Nhận diện thách thức trong phát triển văn hóa

Hầu hết các chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực văn hóa đều lấy mốc năm 2020 làm mục tiêu thời gian cho phát triển của mình. Chính vì thế, năm 2021 là lúc các chiến lược, các quy hoạch sẽ bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những thuận lợi và thách thức mới.

Để xây dựng quốc gia khởi nghiệp từ văn hóa và bằng văn hóa, cần có cơ chế để mọi tầng lớp xã hội đều có thể tham gia. Ảnh: NGỌC MAI
Để xây dựng quốc gia khởi nghiệp từ văn hóa và bằng văn hóa, cần có cơ chế để mọi tầng lớp xã hội đều có thể tham gia. Ảnh: NGỌC MAI

Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 sẽ sớm được ban hành, định hướng cho sự phát triển chung của nền văn hóa. Vì vậy, xác định các thời cơ, thách thức chính là cách để chúng ta đón nhận các cơ hội và lường trước những khó khăn sẽ gặp phải đối với văn hóa đất nước. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh một số vấn đề cần sớm được quan tâm giải quyết.

1. Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc Ðổi mới, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thách thức đối với ngành văn hóa là làm sao các yếu tố của nền kinh tế thị trường có thể tác động tích cực để tạo ra những chuyển biến tốt đối với sự vận hành của các lĩnh vực văn hóa. Thách thức đầu tiên đến từ việc thể chế hóa, hoàn thiện các chính sách thuế và luật định ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật như quyền sở hữu trí tuệ, luật hiến tặng và bảo trợ, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy sự tham gia của các đối tác khác nhau trong lĩnh vực công, tư và độc lập. Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo như một giải pháp để phát triển văn hóa. Xây dựng các cơ chế phát huy nguồn lực nhằm thúc đẩy sự kết hợp giữa nhà nước, các nhà tài trợ, thành phần tư nhân để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, tăng trưởng, cạnh tranh và cải tổ trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

2. Với tư tưởng của chính phủ kiến tạo, chức năng của Chính phủ đã chuyển từ làm văn hóa sang quản lý văn hóa, từ quản lý vi mô sang quản lý vĩ mô, từ quản lý trực tiếp chuyển sang quản lý gián tiếp, từ quản lý đơn vị trực thuộc chuyển sang quản lý xã hội. Theo đó, cần gia tăng việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện. Ðổi mới tư duy quản lý văn hóa, nghệ thuật dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa của người dân và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật, các việc còn lại giao cho cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện. Cần thực hiện tốt giải pháp trong Kết luận 76-KL/TW trong việc "tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định rõ những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể".

Nghị định 144/2020/NÐ-CP quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn là một bước tiến lớn trong việc phân cấp, phân quyền về cho các địa phương. Ðây có thể là một xu hướng chính trong quản lý văn hóa những năm sắp tới.

3. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một bối cảnh lớn, tác động đến toàn bộ xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Cơ sở dữ liệu lớn (big data) là một yếu tố quan trọng đã, đang và sẽ chi phối sự phát triển của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam. Năm 2020, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn thế giới, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành một xu thế tất yếu, và được đẩy nhanh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, nghệ thuật.

Bên cạnh thời cơ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đem đến cho Việt Nam nhiều thách thức trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, đó là những yếu kém về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là nhận thức của những cán bộ làm trong ngành văn hóa - nghệ thuật đang là những cản trở quan trọng trong việc áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng đó. Chúng ta cũng cần lưu ý đến thách thức từ sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa, nghệ thuật với nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật mới, có mặt tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.

Chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách về quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, sáng tác và thụ hưởng các tác phẩm văn học - nghệ thuật trên mạng, chính sách bản quyền về liên quan tác quyền và tài sản số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ngành để từng bước hình thành nền tảng dữ liệu lớn,…

4. Nguồn lực từ ngân sách Nhà nước luôn là vấn đề lớn đối với tất cả các lĩnh vực, không riêng gì lĩnh vực văn hóa. Trong những năm gần đây, dù ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã tăng lên nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của lĩnh vực này. Vì vậy, chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật. Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, hoạt động xã hội hóa cũng đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng, trùng tu các di tích tâm linh hay sự bùng nổ của các bộ phim Việt Nam do tư nhân sản xuất. Tuy vậy, thách thức nằm ở chỗ, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư đầy đủ, nhất là những lĩnh vực bị xem là ít khán giả hay không có nhiều lợi ích cho cá nhân người đầu tư như nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao hay một số các sinh hoạt văn hóa khác.

5. Văn hóa vừa là một lĩnh vực bao trùm, nhưng đồng thời là một lĩnh vực của đời sống xã hội, chính vì thế, văn hóa chịu sự tác động qua lại của các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Hiểu được mối quan hệ biện chứng này, chúng ta mới có thể xử lý hài hòa các mối quan hệ có liên quan đến văn hóa.

Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa thực chất là quá trình phát triển văn hóa để tạo sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời, kinh tế phát triển lại là điều kiện cho sự phát triển của văn hóa. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn truyền thống và phát triển văn hóa mới rất quan trọng để tạo ra sự phát triển xã hội hài hòa. Việc xác định lợi ích của các bên liên quan, đánh giá tác động đến văn hóa trong các dự án kinh tế - xã hội cần được xem xét như một khâu bắt buộc trong mọi kế hoạch phát triển đất nước.

6. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua chính là sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đối với sự phát triển chung của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa được cấu thành bởi bốn yếu tố quan trọng gồm tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, kỹ năng kinh doanh và công nghệ. Như vậy, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, cả bốn yếu tố trên phải được kết hợp nhuần nhuyễn. Củng cố tính chuyên nghiệp, đưa yếu tố sáng tạo và lồng ghép những nội dung văn hóa dân tộc sẽ làm cho các ngành công nghiệp văn hóa lan tỏa sức mạnh mềm, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia tốt hơn.

Ðể đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần tạo ra môi trường khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ phát triển văn hóa để mọi tầng lớp xã hội đều có thể tham gia phát triển văn hóa, từng bước góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp từ văn hóa, bằng văn hóa.

Văn hóa luôn được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc nhận diện chính xác những thách thức sẽ giúp chúng ta xây dựng được các giải pháp thích hợp để tận dụng thời cơ, hóa giải mâu thuẫn, thúc đẩy văn hóa phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.