Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Nâng cao chất lượng xây dựng luật

Ðề cập một nội dung làm việc có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình nghị sự, là góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội (ÐBQH) cho rằng, cần đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dự án luật, khắc phục căn cơ tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết để thực hiện luật và tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH

Tạo cơ chế phối hợp hiệu quả

Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động xây dựng pháp luật luôn cần thiết và đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng các văn bản pháp luật.

Bàn về nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số ÐBQH đề nghị, dự thảo Luật cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết căn cơ những bất cập trong công tác xây dựng luật vừa qua. Thí dụ, tình trạng nhiều văn bản, quy định còn vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu khả thi nhưng chậm được sửa đổi làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường... Việc chậm ban hành các văn bản chi tiết để thực hiện luật vẫn chưa được khắc phục. Chất lượng dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế. Vẫn có tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh... Ngoài ra, chưa có quy định để tận dụng tối đa lực lượng tham gia trong quá trình lập pháp từ khâu xây dựng, thẩm tra...; tỷ lệ ÐBQH tham gia toàn diện các khâu của dự án luật là rất ít. Quy trình thực hiện luật còn nhiều bất cập. ÐBQH Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phản ánh: "Có nhiều dự án luật đến gần kỳ họp mới gửi cho các Ðoàn ÐBQH khiến các Ðoàn không thể lấy ý kiến người dân hay đối tượng điều chỉnh".

Ðể nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật thì phải khắc phục cho được những bất cập trên. Có ý kiến chuyên gia kiến nghị, rất cần có quy định để cơ quan thẩm định luật được phản biện, ít nhất là trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu cần có thể tạo điều kiện để cơ quan thẩm định (không cứ là ÐBQH) được phân tích, trình bày quan điểm trước Quốc hội. Từ đó giúp cho các ÐBQH xây dựng ý kiến có chất lượng, trách nhiệm hơn.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như nhiều ý kiến ÐBQH nhất trí với dự thảo Luật bổ sung 03 trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; bổ sung thẩm quyền quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật thống nhất đề nghị bổ sung quy định Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng một số dự án ngay từ khi quyết định đưa dự án vào Chương trình; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp bổ sung dự án vào Chương trình; thống nhất đề nghị bổ sung quy định Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng được ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời bãi bỏ văn bản được ban hành không đúng hình thức, trình tự, thủ tục hoặc có sai sót về nội dung.

Nâng cao chất lượng xây dựng luật ảnh 1

Cần có quy định để cơ quan thẩm định luật được phản biện, ít nhất là trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trách nhiệm phải rõ ràng

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (dự thảo Luật) được Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại Quốc hội, bố cục dự thảo luật gồm ba điều, tập trung sửa đổi, bổ sung 46 điều về nội dung và 06 điều về kỹ thuật của luật hiện hành.

Cụ thể, về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, Chính phủ trình hai phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như ý kiến ở nhiều Ðoàn đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 như Chính phủ trình. Cách làm như vậy bảo đảm để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra thực hiện đúng và đầy đủ chức năng; phát huy cao độ được trách nhiệm của các cơ quan; bảo đảm trong suốt quá trình xem xét, thông qua luật, các chính sách phát sinh đều được phản biện, thẩm tra đầy đủ. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện soạn thảo đến cùng, bảo đảm được tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến khâu giải trình bảo vệ và chỉnh lý, hoàn thiện. Cơ quan thẩm tra thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự án luật. Việc Chính phủ đề xuất sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh không phải là vấn đề hoàn toàn mới mà là mở rộng cách làm đang được thực hiện trong quy trình xem xét, thông qua luật tại ba kỳ họp (Ðiều 76 luật hiện hành) để áp dụng đối với tất cả các luật trong quy trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến ÐBQH đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay (như Phương án 2 của Chính phủ), đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của từng chủ thể... để tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện và bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án trình Quốc hội thông qua.