35 năm đổi mới đất nước

Khát vọng phồn vinh

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khai mạc trước thềm Xuân Tân Sửu, 2021. Thêm một dấu son trong lịch sử Đảng ta, dân tộc ta. Đây cũng là dấu mốc 35 năm đổi mới đất nước. 35 năm cả dân tộc chúng ta giương cao ngọn cờ cách mạng tiến công trên con đường dựng xây non nước phồn vinh, tươi đẹp.

Khát vọng phồn vinh

Khởi đầu là như vậy. Là sự sáng suốt, can trường của những người chèo lái con thuyền cách mạng. Vào đầu những năm 80, thế kỷ 20, thường trở đi trở lại câu hỏi: chiến tranh đã qua, làm gì và làm thế nào để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu? Làm gì để giải quyết được cái ăn, cái mặc cho xã hội; để không còn cảnh ngăn sông cấm chợ? Làm gì để thoát khỏi tình trạng một đất nước nông nghiệp xứ nhiệt đới, đồng đất phì nhiêu mà người nông dân cứ loay hoay mãi từ ruộng lên bờ, từ đồng ra bãi, giật gấu vá vai? Trả lời những câu hỏi nhức nhối, từ mỗi xóm thôn, từ các địa phương, từ nam chí bắc, dân ta thấm thía một điều: thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu vải, thiếu muối, không phải tại trời mà là tại người. Như vậy, phải bắt đầu từ việc thay đổi cung cách quản lý, thay đổi cơ chế. “Khoán 100”, rồi “Khoán 10” trong nông nghiệp ra đời từ đấy, nhằm tạo ra những đột phá trong nông nghiệp, mà trọng tâm là giải phóng sức sản xuất, coi trọng lợi ích người lao động. Trong công nghiệp có những quyết định táo bạo: cho phép lưu thông hàng hóa và thị trường tự do; quyết định đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh, với kế hoạch ba phần, tự chủ cân đối vật tư, nguyên liệu từ nhiều nguồn,v.v.

Từ ruộng đồng đến nhà máy, một luồng gió mới đã đem đến niềm lạc quan và nguồn sinh lực mới. Người nông dân, công nhân vui mừng khi năng suất lao động tăng gấp bội. Tiếng cười vỡ òa quanh mâm cơm. Tấm áo lành dần thay manh áo vá. Những chùm quả mùa đầu ấy gợi cách nhìn, sức nghĩ về một con đường lớn. Đại hội lần thứ VI của Đảng, năm 1986, đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; từ đổi mới tư duy, nhận thức, tư tưởng đến đổi mới hoạt động thực tiễn, đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách công tác.

Nhưng đổi mới không phải là một con đường thẳng tắp, phẳng phiu. Đổi mới là phải đoạn tuyệt cái cũ, cái lạc hậu, trì trệ, như con tàu từ sông ra biển lớn. Đổi mới không chỉ đối mặt sóng to gió cả ngay trong lòng xã hội, trong bản thân mỗi người, mà còn chịu tác động của xu thế thời đại. Vào đầu những năm 90, thế kỷ trước, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khiến thế giới lâm vào khủng hoảng chính trị nặng nề. Nhưng với bản lĩnh kiên cường của một Đảng dạn dày kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, Đảng ta đã đứng vững, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, kiên định con đường đã lựa chọn. Tổng kết 10 năm, 20 năm, 30 năm đổi mới, Đảng đều có những đánh giá toàn diện, sâu sắc, từ thành tựu đến những hạn chế, khuyết điểm.

Tổng kết 10 năm đầu đổi mới, Đại hội VIII của Đảng đã rút ra một số bài học chủ yếu, trong đó có bài học: “Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X một lần nữa rút ra bài học: “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp”. Nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Đại hội XII khẳng định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Và mới nhất, Dự thảo Báo cáo Chính trị  Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Xin dẫn một vài con số về bước tăng trưởng kinh tế ngoạn mục: Năm 1989, GDP Việt Nam mới chỉ là 6,3 tỷ USD, năm 2020 quy mô nền kinh tế nước ta đã đạt 268,4 tỷ USD. Còn tính riêng trong khu vực ASEAN, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã đứng thứ tư. Nước thịnh thì dân cường. Đời sống nhân dân cả nước đã cao hơn rất nhiều. Đến các địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thấy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp. Năm 1985, bình quân thu nhập đầu người còn ở mức rất thấp 159 USD, năm 2020 ước đạt 2.750 USD.

Sự thật hiển nhiên đó đã bác bỏ những luận điệu sai trái, rằng chế độ một Đảng là mất dân chủ (!); rằng kinh tế thị trường không thể gắn “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa (!). Kẻ xuyên tạc có nhiều cách gây rối, nhưng sự thật chỉ có một. Bản thân nền kinh tế thị trường tự nó không thể quyết định bản chất và định hướng phát triển cho một chế độ chính trị - xã hội. Nhưng điều chắc chắn rằng, chính bản chất của chế độ chính trị - xã hội sẽ quyết định bản chất của kinh tế thị trường. Thế giới ngày nay có nhiều chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Nền kinh tế thị trường ở các nước phát triển năng động trong sự đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Thực tiễn công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã minh chứng rằng, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không có gì mâu thuẫn, nó hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Năm 2021, năm mở đầu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã mở rộng cánh cửa. Nhìn lại một năm đầy gian khó, chúng ta có quyền tự hào rằng, Việt Nam đã có những cố gắng vượt bậc. Nước ta thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020 (mặc dù mức tăng GDP 2,91% trong năm nay là mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong cả thập niên 2011 - 2020). Việt Nam được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Có được kết quả này là do chúng ta đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Hôm 6-1-2021, tờ Nikkei Review của Nhật Bản bình luận: Trong khi thế giới vật lộn với bùng phát các ca nhiễm Covid-19 mới, Việt Nam cùng với Đài Loan (Trung Quốc) và Xin-ga-po đã thành công trong hạn chế lây nhiễm cộng đồng ở ngưỡng gần như tuyệt đối.

Trong ánh hào quang xin đừng chói lóa! Tiền nhân thường khuyên như thế khi bước vào trận mới. Bây giờ là cuộc lên đường của thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Hãy nhanh chân tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, vươn tới thế giới lớn lao của loài người. Đúng như ý kiến một nhà khoa học: Không chuyển đổi số giống như có điện nhưng chúng ta vẫn quen, vẫn cứ thắp đèn dầu. 
Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng sáng lên tinh thần ấy, khát vọng ấy - khát vọng phồn vinh, hạnh phúc!