40 năm Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào

Chiến thắng của sức mạnh đoàn kết Việt-Lào

NDO - Từ đầu năm 1964, tuyến đường Hồ Chí Minh Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào ngày một phát triển mở rộng và trở thành tuyến vận chuyển chủ yếu từ miền bắc chi viện cho cách mạng ba nước Ðông Dương. Cũng chính từ đây, quân dân hai nước Việt Nam - Lào đã phải đối đầu với biết bao mưu đồ, hành động phá hoại hết sức tinh vi, thâm độc, quyết liệt của đế quốc Mỹ và tay sai nhằm ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược này.

Ðể hỗ trợ 'Chiến tranh cục bộ' ở chiến trường miền nam, từ giữa năm 1965, Mỹ đã biến núi rừng Trường Sơn, đặc biệt là khu vực Ðường 9 - Nam Lào thành chiến trường ác liệt, nơi thử nghiệm những phương tiện, vũ khí giết người hiện đại nhất, kể cả chất độc hóa học làm chết cây, rụng lá, để lại thảm họa cho môi trường và con người cho đến hôm nay. Ðầu năm 1968, Mỹ bắt đầu triển khai chiến dịch 'Igloo White'  (Lều tuyết trắng) dùng máy bay thả các thiết bị điện tử và bom, mìn xuống đường Trường Sơn dọc biên giới Việt Nam - Lào nhằm thiết lập Hàng rào điện tử linh hoạt trên đất Lào, nối liền với hàng rào điện tử Mắc Namara được xây dựng ở phía nam khu phi quân sự, từ bờ biển ở khu vực cảng Cửa Việt theo Ðường 9 đến biên giới Việt - Lào, hòng tạo thành 'nhát dao chặt đứt' đường Trường Sơn của Việt Nam.

Ðánh phá bằng không quân không ngăn chặn nổi tuyến đường chiến lược Trường Sơn, vào từng thời điểm, từng địa bàn đế quốc Mỹ và tay sai đã tiến hành nhiều cuộc hành quân với mọi quy mô để chặn bằng được tuyến chi viện chiến lược. Tất cả các cuộc hành quân lớn nhỏ của kẻ thù đều bị quân và dân hai nước Việt Nam - Lào đánh bại, hành lang chiến lược Tây Trường Sơn luôn được giữ vững, bảo đảm sự chi viện thường xuyên của hậu phương miền Bắc vào các chiến trường. 

Từ khi Lon Non lên nắm chính quyền ở Cam-pu-chia (tháng 3-1970), cảng Xi-ha-núc Vin bị khóa chặt, các đoàn hậu cần của ta đứng chân trên đất Cam-pu-chia gặp khó khăn, tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn của Ðoàn 559 trở thành tuyến vận chuyển chi viện chiến lược duy nhất của ta và ngăn chặn bằng được tuyến 559 Tây Trường Sơn đã trở thành một mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Ðể thực hiện mục tiêu trên, tháng 11-1970, Tổng thống Mỹ Ních-xơn quyết định mở cuộc hành quân 'Lam Sơn 719' đánh ra Ðường 9 - Nam Lào. Chọn khu vực Ðường 9 - Nam Lào để mở cuộc tiến công mùa khô 1970- 1971 địch tính toán nơi đó tập trung nhiều kho tàng, dự trữ chiến lược của ta, là 'cuống họng' của đường Hồ Chí Minh, nếu chiếm giữ được địa bàn chiến lược này, chúng chẳng những đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào mà còn bịt được ''con đường sống'' của ta vào chiến trường miền Nam. 

Ngày 31-1-1971, Mỹ và quân ngụy Sài Gòn bắt đầu cuộc hành quân 'Lam Sơn 719' đánh ra Ðường 9 - Nam Lào.  Chúng đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm hơn 40 nghìn quân ngụy Sài Gòn, hơn sáu nghìn quân Mỹ, với một lực lượng không quân, xe tăng, thiết giáp, pháo binh yểm trợ(1). Trong khi bộ binh, cơ giới địch tiến chậm chạp theo Ðường 9 về phía tây, thì một lực lượng lớn trực thăng đổ quân đánh chiếm các điểm cao dọc theo Ðường 9. Quân ngụy Lào phối hợp hoạt động ở phía Tây Ðường số 9 sử dụng hai binh đoàn cơ động (GM) đánh ra Mường Noọng, Mường Phìn. Mục tiêu đầu tiên của địch trong cuộc hành quân này là nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ Ðường số 9 đoạn Bản Ðông - Sê Pôn lập thành tuyến ngăn chặn cắt đôi Ðông Dương, lùng sục đánh phá kho tàng, đường sá chung quanh Sê Pôn, tiếp đó chuyển xuống đánh phá kho tàng khu vực Sa Ði - Mường Noọng đến A Túc, A Sầu, A Lưới.

Trước âm mưu của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Ðường 9-Nam Lào để đánh bại cuộc hành quân 'Lam Sơn 719'. Ngày 4-2-1971, ta thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Ðường 9- Nam Lào do đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu phó làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Ðạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng vào chiến trường làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tại mặt trận. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: năm sư đoàn bộ binh; bốn tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp; bốn trung đoàn pháo binh; bốn trung đoàn phòng không, ba trung đoàn công binh, một số tiểu đoàn đặc công và lực lượng chiến đấu tại chỗ của các Mặt trận B4; B5; Ðoàn 559, các đơn vị bộ đội tình nguyện và bộ đội Trung- Hạ Lào, tổng số khoảng 60 nghìn quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Với phương châm chỉ đạo đúng đắn, kế hoạch tác chiến được chuẩn bị kỹ càng, bộ đội ta đã chủ động đón đánh từng cánh quân địch, kết hợp với lực lượng phòng không tại chỗ được tổ chức rộng khắp và bố trí dày đặc ở những nơi dự kiến địch sẽ đổ quân, bắn rơi nhiều máy bay lên thẳng của địch, tạo thời cơ đánh những trận hiệp đồng binh chủng lớn tiêu diệt từng trung đoàn, lữ đoàn địch. 

Về phía Lào, sau chiến thắng mùa khô 1969 - 1970, ngày 25 tháng 6 năm 1970, Ban thường vụ Trung ương Ðảng  Lào họp đã có nhận định: hướng Trung, Hạ Lào trong hai năm tới sẽ càng trở lên đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tuyến vận tải chiến lược 559 của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 10-1970, Quân ủy Trung ương Lào đã ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch quân sự mùa khô 1970 - 1971, xác định: 'Phải chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tiến công quy mô lớn của quân ngụy Sài Gòn và một số quân Mỹ, quân Thái-lan vào Trung, Hạ Lào và Cánh Ðồng Chum Xiêng Khoảng... phải phối hợp chặt chẽ với chiến trường miền nam Việt Nam và Cam-pu-chia sẵn sàng đón thời cơ giành thắng lợi lớn hơn...''(2). Ðồng thời, Tổng Quân ủy và Bộ chỉ huy tối cao Lào quyết định thành lập năm cụm chiến đấu (tương đương trung đoàn) bố trí sẵn ở những khu vực quan trọng, trong đó hướng Nam Lào bố trí hai cụm.

Dự đoán trước âm mưu của địch ở khu vực Ðường 9 - Nam Lào, đầu mùa khô 1970 - 1971, khi địch ở Hạ Lào tăng quân từ 25 tiểu đoàn lên 44 tiểu đoàn bố trí phòng ngự thành các cụm cứ điểm mạnh ở Tha Teng, Pắk-Xoòng, Bô Lô Ven, Bộ Tổng tham mưu ta đã chỉ thị cho đoàn chuyên gia quân sự 565 và quân tình nguyện ở Hạ Lào tổ chức các lực lượng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào nắm chắc địch đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sau lưng địch, phá bước chuẩn bị chiến trường của chúng.

Ngày 20-11-1970, bộ đội Lào - Việt Nam mở đợt tiến công dãy điểm cao phía đông Bô Lô Ven, tiêu diệt và bắt hơn 200 tên, buộc tàn quân địch phải tháo chạy về Pắk-Xế, Pắk-Xoòng. Ngày 9-1-1971, ta tiêu diệt căn cứ Huội Sài, đồng thời cùng bạn chuẩn bị chiến trường, tổ chức các lực lượng chiến đấu sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực Việt Nam, tiến hành sơ tán nhân dân và kho tàng. Những hoạt động này đã góp phần tích cực tạo nên sức mạnh để bộ đội ta bước vào cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù khi chúng mở cuộc hành quân lớn đánh ra Ðường 9 - Nam Lào.

Cùng với Ðoàn 968 quân tình nguyện, các chuyên gia Ðoàn 565 tập trung giúp Quân khu Trung Lào huy động toàn bộ lực lượng của quân khu và tỉnh Xa-vẳn-na-khệt triển khai thế trận, bố trí sẵn lực lượng ở các khu vực được phân công theo phương án tác chiến chung của chiến dịch, chủ động đánh địch ngay từ đầu phối hợp với bộ đội chủ lực Việt Nam tiến công quyết liệt vào các binh đoàn (GM) 31, 33 quân ngụy Lào.

Từ ngày 12-2 đến 3-3-1971, lực lượng chủ lực Việt Nam tiến công dồn dập, bẻ gãy cánh quân chủ lực phía Bắc Ðường số 9 của địch, tiêu diệt những cụm cứ điểm then chốt ở các điểm cao 500, 543, đập tan cuộc phản kích lớn của lữ đoàn dù số 3 và trung đoàn thiết giáp số 17 quân ngụy Sài Gòn, bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ cùng ban tham mưu lữ đoàn, đánh thiệt hại nặng liên đoàn biệt động quân số 1...

Ngày 23-3-1971, sau khi giải phóng bản Ðông, chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào kết thúc. Kết quả, ta đã tiêu diệt và làm bị thương 19.960 tên, bắt 1.142 tù binh, bắn rơi, phá hủy 556 máy bay, 1.138 xe quân sự, 112 khẩu pháo cối, thu hai máy bay trực thăng và nhiều vũ khí phương tiện quân sự.

Chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào toàn thắng. Cuộc hành quân 'Lam Sơn - 719'- cố gắng cuối cùng trong cơn 'giãy chết' trong chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh' của Mỹ thất bại thảm hại. Âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực trong tổng thể chiến lược chiến tranh ngăn chặn của Mỹ hoàn toàn thất bại. Ðịch hy vọng làm chủ và biến Ðường số 9 thành 'lưỡi dao' cắt ngang tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, song ta đã làm chủ con đường này từ bản Ðông đến Mường Phìn. Sau chiến dịch, bộ đội ta cùng quân giải phóng Lào còn mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào, tạo thành vùng căn cứ liên hoàn từ Trung Lào xuống Hạ Lào. Vùng giải phóng Lào và Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được giữ vững và mở rộng. Quân và dân Lào đã có đóng góp to lớn trong chiến dịch cũng như trong suốt quá trình xây dựng, phát triển tuyến đường Hồ Chí Minh - Tây Trường Sơn. Chiến thắng Ðường 9-Nam Lào thật sự là thắng lợi chung của  quân và dân hai nước, thắng lợi của tình đoàn kết Việt Lào, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn.

......................................

(1) Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất 55.000 quân,  gồm 15 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn thiết giáp 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 pháo, 700 máy bay các loại. Ngoài ra còn có 2 binh đoàn quân ngụy Lào.

(2) Lịch sử  Quân đội nhân dân Lào - bản tiếng Việt, lưu Viện lịch sử quân sự Việt Nam trang 213.