Chào mừng Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng

Bí quyết xây dựng thương hiệu “quốc dân”

Trong hành trình 47 năm hình thành và phát triển, bí quyết bền bỉ chinh phục người tiêu dùng của một trong những thương hiệu khóa “quốc dân”- khóa Việt Tiệp, chính là kiên định thực hiện Nghị quyết Đảng bộ công ty, chỉ cho ra thị trường những sản phẩm tốt, bền, giá cạnh tranh.

Một triệu chiếc khóa và doanh thu “trăm tỷ”

Là doanh nghiệp (DN) Nhà nước do Tiệp Khắc (nước CH Séc và CH Slovakia ngày nay) viện trợ xây dựng, Công ty cổ phần (CP) Khóa Việt Tiệp khi đó với tên gọi Xí nghiệp Khóa Hà Nội chính thức hoạt động từ năm 1974 với công suất thiết kế một triệu khóa/năm. Từ khi thành lập đến năm 1986, đồng chí Lương Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty nhớ lại, giống như nhiều DN khác, Xí nghiệp khóa Hà Nội hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa có sự bao cấp của Nhà nước, sản lượng sản xuất sản phẩm hằng năm bình quân chỉ đạt từ 25-30% công suất thiết kế. Đây được gọi là giai đoạn “ổn định trong trì trệ” bởi người lao động luôn có việc làm nhưng thu nhập rất thấp; sản xuất, kinh doanh không phải lo đầu vào, đầu ra, lo các đối tác cạnh tranh, tất cả đều trông chờ vào cấp trên và bao cấp của Nhà nước. 

Bước vào giai đoạn 1986-1990, khi bắt đầu đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh tế, DN gặp khó khăn khi phải tự lo mọi thứ, từ đầu vào đến đầu ra, lại chưa hề có kinh nghiệm làm thị trường. Hệ lụy là sản phẩm phải đắp chiếu trong kho vì không tiêu thụ được, có lúc phải ngừng sản xuất, người lao động phải thay phiên nghỉ việc, đời sống khó khăn. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy và HĐQT đã dồn sức tập trung tổ chức lại lực lượng lao động, đầu tư nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới, mặt khác chú trọng khâu tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước đưa công ty hoạt động dần ổn định trở lại. 

Sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên và lãnh đạo công ty đã giúp thay đổi tình thế. Từ năm 1991, cơ cấu tổ chức quản lý DN được chuyển đổi theo cơ chế mới, sản xuất, kinh doanh bắt đầu ổn định. Năm 1994, lần đầu Công ty đạt sản lượng một triệu chiếc khóa. Đến năm 2003, tròn 10 năm liên tục phát triển, Công ty chính thức đứng trong hàng ngũ câu lạc bộ các DN nhỏ và vừa có doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Đó là sự kỳ công, sự cố gắng lớn lao của cả DN.

Nền tảng để thành công

Đồng chí Lương Văn Thắng cho biết, ngày 20-7-2004, công ty chuyển cơ quan chủ quản từ Sở Công nghiệp Hà Nội về Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hoạt động thí điểm theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trải qua giai đoạn khó khăn nhất, đây tiếp tục là giai đoạn có nhiều thay đổi, là thời gian thử thách, cọ xát với các đối thủ cạnh tranh, kinh doanh theo cơ chế thị trường. 

Đảng bộ công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, duy trì sinh hoạt theo Điều lệ; đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ để nâng cao chất lượng sinh hoạt. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt đó, sự đồng thuận một lòng trong HĐQT, các đảng viên và tập thể cán bộ, công nhân viên công ty, chỉ sau ba năm, từ năm 2005, công ty đã cổ phần hóa DN thành công với điểm đáng ghi nhận là 100% số cán bộ, đảng viên, công nhân viên được mua cổ phần. Người lao động công ty không chỉ làm công ăn lương mà đã trở thành cổ đông, thật sự làm chủ DN. Đây là động lực quan trọng cho người lao động tự phấn đấu. Từ đó, công ty luôn đạt mức tăng trưởng đều đặn 10-15%, việc làm và đời sống người lao động được bảo đảm, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước. 

5 năm trở lại đây, Đảng ủy Công ty đã xây dựng quy chế hoạt động cấp ủy, phối hợp với HĐQT xây dựng quy chế dân chủ về công tác cán bộ, thường xuyên kiện toàn tổ chức các chi bộ, chi ủy khi có sự điều động, luân chuyển cán bộ và lồng ghép các chức danh để nâng cao sự lãnh đạo của Đảng. “Điểm nhấn trong giai đoạn này là Đảng ủy đã đề xuất với HĐQT thành lập chi nhánh công ty đặt tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), góp vốn liên doanh thành lập Công ty CP NoVo-Việt Tiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho sản phẩm phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài”, ông Lê Đức Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty khẳng định. 

Đến thời điểm này, Công ty CP Khóa Việt Tiệp đã đưa ra thị trường hơn 300 mẫu sản phẩm với những cải tiến nổi bật về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đồng thời giảm được chi phí sản xuất. Hệ thống bán hàng được mở rộng với năm chi nhánh, trong đó có một chi nhánh tại Cam-pu-chia, hơn 400 đại lý phân phối và hơn 6.000 cửa hàng bán lẻ trong và ngoài nước. Với tâm thế hội nhập, Công ty CP Khóa Việt Tiệp sẵn sàng tìm kiếm khách hàng và triển khai các kênh bán hàng online như: website, Facebook và qua các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee… 

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, Đảng bộ Công ty CP Khóa Việt Tiệp đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2020-2025, tăng trưởng sản xuất bình quân hằng năm đạt từ 6-10%; doanh thu đạt hơn 1.250 tỷ đồng (năm 2024); đầu tư nâng cao năng lực, cải tiến công nghệ, thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khóa và hàng kim khí tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu Khóa Việt Tiệp trở thành thương hiệu quốc gia, niềm tự hào thương hiệu Việt và là DN sản xuất khóa đứng đầu Đông-Nam Á. Bài học thành công từ công tác Đảng nhiều năm qua đã, đang và sẽ là nền tảng giúp DN phát triển mạnh, tỏa sáng hơn trong giai đoạn hội nhập.