Nâng cao hiệu quả phương thức đầu tư PPP

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp thứ chín, được kỳ vọng sẽ “khơi” được dòng vốn xã hội chảy mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Một đạo luật tốt chính là điều kiện cần để kỳ vọng đó trở thành hiện thực.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Toàn cảnh Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Tạo “lưới đỡ” bằng cơ chế chia sẻ rủi ro

Là thành viên chủ chốt của cơ quan thẩm tra, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, PPP không phải là vấn đề hoàn toàn mới, mà đã và đang được thực hiện hàng chục năm qua. Lần này, để tạo sự thống nhất, đồng bộ, dễ thực hiện, các văn bản pháp quy có liên quan được tập hợp, chỉnh lý, “nâng cấp” lên thành luật. Có hai điểm mới thật sự ở đây là chia sẻ rủi ro và bảo đảm ngoại tệ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước.

Liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro/ lợi nhuận tăng thêm, ông Sinh lý giải, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu dự kiến được áp dụng cho tất cả các dự án PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.

Theo đó, nhà đầu tư dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết, nhưng không cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính. Ngược lại, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết, nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính. “Để dễ hiểu, điều này có nghĩa là nếu mức doanh thu chỉ đạt 75% thì nhà đầu tư phải chấp nhận, nếu thấp xuống đến 70% thôi thì nhà nước sẽ chia sẻ một nửa của mức hụt 5%, tương đương 2,5% mức giảm doanh thu”, ĐB Đỗ Văn Sinh giải thích.

Tuy nhiên, việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện - nôm na là chỉ khi có lỗi của cơ quan nhà nước hoặc có sự thay đổi quy hoạch dẫn đến giảm doanh thu của dự án.

Nhưng vì sao chỉ áp dụng cơ chế chia sẻ khi dự án giảm doanh thu mà không áp dụng cơ chế chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn? Đại diện cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho biết, dự án PPP được xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả về mặt tài chính căn cứ phương án tài chính của dự án, trong đó “thời điểm hoàn vốn cho dự án” là một yếu tố quan trọng. Với bản chất dài hạn, thời điểm hoàn vốn của dự án PPP có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn.

Tuy đánh giá cao cơ chế chia sẻ rủi ro, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải nghiên cứu lại tỷ lệ “ăn chia 50-50”, vì những năm đầu dự án PPP đi vào khai thác hầu hết đều bị lỗ, nếu Nhà nước chỉ chia sẻ 50% phần giảm thu sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thay vì quy định cứng tỷ lệ chia sẻ là 50-50, giải pháp linh hoạt hơn là nhà đầu tư và cơ quan nhà nước đứng ra ký hợp đồng PPP thỏa thuận tỷ lệ theo từng năm và có thể đàm phán dựa trên doanh thu thực tế của dự án trong từng giai đoạn.

Về bảo đảm ngoại tệ, dự thảo Luật quy định về hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với dự án PPP “không quá 30% doanh thu” của dự án bằng tiền đồng Việt Nam (VND). Mặc dù một số nhà đầu tư khuyến nghị nên bỏ mức trần này và giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất Chính phủ phê duyệt cho từng dự án, song cơ quan soạn thảo, thẩm tra cho rằng đây là một tỷ lệ phù hợp, vì việc chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường hiện nay không khó khăn. Để thật sự thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần minh định hướng giải quyết cụ thể đối với 70% phần doanh thu còn lại.

Khắc chế những tiêu cực có thể phát sinh

Có một thực tế không thể phủ nhận là cho đến nay, khái niệm BOT, BT… vẫn được dư luận, thậm chí cả những nhà quản lý, nhắc đến với một thái độ rất thận trọng, bởi có khá nhiều vụ việc “lùm xùm” liên quan các hình thức đầu tư này.

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này, việc kiểm toán chín dự án BOT đã cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại. Tổng hợp lại, qua kiểm toán các dự án BOT trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 665,8 tỷ đồng, gồm sai khối lượng 74,5 tỷ đồng, sai đơn giá 186,9 tỷ đồng, sai khác 404,3 tỷ đồng. Đáng lưu ý, kết quả kiểm toán cũng giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án với tổng thời gian lên tới 56,4 năm so phương án ban đầu. Các dự án BT cũng có những tồn tại không nhỏ. Qua kiểm toán chuyên đề 29 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 5.228 tỷ đồng.

Để có thể “trám” các lỗ hổng pháp luật nhằm khắc chế tình trạng sai phạm, sai sót trong đầu tư PPP, nhiều vị ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu siết chặt quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư. “Đây là trách nhiệm của Nhà nước. Việc phê duyệt chủ trương phải làm rất kỹ, phải lấy ý kiến cộng đồng, hiệp hội, đặc biệt là người dân trong vùng dự án để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện sau này”, ông Đỗ Văn Sinh nói rõ.

Không hoàn toàn là dự án đầu tư công, nhưng dự án PPP cũng không hoàn toàn là đầu tư tư nhân, nên vai trò của Kiểm toán Nhà nước ở mức độ và giai đoạn nào là rất quan trọng và cần được cân nhắc kỹ. Dự thảo Luật cũng đã quy định về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. “Tai mắt của nhân dân” chắc chắn sẽ bổ trợ rất tốt cho những công cụ của Nhà nước, bảo đảm hiệu quả cao nhất cho các dự án PPP.

Nâng cao hiệu quả phương thức đầu tư PPP ảnh 1

Phương án thu phí cho Dự án Đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 vẫn còn nhiều tranh cãi. Ảnh: VIỆT HÙNG