Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Gia cố trụ cột thứ ba

Không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều như dự kiến ban đầu, tới đây, với sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 44, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho sửa đổi toàn diện. Với rất nhiều nội dung mới, Luật được kỳ vọng sẽ gia cố vững chắc trụ cột thứ ba không thể thiếu trong tiến trình phát triển: kinh tế - xã hội - môi trường.

Theo dự thảo Luật mới, chỉ những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn, có ảnh hưởng đến môi trường và những dự án có phát sinh chất thải lớn… mới phải lập đánh giá tác động môi trường. Ảnh: Ngọc Hà
Theo dự thảo Luật mới, chỉ những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn, có ảnh hưởng đến môi trường và những dự án có phát sinh chất thải lớn… mới phải lập đánh giá tác động môi trường. Ảnh: Ngọc Hà

“Không chịu đựng hơn được nữa”

Ðược ghi nhận là người thường đích thân đi dự các cuộc họp xin ý kiến về sửa đổi Luật BVMT, trong phiên họp thứ 44 của UBTVQH, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu: “Chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Ðã xuất hiện những sự cố môi trường lớn. Thực tế đang đòi hỏi nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”.

Theo hướng đó, quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) được chú trọng thiết kế để trở thành công cụ dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Một mặt, dự thảo Luật thu hẹp đối tượng phải thực hiện ÐTM, theo đó, chỉ những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mới phải lập ÐTM. Cũng hướng đến mục đích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động, dự thảo đã bổ sung quy định về tần suất thanh tra BVMT (không quá một lần/năm đối với một tổ chức, cá nhân. Riêng các đối tượng chấp hành tốt công tác BVMT là không quá một lần/ hai năm liên tiếp, trừ trường hợp thanh tra đột xuất) để giảm phiền hà, chồng chéo cho DN.

Mặt khác, nhiều quy định được bổ sung nhằm nâng cao chất lượng của ÐTM (theo lộ trình, đến ngày 1-7-2023 các tổ chức thực hiện ÐTM phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề; các bộ được giao quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng phải tổ chức thẩm định báo cáo ÐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình)...

Ðáng lưu ý, các quy định về xử lý vi phạm trong dự thảo Luật cũng đã được điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn, công bằng hơn: nâng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (từ 2 năm lên 10 năm); tăng mức phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (không khống chế mức phạt tiền tối đa mà có thể tính mức phạt theo giá trị số lợi thu được từ hành vi vi phạm); bổ sung cách tính mức phạt theo ngày, phạt lũy tiến; luật hóa trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan…

Bảo đảm tính thống nhất, khả thi

Toàn bộ các chế định của Luật BVMT hiện hành có liên quan tới 80 đạo luật khác (theo thống kê của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp), do đó việc bảo đảm tính thống nhất và khả thi của Luật sửa đổi là không đơn giản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định. Ðó cũng là lý do khiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội từng nêu sáng kiến xây dựng Bộ luật về môi trường, quy định khung nguyên tắc, còn các lĩnh vực khác nhau thì quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành môi trường.

Ðứng đầu cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), nên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dễ dàng chỉ ra nhiều điểm xung đột giữa dự thảo Luật BVMT với dự thảo Luật XLVPHC. “Có những điểm trái ngược so với những nguyên tắc mang tính lý luận, những quy định cơ bản của Luật XLVPHC”, ông Hoàng Thanh Tùng thẳng thắn nhận xét. Chẳng hạn, dự thảo Luật BVMT giao thẩm quyền xử phạt cho công chức, viên chức cấp xã, tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, như thế là “rất trái nguyên tắc với quy định về xử phạt hành chính”.

Tương tự với việc sử dụng tiền phạt thu được: dự thảo Luật BVMT quy định không nộp vào ngân sách mà để lại cho cơ quan, tổ chức xử phạt để thực hiện việc kiểm tra xử lý vi phạm hoặc duy trì hoạt động bảo vệ môi trường, trong khi Luật XLVPHC quy định là toàn bộ số tiền thu được từ xử phạt hành chính, bán tang vật, tài vật vi phạm là phải nộp vào ngân sách nhà nước, không được trích lại hoặc giữ lại để sử dụng cho các cơ quan xử phạt.

Bên cạnh đó, cũng tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Ðầu tư và Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cùng với Luật Ðầu tư công mới được sửa đổi, các luật này có ý nghĩa xây dựng rường mối pháp lý cho môi trường kinh doanh và đều tiếp cận vấn đề bảo vệ môi trường gắn với quy trình phê duyệt chủ trương - ÐTM - triển khai thực hiện dự án đầu tư. Thay đổi quy định về ÐTM như dự thảo Luật BVMT dẫn đến phải điều chỉnh ba luật kể trên, do đó cần phải hết sức cân nhắc hoặc có sự phối hợp để điều chỉnh kịp thời ba luật trên, tránh tình trạng sau một hoặc hai kỳ họp nữa của Quốc hội, khi dự thảo Luật BVMT được thông qua, thì lại phải đặt vấn đề sửa đổi các luật về đầu tư.

Ðó là chưa kể, công tác ÐTM vẫn chưa được giao cho những cơ quan chuyên môn, đủ năng lực, trình độ, phương tiện và bảo đảm khách quan. Tính pháp lý, tính chịu trách nhiệm của những thành viên trong Hội đồng thẩm định ÐTM đối với kết luận thẩm định mà họ đặt bút ký vào cũng còn chưa rõ.

Trong khi dễ dàng thấy rằng bảo vệ môi trường là vấn đề rất lớn, hết sức khẩn thiết trong tình hình hiện nay, thì việc sửa đổi sâu rộng, toàn diện Luật BVMT mà vẫn bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi rõ ràng là việc khó và không thể vội vàng.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: “Luật Bảo vệ môi trường là đạo luật ảnh hưởng tới đông đảo quần chúng nhân dân và được cử tri hết sức quan tâm. Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, trong khoảng 2.000 kiến nghị của cử tri, thường có khoảng 10% kiến nghị của cử tri liên quan tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và có liên quan tới việc bảo vệ môi trường”.