Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Đòi hỏi cao hơn về chất lượng chất vấn


 Chất vấn và đánh giá việc trả lời chất vấn là phương thức thực hiện quyền giám sát tối cao trong hoạt động nghị trường. Do tính đặc thù của kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ lần này, cuộc chất vấn cuối cùng của Quốc hội (QH) khóa XIV, kéo dài từ cuối tuần trước sang đầu tuần này, dồn nén nhiều vấn đề mà cả đại biểu (ĐB) QH và cử tri đều đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Cập nhật thực tiễn
 
 Ngay cuối ngày chất vấn thứ hai (9-11), Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã tiến hành phiên họp thứ 50 (khác với thông lệ: các phiên họp của UBTV thường diễn ra giữa hai kỳ họp) nhằm kịp thời cập nhật tình hình, giải quyết thấu đáo đòi hỏi từ thực tiễn, cho ý kiến một số nội dung được Chính phủ đề nghị bổ sung ngay vào chương trình Kỳ họp thứ 10 đang diễn ra như: Dự thảo Nghị quyết về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón; việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo; việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng như cho ý kiến việc trình QH phê chuẩn bổ nhiệm một số nhân sự thuộc thẩm quyền QH phê chuẩn.
 
 Theo dõi truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, nhiều cử tri bày tỏ hài lòng cũng như cảm nhận được “sức nóng” từ phòng Diên Hồng, nơi không ít ĐBQH đã không ngần ngại nói thẳng, nói thật, “truy” đến cùng trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trước những vấn đề cấp thiết ngoài đời sống.
 
 Một trong những nội dung đáng chú ý tại các phiên chất vấn lần này là những bức xúc của cử tri về “rào cản” mang tên thủ tục hành chính. Thời gian qua, tuy không ít cơ quan nhà nước đã gỡ bỏ nhiều vướng mắc, song trong thông tư của các bộ, thậm chí trong một số nghị định của Chính phủ vẫn còn đặt ra không ít rào cản, gỡ chỗ này nảy sinh chỗ khác, thậm chí phát sinh rào cản mới, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện quyền của mình. Chất vấn về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thẳng thắn đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tư pháp: “Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Tư pháp và giải pháp để khắc phục, Bộ trưởng có cam kết gì trước QH và cử tri cả nước?”. Đồng thời, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm về cùng vấn đề.
 
 Không né tránh, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận: “Việc bỏ sót các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là thủ tục trong một số văn bản quy phạm pháp luật là một thực tế chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết”. Còn Bộ trưởng,
 
 Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định: “Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua, việc quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính là bước đi rất đúng và rất thực chất. Mặc dù vậy, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp và có những trường hợp cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại nảy sinh các thủ tục khác”. Tiếp đó, cả hai Bộ trưởng cũng đã trình bày các giải pháp nhằm xử lý thực trạng ĐB nêu.
 
 Tuy nhiên, ĐB của Đà Nẵng vẫn băn khoăn với câu trả lời và tiếp tục đề nghị “Bộ Tư pháp với vai trò thẩm định các nghị định của Chính phủ cần hết sức quan tâm vấn đề này”. Tuy nội dung chất vấn - tranh luận chỉ dừng lại ở đó, song lại cho thấy rõ ràng “một khoảng trống lớn” trong vấn đề kiểm soát các văn bản dưới luật, đòi hỏi sớm phải thiết lập một cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và minh bạch hơn, nhất là trong việc ban hành các thông tư của bộ, ngành.
 
 Nhận thức rõ hơn trách nhiệm
 
 Cuộc chất vấn cuối nhiệm kỳ bao trùm nhiều nội dung, lĩnh vực. Sau khi Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng KSND Tối cao báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, tổng cộng đã có 122 lượt ĐBQH chất vấn, có sáu ĐB chất vấn hai lần, 41 lượt đại biểu tranh luận, có ĐB đã chất vấn cả Chủ tịch QH và sau đó người đứng đầu QH cũng đã trả lời. Ba Phó Thủ tướng và 15 thành viên Chính phủ đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
 
 Bởi phạm vi chất vấn rộng, nhiều lãnh đạo bộ, ngành thuộc diện phải trả lời, các ĐBQH có sự quan tâm khác nhau nên nhiều vấn đề được đặt ra cùng lúc đã khiến không chỉ cử tri, đôi lúc cả ĐB hay thành viên Chính phủ cũng khó nắm bắt, theo đuổi vấn đề, nhiều nội dung hỏi và đáp bị trùng lắp, phân tán. Đã có một số ĐB muốn chất vấn dài hơn với mong muốn nói rõ hơn vấn đề song “đành thôi”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người trực tiếp điều hành các phiên chất vấn, đã không ít lần phải chủ động nhắc lại câu hỏi của ĐB cho một số bộ trưởng tập trung hơn vì “sắp hết giờ”.
 
 Trước câu hỏi của nhiều ĐBQH dành cho người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn trả lời nhiều vấn đề, làm rõ thêm những nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
 
 Phiên chất vấn lần này đóng vai trò “cầu nối” giữa hai khóa QH XIV và XV. Qua đó, chuyển tải những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và cả trách nhiệm của các ĐBQH khóa XIV trong việc theo dõi, giám sát, thể hiện vai trò, chức năng của QH; tiếp tục tạo động lực, khí thế mới đưa đất nước ta bước vào chặng đường phát triển bền vững trong những nhiệm kỳ tới.
 
 

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016-2020 với cả khó khăn, thử thách và những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng, an ninh là thành quả và quyết tâm chung của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như nỗ lực của gần 100 triệu nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách. Quyết nghị của chúng ta “ý Đảng, lòng dân” chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên.