Giao thông Thủ đô, đâu là lời giải ?

Những vấn đề đặt ra với giao thông Hà Nội cũng đang là bất cập chung ở các thành phố lớn. Chính vì vậy, những trăn trở về cách nào để giải bài toán giao thông Thủ đô, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XV, diễn ra từ ngày 8 đến 10-7, đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Công trình đường trên cao Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy đang được thi công. Ảnh: LONG NHẤT
Công trình đường trên cao Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy đang được thi công. Ảnh: LONG NHẤT

Còn xa mục tiêu

TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông, gồm: Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý; xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân, khởi động lại phân luồng, phân làn giao thông; ứng dụng khoa học - kỹ thuật,…

Trọng tâm của các nhóm giải pháp đã và đang triển khai thời gian gần đây là việc thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội. Thời gian qua, tuy UBND thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện 37 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; đến nay, dù thời điểm năm 2020 đã rất gần, song không ít mục tiêu của Nghị quyết vẫn còn khá xa thực tế, bởi còn nhiều vướng mắc.

Giao thông Thủ đô, đâu là lời giải ? ảnh 1

Ùn tắc giao thông trên tuyến đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội).Ảnh: Ngọc Thành

Cùng với Nghị quyết 04, theo Quy hoạch Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, phải bảo đảm tỷ lệ 20 - 26% diện tích đất dành cho giao thông và 3 - 4% dành cho giao thông tĩnh; vận tải khách công cộng phải đạt từ 50 - 55%. Song, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt được khoảng 9,38%. Đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1%; tỷ lệ vận tải khách công cộng mới đạt 14%. Như vậy, tất cả các chỉ số phục vụ GTVT của Hà Nội đều thấp hơn rất nhiều so yêu cầu.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đã chất vấn Giám đốc Sở GTVT về chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 phải đáp ứng được 20 - 25% nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 15,7%, ước tính cuối năm 2019 có thể đạt được khoảng 17,3%.

Không ít vấn đề khác liên quan lĩnh vực GTVT Thủ đô đã được tái chất vấn, nhiều câu hỏi trở đi trở lại qua nhiều kỳ họp như: vấn đề kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân; tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn tồn tại, xe buýt nhái ngang nhiên hoạt động, dừng đỗ không đúng quy định,… tiếp tục được các đại biểu và lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng “mổ xẻ”.

Nhiều việc cần làm ngay

Vẫn biết, giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung, không thể là câu chuyện ngày một, ngày hai. Hà Nội hiện đang đi đúng hướng trong việc tập trung lấy giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là chủ yếu. Theo đó, thành phố đang tích cực triển khai các dự án giao thông trọng yếu như: Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3; cũng như một loạt các công trình kết nối giao thông giữa các khu đô thị, các khu trung tâm với ngoại thành. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cũng bởi tất cả các giải pháp đang ở bước đầu thực hiện nên chưa thể đồng bộ, đáp ứng được ngay nhu cầu đi lại của người dân.

Trả lời cho những kiến nghị của đại biểu và cử tri thành phố, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT thẳng thắn: “Các nhóm giải pháp đã xác định tại Nghị quyết số 04 là cần thiết, nhưng là những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có tác động đến đời sống, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người dân trong và ngoài thành phố và các nhóm lợi ích trong xã hội, nên trong quá trình thực hiện còn nhiều ý kiến không đồng thuận, lo ngại và phản đối”. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quản lý phương tiện giao thông đô thị cũng được người đứng đầu ngành GTVT thành phố thông tin. Theo đó, hiện đã đưa vào sử dụng phần mềm GOVONE phục vụ công tác quản lý bảo trì đường bộ, đang xây dựng bản đồ số giao thông Hà Nội sử dụng phần mềm mã nguồn mở Open Street Map, tích hợp dữ liệu cho Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đến nay tình trạng ùn tắc giao thông đã từng bước được giải quyết có hiệu quả.

Liên quan vấn đề xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố cho rằng, đây là thực trạng nhiều năm trên địa bàn Thủ đô, là nội dung nhức nhối trong khâu bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các lực lượng chức năng phối hợp Thanh tra Giao thông, các lực lượng an ninh cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị, chủ phương tiện không có các hành vi bắt khách dọc đường, chạy sai luồng. Nhưng khi làm mạnh, ráo riết thì các trường hợp này lại “biến tấu” thành xe hợp đồng đón khách tại nhà, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện trung bình mỗi tháng, Hà Nội có thêm khoảng 27 nghìn phương tiện giao thông cơ giới đăng ký mới, trong đó có khoảng 5.000 xe ô-tô và khoảng 22 nghìn xe máy. Ngoài ra, có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ địa phương khác tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Theo các chuyên gia, nếu thành phố cứ để các phương tiện giao thông cá nhân phát triển tự phát như hiện nay thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ ùn tắc nghiêm trọng, thậm chí các phương tiện tham gia giao thông không thể di chuyển được nữa.

Nghị quyết, chủ trương, giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường đã có; vấn đề cần thiết lúc này là một tinh thần quyết tâm, phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể của thành phố, sự ý thức, chung tay của mỗi công dân vì một Thủ đô và một đất nước văn minh, hiện đại.