“Không để đứt gãy nền kinh tế”

Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phần kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra vào ngày 3-8 vừa qua. Trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân vừa phải chung sức chống dịch, vừa phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Vậy đâu là giải pháp để biến mục tiêu đầy thách thức đó trở thành hiện thực?

Những biện pháp kích cầu nội địa của Chính phủ trong thời gian qua đã, đang hỗ trợ các DN tư nhân vượt qua đại dịch Covid-19.
Những biện pháp kích cầu nội địa của Chính phủ trong thời gian qua đã, đang hỗ trợ các DN tư nhân vượt qua đại dịch Covid-19.

Gập ghềnh, nhưng hứa hẹn 

Không quá khó để nhận diện những khó khăn chồng chất đang đặt ra đối với nước ta. Trên thế giới, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, các đối tác quan trọng cũng đang gặp khó. Căng thẳng thương mại và công nghệ giữa các nền kinh tế lớn leo thang. Trong nước, dịch bệnh đe dọa bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, mùa thiên tai lũ lụt đã bắt đầu. Báo cáo “Điểm lại” - ấn phẩm bán thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá tổng quan tình hình kinh tế - xã hội - vừa công bố ngày 30-7 vừa qua, nêu khái quát: “Rủi ro đối với Việt Nam không chỉ ở mặt trận y tế mà cả ở mặt trận kinh tế. Covid-19 đến nay được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong 35 năm qua. Mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu của năm, nhưng nền kinh tế chỉ tăng trưởng được có 1,8%, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia”.

Tuy thế, không phải không có những “tia sáng cuối đường hầm”. Kinh tế đất nước trong những tháng thiết lập được trạng thái bình thường mới phát triển khá tốt, những biện pháp kích cầu nội địa, du lịch nội địa, hàng không, những ngành chịu nhiều thiệt hại do Covid-19… đã tiến triển đáng mừng. Hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại tháng 7 ước tính xuất siêu 1 tỷ USD, một số thị trường mới mở đầy triển vọng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong bảy tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD. Thu hút FDI được cải thiện, bảy tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, giảm so cùng kỳ năm ngoái, nhưng tháng 7 đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng khá tốt cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư. 

Linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới

Sự xuất hiện trở lại của “điểm nóng” Đà Nẵng đã cho thấy yêu cầu cấp bách của việc nhận diện và giải pháp ứng phó phù hợp trạng thái “bình thường mới”. Đúng như các chuyên gia WB nhận định, Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới bất định cả ở trong nước và trên trường quốc tế trong thời gian tới. 

Trước thực tế suy giảm cả về sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước, Chính phủ đã xác định, phải chuyển đổi cách điều hành theo hướng kết hợp quyết liệt dập dịch, phòng dịch với thận trọng “mở cửa”; triển khai gói kích thích tài khóa quy mô và hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đây, Chính phủ đã áp dụng giãn cách xã hội trên quy mô lớn, từ đó rất nhiều các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh đều bị tác động rất mạnh, dẫn đến hệ quả là tăng trưởng GDP quý II đạt thấp (chỉ ở mức hơn 0,3%). Tại đợt bùng phát dịch lần này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo dùng mọi nguồn lực để khoanh vùng cục bộ, dập dịch tại khu vực đó, nghĩa là chỉ tập trung phong tỏa trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch. Ở các khu vực khác, hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra bình thường, bảo đảm mục tiêu kép mà Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định. Cách làm này dự kiến làm giảm đáng kể ảnh hưởng đến nền kinh tế (mặc dù việc khoanh vùng hiện tại đòi hỏi chi phí về y tế lớn hơn, nhất là các địa phương có dịch áp dụng biện pháp xét nghiệm mở rộng, chi phí xét nghiệm tăng). Các yêu cầu về nhân lực, vật lực, chuyên môn, năng lực của ngành y tế cũng ở mức cao hơn.

Bên cạnh đó, “đầu tư công” được coi là từ khóa then chốt, nếu không muốn nói là động lực tăng trưởng mới. PGS,TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các gói hỗ trợ hiện tại chỉ là “cầm hơi”, trong khi giải ngân đầu tư công “mới thật sự bơm máu cho nền kinh tế, máu sẽ chảy vào các hệ thống, lan dần ra, làm hồi sinh doanh nghiệp, kích hoạt doanh nghiệp, làm sống động dần các ngành, lĩnh vực”.

Theo kế hoạch, vốn đầu tư công giải ngân trong năm nay là 28 tỷ USD, tương đương 633.000 tỷ đồng. Mặc dù sáu tháng qua giải ngân vốn có tiến bộ, cao hơn các năm trước, nhưng vẫn là mức thấp. Theo đó, số đã giải ngân chưa tới 200 tỷ đồng, ước khoảng 34,96% kế hoạch. Đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài vẫn chậm, ước đạt 10,2% kế hoạch. Chỉ khi khắc phục được sự trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công thì nguồn vốn này mới phát huy tác dụng như mong muốn. Bên cạnh những vướng mắc khách quan về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách..., còn một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến giải ngân chậm là năng lực yếu kém của chủ đầu tư, nhà thầu, cộng với tâm lý sợ rủi ro trách nhiệm. Tình trạng phổ biến là lãnh đạo nhiều địa phương khi thấy quy định vướng thì chọn cách đi hỏi Trung ương; bộ, ngành được hỏi cũng sợ trách nhiệm, nên câu trả lời thường là “làm theo quy định”. Vì ranh giới mong manh giữa năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với làm sai quy định nên nhiều nơi, nhiều cấp đã chọn cách… không làm. 

Luật Đầu tư công hiện hành đã được thiết kế theo hướng chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư để khi dự án thật sự được triển khai sẽ tiến hành nhanh chóng, suôn sẻ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, quy trình về đầu tư công hiện vẫn còn rất nhiều bất cập. “Trong tình huống đặc biệt cần vận dụng giải pháp đặc biệt, để các cấp thực thi thấy đủ yên tâm để làm nhanh, làm ngay mà không lo sợ vi phạm quy định”, TS Trần Đình Thiên lưu ý. 

Một kiến nghị rất đáng xem xét từ các chuyên gia kinh tế là tại kỳ họp tới, Quốc hội có thể xem xét, ban hành một số cơ chế đặc biệt theo hướng giao quyền nhiều hơn cho Chính phủ, các bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh trong việc ra quyết định đầu tư. Quốc hội chỉ đóng vai trò giám sát hiệu quả sử dụng vốn, thay vì trực tiếp phân vốn, quyết định hình thức đầu tư của từng dự án. Và như thế, nói như bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, “trong nguy luôn có cơ”, bởi cuộc khủng hoảng lần này khác với những lần trước đó, và nếu được quản lý tốt, Việt Nam có thể tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Tất nhiên, để vươn lên tầm cao mới, sẽ phải vượt qua nhiều thách thức.