Ðất nước vững vàng phía trước

Tháng Tư này, chúng ta sống trong một thời điểm đặc biệt. Thời điểm người dân cả nước đang đồng lòng chung sức cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực “quyết chiến” kẻ thù giấu mặt nhưng vô cùng nguy hiểm là “giặc Covid-19”. Những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, nghĩa đồng bào; những tấm gương xông pha lên tuyến đầu sẵn sàng cống hiến, dấn thân quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân, vì bình yên Tổ quốc đã như tiếp thêm cho người Việt nguồn năng lượng tích cực để vượt mọi chông gai, thử thách và thêm một lần minh chứng cho ý chí, tinh thần Việt Nam.

Hơn 1.000 đại biểu, hội viên, thanh niên cùng tham gia xếp hình bản đồ đất nước trong lễ khởi động hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019 tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðền Hùng. Ảnh: TRUNG KIÊN
Hơn 1.000 đại biểu, hội viên, thanh niên cùng tham gia xếp hình bản đồ đất nước trong lễ khởi động hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2019 tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðền Hùng. Ảnh: TRUNG KIÊN

Tháng Tư này 45 năm về trước “ta đi trong muôn ánh sao vàng rợp cờ tung bay, rộn ràng và mê say…”. Khắp mọi miền đất nước tưng bừng cờ hoa rực rỡ. Cờ hoa của tinh thần chiến thắng, cờ hoa của lòng người phơi phới, cờ hoa của niềm kiêu hãnh dân tộc trào dâng. Nhưng cờ hoa cũng nhắc nhớ chúng ta không được phép lãng quên quá khứ, một quá khứ đau thương mà quật cường, anh dũng; một quá khứ nhuộm bằng máu đào của 1,2 triệu liệt sĩ cho giang sơn gấm vóc Việt có được hình dáng vẹn toàn.

Vinh quang nào cũng mặn chát nước mắt. Hạnh phúc nào cũng nếm trải đắng cay. Trân trọng tri ân cả thế hệ ông cha “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chúng ta mới được ngẩng cao đầu với bè bạn thế giới hôm nay. Có thể với một vài ai đó chưa thật hài lòng với những gì xã hội đang có, nhưng với hầu hết già trẻ gái trai sinh ra, lớn lên trên mảnh đất hình chữ S, quê hương không chỉ “là chùm khế ngọt”, mà còn là niềm tự tôn dân tộc khi ai cũng muốn cất lên từ tim mình “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”.

Trở lại 45 năm trước, khi nước nhà vừa bước ra khỏi cuộc chiến kéo dài đằng đẵng suốt ba chục năm, có người từng trăn trở: Từ đống tro tàn chiến tranh, Việt Nam tương lai sẽ ra sao? Câu hỏi ấy như bài toán khó, nhưng với ý chí của một dân tộc không bao giờ chịu lùi bước trước mọi chông gai thử thách, Việt Nam từng bước tìm ra chìa khóa để khai thông mở đường xây dựng và phát triển. Trên đường đi không hề bằng phẳng, trơn tru, tuy có lúc vấp váp, song với tinh thần cầu thị, bền gan xốc tới, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, người Việt Nam thêm một lần minh chứng với thế giới là không chỉ chiến thắng những kẻ thù cường bạo nhất thời đại, mà còn nỗ lực chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Ðất nước vững vàng phía trước ảnh 1

Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Có câu danh ngôn đại ý, lý luận chỉ là màu xám, còn cây đời mãi xanh tươi. “Cây đời” được ươm mầm, chăm chút và không ngừng lớn lên, tươi cành xanh lá trên mảnh đất Việt chính là cuộc sống của hơn 96 triệu người dân đang được hưởng thụ hương thơm trái ngọt nhờ thành quả cách mạng vĩ đại từ chiến thắng ngày 30-4-1975. Sau 10 năm đất nước thống nhất, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 1985 mới có 14 tỷ USD, thì đến năm 2019 đạt 266 tỷ USD, tăng gấp 19 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 230 USD đến năm 2019 tăng lên 2.790 USD, Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, trong đó một tầng lớp trung lưu, thịnh vượng đang hình thành, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong xã hội.

Nếu từ năm 1995 trở về trước, Việt Nam vẫn bị “bế quan tỏa cảng” về nhiều mặt, thì sau một phần tư thế kỷ, nước ta đã vững vàng tư thế là một quốc gia có tiếng nói trọng lượng trong khu vực và trên thế giới. Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đâu chỉ tung bay trong các nghi lễ ngoại giao ở gần 190 nước thuộc tất cả các châu lục, mà nhiều hàng hóa mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” xuất hiện ở rất nhiều nước trong số gần 200 quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam. Cái bắt tay của Việt Nam với “năm ông lớn” là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; và Việt Nam là thành viên trong các hội đồng quan trọng của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong những nhiệm kỳ gần đây, thêm một lần minh chứng lời khẳng định “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” của nhà lãnh đạo cao nhất của Ðảng và Nhà nước ta, là hoàn toàn có cơ sở.

Tăng trưởng kinh tế làm nên “sức mạnh cứng” để khẳng định vị thế quốc gia, thì văn hóa là “sức mạnh mềm” minh chứng chiều sâu lịch sử của dân tộc Việt, con người Việt. Một thời, nhiều người ngoại quốc chỉ biết người Việt Nam cần cù, chịu khó, giỏi cầm súng chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, mà ít ai biết rằng Việt Nam có nền văn hiến bề dày cả nghìn năm với biết bao di sản văn hóa đặc sắc. Nhiều năm gần đây, những giai điệu thanh tao, uyên bác của nhã nhạc cung đình Huế; những lời ca “vang rền nền nảy” của liền chị quan họ; những tiếng cồng chiêng ngân vang đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ… đã vượt qua biên giới Việt Nam và trở thành một phần di sản văn hóa của nhân loại. Rồi những giá trị độc đáo của người Việt như Mộc bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm... giờ đây cũng thuộc một phần ký ức tư liệu thế giới.

Trong thời chiến, Việt Nam được nhân loại tiến bộ biết đến là dân tộc tiên phong giương ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và chống chủ nghĩa thực dân đế quốc, thì thời bình, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước thực hiện hiệu quả những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Nhiều mô hình, sáng kiến của Việt Nam như giải quyết đói nghèo; bất bình đẳng giới, phòng, chống thiên tai; bảo đảm an ninh lương thực… đã được nhiều nước có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam tham khảo, học hỏi kinh nghiệm. Ðặc biệt, những thành công bước đầu của Việt Nam trong việc ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19 vừa được Tổ chức Y tế thế giới và truyền thông quốc tế đánh giá cao. Cách đây ít ngày, theo công bố từ một khảo sát toàn cầu có uy tín, Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng của người dân cao nhất thế giới về phản ứng của Chính phủ đối với dịch Covid-19. Những nhận định khách quan đó như một bằng chứng “biết nói” về sự quan tâm chăm lo chu đáo của Ðảng và Nhà nước ta đối với cuộc sống, sức khỏe của nhân dân trong mọi hoàn cảnh; đồng thời đó cũng là “chỉ số lòng dân” góp phần đo lường tính chính danh, tính ưu việt của chế độ XHCN “Tất cả vì nhân dân, do nhân dân, của nhân dân”.

“Ðất nước bốn nghìn năm/ Vất vả và gian lao/ Ðất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước...” (Thơ Thanh Hải)... Vui mừng với những thành quả của đất nước sau 45 năm giải phóng, chúng ta coi đó như một món quà ý nghĩa tri ân quá khứ, tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống cho hòa bình nước Việt hôm nay. Nhưng chúng ta không bao giờ được phép “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, bởi hiện thực trước mắt còn bao bộn bề, lo toan, mà cuộc chiến chống “giặc Covid-19” và giải quyết những “di chứng” của dịch bệnh đối với nền kinh tế như thêm một lần thử thách sự bền gan vững chí của dân tộc Việt, con người Việt. Bài học về sự chung sức đồng lòng, về tinh thần đồng cam cộng khổ, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết, về dũng khí quyết chiến quyết thắng, về tinh thần cống hiến, hy sinh vì nghĩa lớn... trong thời kháng chiến hào hùng trước đây, rất cần được mỗi con Hồng cháu Lạc hôm nay thấm nhuần, kế thừa và phát huy để nhân lên thành sức mạnh “ý Ðảng, lòng dân, tình quân, nghĩa nước” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.