Kỷ luật ngân sách, nhìn từ bức tranh đầu tư công

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đầu tuần này, chấn chỉnh kỷ luật ngân sách là vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban nhấn mạnh khi bàn về đầu tư công. Vấn đề tuy không mới, nhưng vẫn nguyên tính thời sự, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách năm nay được dự báo hụt thu khoảng 150.000 tỷ đồng và bội chi có thể tăng lên tới 70.000 - 80.000 tỷ đồng.

Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG ÐỨC
Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG ÐỨC

Quản lý thu còn lỏng lẻo, kỷ luật chi chưa nghiêm

Thực tế, đây không phải lần đầu những khuyến cáo về kỷ cương, kỷ luật tài chính được các cơ quan Quốc hội nhấn mạnh khi kiểm tra, giám sát công tác thu - chi ngân sách nói chung và đầu tư công nói riêng. Cũng trong khuôn khổ phiên họp thứ 45 (đợt 1) về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, UBTVQH đã ban hành văn bản phân tích rất cụ thể những mặt được và chưa được của công tác điều hành ngân sách.

Cơ quan thường trực của Quốc hội thống nhất nhận định, việc chấp hành dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2018 có những tiến bộ nhất định so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình thực hiện dự toán thu ở ba lĩnh vực: doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) và khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được cải thiện và là năm thứ hai liên tiếp không hoàn thành dự toán. Công tác quản lý thuế có chuyển biến tích cực, song nợ đọng thuế vẫn còn ở mức cao, nợ khó thu vẫn tăng. Vẫn còn thất thoát trong thu ngân sách; kỷ luật chi ngân sách nhà nước còn chưa nghiêm, nhất là trong đầu tư phát triển.

Ðáng lưu ý, UBTVQH yêu cầu Chính phủ phân tích rõ tình trạng giao chậm, không bảo đảm trật tự ưu tiên; quyết định dự án không căn cứ vào nguồn vốn; chi ngân sách nhưng chưa có dự toán, sai quy định của pháp luật… và đề nghị Chính phủ chỉ đạo “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tránh lặp lại các sai phạm tương tự những năm sau”.

Cụ thể hơn nữa, UBTVQH đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân giảm bội chi chủ yếu do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Trao đổi ý kiến với báo chí sau khi có kết luận của UBTVQH, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020, ngân sách nhà nước có thể phải tăng bội chi lên khoảng 70.000 - 80.000 tỷ đồng. Ông nói thêm: “Bội chi không phải để chi thường xuyên, mà chỉ để đầu tư” và việc tăng cường hiệu quả giải ngân chính là điểm mấu chốt trong điều hành ngân sách, góp phần tăng thu, giảm bội chi.

Kỷ luật ngân sách, nhìn từ bức tranh đầu tư công ảnh 1

Tăng cường hiệu quả giải ngân chính là điểm mấu chốt trong điều hành ngân sách, góp phần tăng thu, giảm bội chi.

Thống nhất tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công

Tăng cường hiệu quả giải ngân là việc cực kỳ khó. Không phải ngẫu nhiên mà dự thảo Nghị quyết về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đã phải trình UBTVQH cho ý kiến đến lần thứ hai. Kể cả ở lần trình thứ hai, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - và cơ quan trình dự thảo vẫn có ý kiến khác nhau về việc phân bổ vốn đầu tư bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết phải quy định rõ ràng, phản ánh đúng thực tiễn, qua đó bảo đảm công bằng giữa các địa phương. Trên nguyên tắc đó, quy định tính điểm của các tiêu chí chỉ áp dụng để tính toán phân bổ đối với phần chi tiêu mới là không hợp lý và sẽ dẫn đến không bảo đảm tính công bằng giữa các địa phương. Việc áp dụng tiêu chí này sẽ dẫn đến nghịch lý là các địa phương đầu tư dàn trải, khởi công mới nhiều dự án trong giai đoạn trước, còn nhiều dự án dở dang chuyển tiếp sang giai đoạn mới, nợ ứng trước lớn... lại được bố trí chi tiêu cơ sở lớn hơn so với các địa phương chấp hành nghiêm quy định!

Ðiều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhận định, nếu cho phép những chi tiêu cũ được chuyển nguồn sang giai đoạn mới và được hưởng ưu đãi là không hợp lý.

Tuy thế, theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nếu nhất nhất áp khuôn phân bổ vốn đầu tư công có nguồn từ ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên lần lượt là trả nợ - hoàn ứng - bố trí vốn ODA - chuyển tiếp; rồi mới khởi công mới thì rất nhiều địa phương không có dự án khởi công mới. Hệ quả này đã thấy rõ trong giai đoạn 2016 - 2020…

Cuối cùng một giải pháp “mềm mại” hơn, đồng thời cũng mang tính khả thi cao hơn đã được UBTVQH biểu quyết thông qua với 100% số thành viên tán thành.

Theo đó, Nghị quyết về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đã được thiết kế theo hướng, khi xác định định mức đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cần trừ đi phần vốn chuyển tiếp và vốn hỗ trợ có mục tiêu (vốn ODA). Nếu những khoản chuyển tiếp là trách nhiệm của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, còn là khoản chuyển tiếp của ngân sách Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm. Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất không quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không quá 30%, không bao gồm vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án ODA.

Dự thảo nghị quyết quy định thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện như sau:

a) Phân bổ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 4, Ðiều 101 Luật Ðầu tư công (nếu có);

b) Phân bổ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (nếu còn);

c) Phân bổ vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm cả vốn đối ứng); vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

d) Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch;

đ) Phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;

e) Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5, Ðiều 51 của Luật Ðầu tư công.