Cải cách giáo dục: Vai trò và đích đến

Một năm học mới đã bắt đầu. Sau những tưng bừng, náo nức của Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, những người làm giáo dục và toàn xã hội lại tiếp tục trăn trở với những hạn chế, bất cập cần tiếp tục được giải quyết của hoạt động giáo dục trong trường học. Nếu suy ngẫm kỹ về những vấn đề nổi lên trong nền giáo dục nước nhà vài thập niên gần đây sẽ thấy những vấn đề đó là chỉ dấu của cuộc khủng hoảng xoay quanh vấn đề cần quan niệm như thế nào về vai trò của giáo dục và đích đến của nó.

Không gian lớp học, trường học rồi đây sẽ phải mở rộng ra bên ngoài phòng học để đáp ứng đòi hỏi của giáo dục hiện đại. Ảnh: LƯU KIM
Không gian lớp học, trường học rồi đây sẽ phải mở rộng ra bên ngoài phòng học để đáp ứng đòi hỏi của giáo dục hiện đại. Ảnh: LƯU KIM

Trọng tâm là đào tạo con người

Trách nhiệm cải cách giáo dục trước hết thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng trong bối cảnh hiện tại, để nhìn sâu vào giáo dục và tìm ra được hướng đi cho chính mình, hơn lúc nào hết phụ huynh, giáo viên (GV) không được chỉ trông chờ vào cải cách giáo dục từ trên xuống một cách thụ động. Giới hạn ở phạm vi hẹp, tôi cho rằng giáo dục trường học phải hướng đến mục tiêu tạo ra con người cá nhân và con người nghề nghiệp.

Để tạo ra con người cá nhân, giáo dục trường học phải vừa tôn trọng cá tính của học sinh vừa phải phát huy tối đa cá tính đó để tạo nên những cá nhân có tâm hồn phong phú. Để làm được như vậy thì học sinh phải được nuôi dưỡng và sinh hoạt trong môi trường tôn trọng sự khác biệt và có những cơ hội đa dạng để thể hiện bản thân, thể hiện sự sáng tạo ở nhiều cấp độ, hình thức khác nhau. Tiếc thay, giáo dục trường học của chúng ta do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân truyền thống-lịch sử đã luôn coi trọng hệ thống tri thức khoa học trong các môn giáo khoa quá mức, dẫn đến coi nhẹ giáo dục đời sống và các hoạt động giáo dục khác. Kết quả là kinh nghiệm và kỹ năng xã hội, đặc biệt là năng lực giao tiếp của học sinh rất nghèo nàn. Những nhược điểm này đã bộc lộ một cách rõ ràng nhất khi các em kết thúc cuộc đời đi học để đi làm. Ở đó khi hệ thống đánh giá dựa vào điểm số với các bài kiểm tra, thi kiểm tra tri thức giáo khoa không còn, những điểm yếu của thanh niên Việt Nam đã bộc lộ rõ.

Muốn khắc phục được nhược điểm này, giáo dục trường học phải tái cơ cấu lại chương trình và phương pháp giáo dục, bên cạnh nội dung giáo dục là tri thức khoa học còn cần phải đưa vào các tri thức và kỹ năng thuộc về đời sống xã hội. Việc đưa hoạt động trải nghiệm vào trường học hiện nay là một hướng đi đúng về mặt chiến lược cho dù sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu và yếu cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Ngoài ra, hành chính giáo dục và cách thức tổ chức, điều hành trường học cũng cần phải sửa đổi để tạo môi trường dân chủ, khuyến khích các hoạt động tự quản, hoạt động câu lạc bộ của học sinh.

Đối với con người nghề nghiệp cũng tương tự. Cho dù tồn tại các môn dạy nghề trong trường phổ thông nhiều thập kỷ qua, các trường và GV đã dạy môn học này giống như “dạy cho có”. Học sinh học nghề mà không thể làm được nghề và cũng không có nhận thức về nghề. Những năm gần đây khi xu hướng đại chúng hóa đại học trở nên rõ rệt và tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng cao, vấn đề hướng nghiệp và đào tạo nghề nghiệp lại được hâm nóng trở lại.

Tuy nhiên, do cơ cấu, nội dung các môn học và hoạt động giáo dục trong trường học không được xây dựng dựa trên ý thức sâu sắc về hai mặt của sản phẩm giáo dục là con người cá nhân và con người xã hội (nghề nghiệp), giáo dục nghề nghiệp trong trường phổ thông chỉ được bắt đầu ở lớp cuối bậc THCS. Hơn nữa, trong thâm tâm GV, phụ huynh và học sinh cũng như cơ quan hành chính giáo dục đều chỉ đơn giản coi đây là định hướng nghề nghiệp. Trong quá trình học tại trường, học sinh rất ít có cơ hội để tìm hiểu về các nghề mình quan tâm, trải nghiệm và học những kỹ năng cơ bản về nó. Chính vì tư duy và cách làm như trên mà khi tốt nghiệp THPT và phải lựa chọn đường đi cho cuộc đời, học sinh đã lựa chọn đầy cảm tính.

Phụ huynh và học sinh đã lựa chọn hướng đi cho nghề nghiệp trong tương lai chủ yếu dựa vào cảm tính và những gì nhìn thấy trước mắt (chẳng hạn như địa vị xã hội hay thu nhập). Rất ít phụ huynh lựa chọn đường đi cho con em mình căn cứ vào khả năng, sở thích của con cũng như tầm nhìn xa đối với sự tiến bộ xã hội. Cách thức thi cử như hiện tại dựa vào các bài thi kiểm tra tri thức giáo khoa cũng góp phần tạo ra sự hỗn loạn đó khi các trường với các ngành nghề cụ thể không tuyển được người phù hợp.

Cải cách phải từ dưới lên

Cải cách giáo dục xét đến cùng sẽ không thể nào đạt được kết quả mong muốn cho dù có đúng đắn về mặt chiến lược thế nào đi nữa nếu như từng thành viên trong hệ thống giáo dục không lay chuyển. Giáo dục ở nghĩa rộng không chỉ bao gồm giáo dục trường học mà còn bao gồm giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Xét ở ý nghĩa đó, sự tích cực chủ động của từng GV, phụ huynh có vai trò rất lớn.

Trong công cuộc cải cách giáo dục hiện nay, vấn đề tất yếu đặt ra và cần phải giải quyết là tái cơ cấu đào tạo ngành sư phạm. Công việc này đòi hỏi phải có sự cải tổ lớn ở phía các trường sư phạm trong cả nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Người GV trong xã hội hiện đại sẽ không phải là người thực thi cứng nhắc những chỉ đạo có tính chất hành chính của cấp trên hay giảng giải lại y nguyên nội dung của sách giáo khoa. Họ sẽ phải là người chủ động nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo và tình hình thực tế để soạn ra nội dung giáo dục phù hợp đáp ứng được mục tiêu giáo dục và phù hợp với mối quan tâm, hứng thú của học sinh. Để làm được điều đó, người GV sẽ phải tự học và học hỏi không ngừng. Từng GV sẽ trở thành nhà giáo dục thật sự thay vì chỉ là “thợ dạy” như trước đó. Những sáng tạo không ngừng nghỉ của GV thực hiện ở trường học trong thực tế sẽ trở thành các “thực tiễn giáo dục” phong phú. Sự phong phú của các “thực tiễn giáo dục” của các trường, địa phương đó sẽ tạo nên sức sống và sự năng động của nền giáo dục.

Khi đó, không gian lớp học, trường học sẽ mở rộng ra bên ngoài. Các giờ học không chỉ diễn ra ở trong trường mà còn có thể diễn ra ở bảo tàng, cánh đồng, nhà máy, thư viện… Các GV trong trường cũng sẽ hợp tác với người dân ở địa phương, các nhân vật đặc biệt hay các chuyên gia trong từng bài học, “thực tiễn giáo dục” cụ thể. Phương thức này làm cho mối quan hệ giữa trường học và đời sống, trường học và địa phương được thắt chặt thêm và tạo điều kiện cho học sinh “xã hội hóa” năng lực, phẩm chất của mình.