Để tiếp cận “xa lộ” EVFTA

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã mang đến cái nhìn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam khi hòa vào “xa lộ cao tốc” của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những khuyến nghị từ giới chuyên gia về việc phải làm sao để cải cách môi trường đầu tư đồng tốc với đòi hỏi của hội nhập.

Để tiếp cận “xa lộ” EVFTA

Cần sự đồng tốc giữa cải cách với hội nhập

Với Hội thảo “Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn” tổ chức cuối tuần qua, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về tình hình kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Báo cáo của cơ quan nghiên cứu này nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so các nước trong khu vực (dự báo cả năm 2019 có thể đạt mức 6,82%). Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố, đặc biệt trong bối cảnh tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài.

Nhóm nghiên cứu của CIEM nêu vấn đề: Mặc dù việc phê chuẩn các hiệp định giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) như: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) rất đáng được kỳ vọng, nhưng khi đã mở cửa, thậm chí mở rất rộng, việc chuẩn bị cả về mặt thể chế lẫn điều hành của chúng ta còn chưa tương xứng. “Sự hứng khởi với EVFTA và EVIPA (dù còn chờ phê chuẩn) còn được truyền thông hơi quá mức, và chưa đi kèm với tâm thế chuẩn bị cho các cải cách thể chế kinh tế liên quan”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lo ngại nhận xét.

Không quá khó để tìm thí dụ minh chứng. Cho đến tận bây giờ, một khái niệm đơn giản nhất là định nghĩa “hàng Việt Nam” - hết sức quan trọng khi thực hiện các FTA - vẫn còn chưa được làm rõ. Nếu hiểu “hàng Việt Nam” có nghĩa là “hàng của DN mà chủ sở hữu là người Việt Nam” thì không giải quyết được vấn đề và rủi ro đang hiện hữu. Tiếp cận theo quy tắc xuất xứ trong các FTA thì phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam - kể cả của một số DN tư nhân lớn mới tham gia vào công nghiệp chế biến chế tạo - có thể không đáp ứng được. Trong khi đó, tập trung thanh tra, kiểm tra gian lận xuất xứ, nếu không được tổ chức tốt, có thể làm tăng tổn phí đối với DN, qua đó làm giảm, thậm chí đảo ngược thành quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN trong những năm qua.

Những “chông gai trên đường làng”

Đó là hình ảnh được ông Nguyễn Đình Cung chọn để ví von cho thực trạng nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa được truyền tải vào hệ thống chính sách, quy định trong nước một cách tương ứng. Nếu chưa dọn sạch những “chông gai” này, DN khó tiếp cận và tận dụng được các ưu thế của “xa lộ” FTA.

Điều các nhà nghiên cứu của CIEM lo ngại không phải là chuyện năng lực vượt hệ thống rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đặt ra đối với hàng Việt Nam. Điều chính yếu lại nằm ở việc, hàng hóa Việt Nam thật khó lòng thoát được những rào cản kỹ thuật trong nước.

Cụ thể, theo ông Cung, có nhiều quy định của Việt Nam về điều kiện kinh doanh, môi trường, lao động..., khắt khe hơn nhiều so với các nước phát triển; DN gần như không tuân thủ được, hoặc nếu tuân thủ thì chi phí rất cao. Trong khi đó, khi nhập khẩu hoặc xây dựng quan hệ kinh doanh, đối tác bao giờ cũng kiểm tra điều kiện tiên quyết là DN phải nghiêm túc tuân thủ chính quy định của nước mình.

Một thí dụ cụ thể được TS Cung nêu ra là câu chuyện ngưỡng phospho trong nước thải của ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Lưu ý rằng, đây là phospho hữu cơ chứ không phải phospho công nghiệp, ông Cung cho hay, nhiều DN Việt “khóc dở mếu dở” vì trong khi các quốc gia xuất khẩu thủy sản mạnh trong khu vực như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái-lan không quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp chế biến thủy sản hoặc quy định cho phép ở ngưỡng cao hơn nhiều lần, thì chỉ tiêu của Việt Nam ở mức rất thấp. Thực tế, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có đến 90% số các nhà máy chế biến thủy sản sau thanh tra, kiểm tra đều bị kết luận là “vi phạm” và bị phạt nặng. Hiệp hội này cho biết, qua nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, phản ánh, họp hành với nhiều bên… tình trạng cứ kiểm tra là vi phạm vẫn tiếp diễn, vì quy định bất hợp lý vẫn tồn tại.

Tương tự là quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, theo đó DN phải sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là nước mắm truyền thống. Quyết định này làm phát sinh gánh nặng cho sản phẩm này, bởi lẽ hầu hết nước mắm truyền thống đang được sản xuất bằng muối biển tự nhiên. Nếu yêu cầu sản xuất bằng muối i-ốt thì giá mua muối tăng lên gấp ba lần (giá muối biển tự nhiên là 800 đồng/kg; giá muối i-ốt là 2.500 đồng/kg), chưa kể những khó khăn cho quy trình sản xuất (sử dụng muối tinh thì rất khó trộn đều muối với cá ngay trên tàu). Trong khi đó, những đối tượng mục tiêu dễ bị tổn thương do thiếu vi chất i-ốt có thể dễ dàng bổ sung trực tiếp đến từng cá thể thông qua hệ thống y tế dự phòng. Thực tế có những đối tượng không cần bổ sung i-ốt, thậm chí chịu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu bổ sung i-ốt (do dư thừa i-ốt trong cơ thể)… Rõ ràng là không thiếu những thí dụ trong thực tế cho thấy, những quy định “tự làm khó mình” vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kinh doanh của cộng đồng DN Việt Nam.

Mặc dù ghi nhận đà tăng trưởng và triển vọng tăng trưởng đều ở mức đáng lạc quan, song các nghiên cứu được liên tiếp công bố gần đây về tình hình kinh tế vĩ mô khá thống nhất với nhau ở đánh giá khái quát: thực tiễn cải cách và điều hành chính sách trong sáu tháng đầu năm 2019 vẫn bộc lộ một số hạn chế. Mức độ quan tâm đối với cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 02/2019/NĐ-CP ít nhiều đã giảm sút. Đâu đó vẫn có sự phối hợp thiếu ăn ý, thậm chí là thiếu trách nhiệm của một số bộ, ngành và địa phương.

Còn rất nhiều việc phải thực thi, chấn chỉnh mới có thể tạo ra những thay đổi và tác động thực chất trong môi trường kinh doanh.

Để tiếp cận “xa lộ” EVFTA ảnh 1

Nhiều DN Việt “khóc dở mếu dở” vì quy định ngưỡng phospho trong nước thải của ngành công nghiệp chế biến thủy sản quá cao so với các nước trong khu vực. Ảnh: VŨ TIẾN