Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019)

Nỗ lực đền đáp người có công

Ngày 22-7 vừa qua, trong lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân liệt sĩ tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Ðảng, Nhà nước luôn chỉ đạo nhất quán chủ trương “Uống nước nhớ nguồn”, không để người có công nào không được hưởng chính sách. Muốn vậy, yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách cần phải được đặt lên hàng đầu. Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 19-8-2019, có nhiệm vụ phải tháo gỡ những vướng mắc trong việc xét công nhận và bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của người có công và thân nhân.

Các đoàn viên thanh niên thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phơi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bùi Anh Tuấn
Các đoàn viên thanh niên thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phơi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bùi Anh Tuấn

Hoàn thiện chính sách

Cho đến nay, nhìn chung, hệ thống pháp luật, chính sách về người có công đã từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công được mở rộng, để cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công ngày càng đầy đủ, tốt đẹp. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.

Một điều quan trọng, phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia; góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt của hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng.

Thời gian qua, một trong những nỗ lực của Bộ LÐ-TB&XH, đó là ban hành Quyết định số 408/QÐ-LÐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công vào đầu năm 2017 và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh ở cấp tỉnh trên cả nước. Qua hơn hai năm triển khai, cả nước đã rà soát, xem xét hơn 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận hơn 2.000 liệt sĩ, hơn 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý.

Nhằm nâng cao đời sống người có công, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 58/2019/NÐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định 58/2019/NÐ-CP là 1.624.000 đồng (quy định cũ tại Nghị định 99/2018/NÐ-CP là 1.515.000 đồng). Nghị định 58 cũng quy định rõ về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng như sau: Mức trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945: Diện thoát ly là 1.815.000 đồng; diện không thoát ly 3.081.000 đồng.

Nỗ lực đền đáp người có công ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam và đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trao bằng khen

và hoa tặng các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc, năm 2018. Ảnh: Ðăng Khoa

Không để thiếu sót

Tuy nhiên, Bộ trưởng LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung chỉ ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác đền ơn đáp nghĩa: “Một bộ phận nhỏ gia đình người có công đời sống còn khó khăn, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn. Có nhiều thương binh hằng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau. Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính và chưa được quy tập về yên nghỉ với đồng đội, với quê hương, đất mẹ”.

Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung chia sẻ thêm: “Chúng ta cũng luôn tự nhủ rằng, những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua trong công tác xác nhận người có công với cách mạng chỉ là bước đầu. Chúng ta vẫn phải cố gắng, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng. Dù rằng, việc này ngày càng khó khăn”.

Ngoài ra, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua năm 1994 đến nay, đã được sửa đổi nhiều lần, tuy nhiên trong thực tiễn thi hành đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như:

Một số thuật ngữ chưa được giải thích rõ dẫn đến vướng mắc trong xác định phạm vi, điều kiện xác nhận người có công; Chưa quy định cụ thể về điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân chưa bảo đảm cân đối giữa các diện đối tượng.

Theo Thứ trưởng LÐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, việc sửa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng lần này nhằm khắc phục những hạn chế bất cập và bổ sung những quy định mới trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Một điều nữa, tại không ít địa phương, tiêu cực trong thực hiện chính sách vẫn còn tồn tại. Hàng nghìn trường hợp hưởng chế độ không đúng quy định phải đình chỉ chế độ, đang được kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Nhiều thương binh, bệnh binh kiến nghị các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm để trả lại sự công bằng trong xã hội, ổn định tinh thần của những người có công thật sự.

Là người gần gũi, chăm sóc thương, bệnh binh nặng, ông Nguyễn Huy Long - Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam kiến nghị: “Nhà nước nên tăng mức hỗ trợ cho chi thường xuyên tại các trung tâm điều dưỡng. Do các thương binh, bệnh binh tuổi ngày càng cao, sức khỏe mỗi ngày lại yếu đi, bệnh tật tái phát thường xuyên”.

Bộ LÐ-TB&XH đang tập trung rà soát, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc... Dẫu vẫn biết, công việc này hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng, tuy nhiên, đền đáp những con người đã cống hiến máu xương cho
Tổ quốc, là trách nhiệm cao quý, là tình cảm và ân nghĩa không chỉ của đội ngũ cán bộ ngành LÐ-TB&XH mà của toàn xã hội.

Ngày 25-7-2019, tại Hà Nội, Bộ LÐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, UBND thành phố Hà Nội, Ðài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị Tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc. 500 thương binh nặng, mất sức từ 81% đại diện cho khoảng 12.000 thương binh nặng trên cả nước về dự. Tại Hội nghị, Ban tổ chức trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các thương binh nặng.