Liều thuốc minh bạch

Nhiều năm gần đây, Báo cáo về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ luôn là một trong những nội dung quan trọng được trình Quốc hội tại các kỳ họp. Năm 2019 lại là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), do đó, nội dung này hẳn sẽ càng thu hút sự chú ý của công luận.

Phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Ảnh: TRỌNG QUỲNH
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật

Ðánh giá khoảng thời gian từ ngày 1-10-2018 đến ngày 31-7-2019, báo cáo của Chính phủ và của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đều công nhận rằng, tham nhũng "đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm", song tình trạng tham nhũng tồn tại trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật và công tác tự phát hiện, đấu tranh với tham nhũng nội bộ vẫn là những nội dung để lại dư vị chua chát.

Khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) "không dừng, không nghỉ, không chùng xuống", Báo cáo của Chính phủ ghi nhận một số kết quả nổi bật như đã đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng; tiếp tục khẳng định quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" trong đấu tranh PCTN...

Theo Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, từ ngày 1-10-2018 đến ngày 31-7-2019, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ với 849 bị cáo (tăng 31 vụ so năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 402 bị cáo; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ là 103 bị cáo. Có chín bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.

Tuy vậy, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác PCTN còn nhiều hạn chế. Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH), luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại khi mà số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng; chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu.

Ðặc biệt, sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề rất đáng quan ngại. Theo Báo cáo số 145/BC-VKSTC ngày 19-8-2019 của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm qua Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 15 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp (tăng 54,5% so cùng kỳ năm trước). Ðiển hình như các vụ: Nguyễn Thị Kim Anh - Phó trưởng phòng PCTN Thanh tra Bộ Xây dựng và đồng phạm; năm cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa; vụ ông Ðặng Trường An, Phó Viện trưởng Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, Tây Ninh; ông Giáp Văn Huyên, thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang; vụ ba cán bộ công an phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội; vụ ông Ðinh Văn Thơm, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc, Lâm Ðồng lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…

Trong khi đó, công tác tự thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nơi còn biểu hiện khép kín xử lý nội bộ, việc xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán một số trường hợp vẫn chưa nghiêm. Công tác tự kiểm tra nội bộ chỉ phát hiện 19 vụ với 22 đối tượng, bằng số vụ được phát hiện trong năm 2018.

Mà "kiểm soát nội bộ" không phát hiện ra được tham nhũng cũng không có gì là khó hiểu khi mà, nói như ÐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), có một nghịch lý là ở đâu hệ thống thanh tra nội bộ phát hiện được tham nhũng thì cơ quan, tổ chức đó… bị cắt thi đua thay vì được khen thưởng. Chẳng ai dại dột "vạch áo cho người xem lưng" nữa. Một vị ÐBQH khác thì sử dụng hình ảnh rất ấn tượng. Ông nói, có những nơi xuống bếp tập thể ăn trưa có thể gặp một nửa gia tộc lãnh đạo! Chính vì thực trạng này mà Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể về kết quả công tác kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ các chức vụ quản lý trên cả nước.

Liều thuốc minh bạch ảnh 1

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Ảnh: Văn Ðiệp

Phòng bệnh bằng liều thuốc minh bạch

Trong rất nhiều "kế" được hiến cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng, dường như công hiệu của liều thuốc minh bạch dễ dàng được thống nhất hơn cả. Nhưng dễ dàng thống nhất không có nghĩa là dễ dàng thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, trong mấy chục năm làm công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng pháp luật, băn khoăn lớn nhất của bà là đã không thuyết phục được Quốc hội về phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc (tài sản bất minh) trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Cả hai phương án được đề nghị đều không quá bán, rút cục vấn đề này được bỏ ngỏ, không quy định được.

Trong năm 2019, việc kê khai tài sản, thu nhập tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định mới của Luật PCTN năm 2018 sẽ được thực hiện từ ngày 1-1-2020). Theo Báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2019 đạt tỷ lệ 99,9% so số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 99,4%.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, những kết quả nêu trên chủ yếu vẫn mang tính hình thức; hiệu quả thực chất của việc kê khai chưa cao, không có ý nghĩa nhiều trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức hữu quan mới chủ yếu quan tâm tới số lượng bản kê khai đã đủ và đúng về đối tượng, đúng về thời hạn, quy trình thực hiện hay chưa, mà không kiểm soát được bản kê khai có trung thực không; tài sản có biến động bất thường, có dấu hiệu bất minh không. Số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), nhưng số lượng bản kê khai được xác minh lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ (46 người); kết quả xác minh cũng chỉ phát hiện một số trường hợp vi phạm (10 trường hợp).

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri, vẫn còn hiện tượng không công khai, lạm dụng việc bảo mật thông tin để không công khai hoặc nội dung công khai không cụ thể, nhất là trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng đất, lập dự án… nhưng việc kiểm tra, xử lý vẫn còn hạn chế. Qua kiểm tra 3.875 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, chỉ phát hiện được 35 đơn vị có vi phạm trong khi đó, theo dư luận thì tình trạng lạm dụng bảo mật trong công khai diễn ra tương đối phổ biến ở nước ta…

Rõ ràng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "liều thuốc minh bạch" đã cho thấy tính công hiệu của nó. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, trước những diễn biến phức tạp của các vụ việc bị phát hiện trong thời gian qua, chỉ liều thuốc minh bạch không là chưa đủ. Muốn PCTN thật sự hiệu quả, đòi hỏi đến sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, giám sát của người dân. Và mỗi "công bộc" của dân hằng ngày soi vào "tấm gương" đời sống để tự nhận thức và sửa đổi.