Bộ lọc tốt hơn cho văn bản pháp luật

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua với 92,96% số đại biểu tán thành ngay trước khi bế mạc Kỳ họp thứ 9. Luật được kỳ vọng sẽ cải thiện cả về tiến độ lẫn chất lượng ban hành VBQPPL, tác động tích cực đến mọi mặt của cuộc sống, quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Nhưng tất nhiên, để kỳ vọng này trở thành hiện thực thì có Luật mới chỉ là điều kiện cần.

Người dân tìm hiểu quy hoạch vùng đất được đấu giá tại xã Phúc Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Mai Hoa
Người dân tìm hiểu quy hoạch vùng đất được đấu giá tại xã Phúc Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Mai Hoa

Sạn vẫn lọt sàng

Từ trước đến nay, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng hệ thống VBQPPL luôn luôn là một yêu cầu bức thiết cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản. Công bằng mà nói, trong một số năm gần đây, số lượng luật được ban hành nhiều, tốc độ tương đối nhanh. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng yếu đều đã được điều chỉnh bằng luật.

Tuy nhiên, phần nào vì thế mà “tuổi thọ” của các luật quá ngắn, số lượng luật và vấn đề phải sửa đổi quá lớn, gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý. Đơn cử, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hiện hành mới được ban hành từ năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, nhưng đã phải sửa đổi toàn diện (các luật sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9). Bộ luật Hình sự 2015 ngay sau khi được thông qua, còn chưa có hiệu lực, cùng với ba luật khác có liên quan đã phải hoãn thực hiện để sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng. Hay như Luật Đất đai, được bổ sung, sửa đổi nhiều lần, nhưng các vướng mắc, bất cập vẫn rất nhiều. “Thậm chí có quy định đến mức vô lý như đã trả tiền thuê đất cho Nhà nước vài chục năm, trên đó có các bất động sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp, nhưng khi thay đổi mục đích sử dụng theo đúng yêu cầu của Nhà nước thì phải làm lại bằng cách đưa ra đấu giá như đất chưa thuộc quyền sử dụng của ai...”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nói.

Một chuyện đã được phát hiện ngay trong thời gian cả nước đang căng thẳng chống đại dịch Covid-19, với một ổ lây nhiễm ở quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh). Luật sư Trương Thanh Đức bình luận: “Lấy chữ Phật (Buddha) để đặt tên cho quán bar là việc dễ gây phản ứng từ công luận. Nhưng đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thì thấy Luật Doanh nghiệp chỉ cấm đặt tên doanh nghiệp “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc”, còn các văn bản hướng dẫn thì không nêu gì cụ thể hơn. Mặt khác, đây lại là tên hàng quán chứ không phải tên doanh nghiệp”.

Tình hình, tính đến giữa tháng sáu này, vẫn chưa được cải thiện. Tại cuộc họp báo mới nhất của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Quốc Hoàn, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, sáu tháng đầu năm nay (tính đến ngày 15-6), Bộ đã tiếp nhận gần 4.000 nội dung kiến nghị, phản ánh của hơn 100 cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy định pháp luật mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Nhiệm vụ rà soát, kiểm tra và đề nghị loại bỏ hoặc sửa đổi VBQPPL - gọi nôm na là “sàng sạn” văn bản - luôn là một mảng công tác quan trọng của Bộ này.

Luật mới có gì?

So Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL (sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) có tới hơn 50 nội dung sửa đổi, bổ sung.

Một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý là tăng cường vai trò của Hội đồng Dân tộc (HĐDT), các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm bảo đảm tất cả các nội dung liên quan của dự án luật đều được xem xét kỹ trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội. Vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL đã được cụ thể hóa cùng với trách nhiệm tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo, thẩm tra.

Cũng rất đáng lưu ý là quy định trao cho HĐND, UBND cấp huyện thẩm quyền ban hành VBQPPL để phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới. Luật hiện nay đã phân quyền cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL để quyết định một số vấn đề đặc thù ở địa phương.

Đây là vấn đề được cân nhắc rất kỹ ngay từ lần xây dựng Luật Ban hành VBQPPL 2015. Bộ trưởng Tư pháp lúc đó, ông Hà Hùng Cường cho biết, ở thời điểm đó, cả nước có khoảng 100.000 VBQPPL và như thế là quá nhiều (Hàn Quốc cùng thời điểm có 15.000 và sau khi rà soát, tinh giảm thì chỉ còn khoảng 5.000 VBQPPL), trong khi chất lượng lại chưa như mong muốn. Việc mở rộng một cách thận trọng cấp có thẩm quyền ban hành VBQPPL chính là một cách để dung hòa cả yêu cầu kịp thời điều hành công việc ở địa phương với yêu cầu bảo đảm chất lượng, tính thống nhất của hệ thống VBQPPL.

Để hạn chế tình trạng tùy tiện sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành VBQPPL, Luật vừa được thông qua cũng quy định: VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành và phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định…

Như thế, với Luật Ban hành VBQPPL mới, có cơ sở để hy vọng về một “bộ lọc” tốt hơn giúp đưa ra cuộc sống những sản phẩm pháp luật ít lỗi hơn, đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Mặc dù vậy, hẳn là ai cũng đã từng nếm trải những vướng mắc trong cuộc sống không phải lỗi của VBQPPL mà do cách hiểu, cách thực hiện VBQPPL. Đây rõ ràng là một câu chuyện dài khác, không kém phần căng thẳng.

Chỉ xin nêu một thí dụ nhỏ, cũng lại phát sinh trong thời kỳ đại dịch. Theo luật gia Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), toàn bộ gel rửa tay khô, loại sản phẩm được tiêu thụ rất mạnh trong thời kỳ cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 “bỗng dưng” bị Bộ Y tế yêu cầu thu hồi số đăng ký lưu hành. Từ trước đến nay, sản phẩm này được quản lý theo các quy định về lưu hành mỹ phẩm; nay, Bộ Y tế cho rằng sản phẩm này không phải là mỹ phẩm, mà là hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn. Thủ tục quản lý hóa chất diệt khuẩn vô cùng phức tạp và phải làm ở cấp Bộ chứ không phải cấp Sở. Các quyết định quản lý “giật cục” như vậy (chưa bàn đến động cơ), theo luật gia này, đã gây ra những khó khăn không đáng có cho doanh nghiệp và xã hội.