phải "động viên toàn dân", "dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân". Nhân dân là nền tảng, là gốc, là sức mạnh vĩ đại, đó là quan điểm căn bản, xuyên suốt chi phối quan điểm và cách dùng người của Hồ Chí Minh.

Mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng, cá nhân trong cộng đồng dân tộc với tinh thần yêu nước đều có thể tham gia vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ, trí thức, cả các bậc quan lại của nhà nước phong kiến cũng tham gia đấu tranh giành độc lập. Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân ngày 2-9-1945 gồm 15 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, có tới chín bộ trưởng là nhân sĩ, trí thức không phải đảng viên cộng sản. Nhiều Bộ trưởng đã giữ trọng trách trong nhiều chục năm sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mời cựu hoàng Bảo Ðại (Vĩnh Thụy) làm Cố vấn tối cao của Chính phủ. Những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đã được trọng dụng trong bộ máy Nhà nước cách mạng như: Huỳnh Thúc Kháng; Nguyễn Văn Tố; Bùi Bằng Ðoàn (Trưởng ban Thường trực Quốc hội từ năm 1946 đến khi qua đời năm 1955); Phan Kế Toại (giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ đến năm 1973); Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao 1946-1954, sau đó nhiều năm là Bộ trưởng Bộ Văn hóa); Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ 1946-1976; Phan Anh (nhiều năm là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương). Và rất nhiều trí thức khác giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước như Nghiêm Xuân Yêm, Trần Ðăng Khoa, Nguyễn Xiển, Ngô Tấn Nhơn,…

Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết quốc gia gồm 40 vị. Ngày 14-1-1946, Ủy ban được bổ sung 10 vị. Thành phần Ủy ban gồm phần lớn là những trí thức tiêu biểu như: Trịnh Văn Bính, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Khắc Hòe, Ðặng Thai Mai, Ðặng Thúc Thông, Hoàng Ðạo Thúy, Hoàng Tích Trí, Vũ Ðình Hòe, Ðào Duy Anh… Ủy ban có nhiệm vụ soạn thảo và tư vấn cho Chính phủ kế hoạch kiến thiết quốc gia.

Quan điểm và cách dùng người của Bác Hồ ảnh 1

Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm chính thức nước Pháp với mong muốn giải quyết hòa bình trong quan hệ Việt - Pháp. Người đã giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chủ tịch nước). Ðoàn đàm phán của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định tham gia Hội nghị Fontainebleau do Phạm Văn Ðồng làm Trưởng đoàn. Thành viên của đoàn hầu hết là những trí thức như Phan Anh, Bửu Hội, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Dương Bạch Mai, Huỳnh Thiên Lộc…

Khi ở thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Việt kiều, nhất là những trí thức có thể về nước tham gia sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Một số vị đã trở về Tổ quốc và đã có những đóng góp xứng đáng như Trần Ðại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Khắc Viện,…

Hồ Chí Minh thấu hiểu, yêu thương nhân dân, yêu thương con người. Vì vậy, Người quý trọng công sức, tài năng của mỗi người cống hiến cho đất nước, dân tộc. Sự chân thành của Người có sức cảm hóa đặc biệt với mọi giai cấp, tầng lớp, với mọi người. Tất cả đều hợp tác với Chính phủ, với Cụ Hồ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được Ðảng, Nhà nước, nhân dân kính trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn mỗi người Việt Nam yêu nước tùy điều kiện và khả năng, cố gắng đóng góp vào công việc chung vì lợi ích của đất nước, dân tộc, cống hiến dù nhiều, dù ít đều quý. Người đặc biệt tìm kiếm và trọng dụng người tài. Ngày 14-11-1945, trên báo Cứu quốc số 91, Hồ Chí Minh có bài Nhân tài và kiến quốc. Người nhấn mạnh: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều". Hồ Chủ tịch mong đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến, sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà có thể gửi kế hoạch kiến thiết cho Chính phủ. Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch đó có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay.

Trên báo Cứu quốc số 411, ngày 20-11-1946, khi tình hình đất nước cực kỳ căng thẳng, kháng chiến chống thực dân Pháp cận kề, Hồ Chí Minh lại có bài Tìm người tài đức. Người nêu rõ: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài". Chính phủ có thể nghe không đến, thấy không khắp nên các bậc tài đức không thể xuất hiện. Ðể sửa chữa điều đó cần phải điều tra nơi nào có người tài đức "có thể làm được những việc ích nước lợi dân" phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. "Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó". Ðó thật sự là cách làm cụ thể và thiết thực.

Quan điểm và cách dùng người của Bác Hồ thật sự là tấm gương và có ý nghĩa sâu sắc đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Ðảng và Nhà nước đang động viên lực lượng toàn dân, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài tạo bước phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.