Góc nhìn thể thao

Siết chặt an ninh trên khán đài

Dư luận đã quá nhiều lần cảnh báo về nạn đốt pháo sáng trên sân vận động trong các trận thi đấu ở Việt Nam và nhất là trên sân Hàng Ðẫy, nhưng có vẻ tất cả đều bị "ngó lơ".

Không nói đến những cá nhân có hành vi quậy phá, đốt pháo sáng cần bị lên án mạnh mẽ và nghiêm trị mà chỉ đề cập đến ban tổ chức thi đấu ở các sân để xảy ra đốt pháo sáng mới thấy rõ sự thiếu trách nhiệm. Những cảnh báo bị bỏ qua và lần lữa trong việc kiểm soát an ninh chặt chẽ khán giả vào sân đã dẫn tới vụ việc nghiêm trọng như tối 11-9 vừa qua trên sân Hàng Ðẫy, ở trận đấu vòng 23 V.League 1- 2019, làm một nữ cổ động viên bị thương nặng.

Có vẻ ban tổ chức thi đấu sân Hàng Ðẫy của CLB bóng đá Hà Nội đã quá quen với các màn đốt pháo sáng cho dù họ liên tục bị phạt ở nhiều trận đấu trước đó ở mùa giải năm nay và cả những năm trước đó khi để xảy ra tình trạng này. Ngay trước trận đấu với Dược Nam Hà Nam Ðịnh tối 11-9, cho dù đã lan truyền trên mạng việc cổ động viên Nam Ðịnh rủ nhau đốt pháo sáng và lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như đơn vị tổ chức giải là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có ý kiến đề nghị siết chặt công tác an ninh, tăng cường lực lượng bảo đảm an toàn cho trận đấu, ban tổ chức thi đấu trên sân Hàng Ðẫy vẫn bị động, bất ngờ với các tình huống diễn ra, nhất là hoàn toàn không thể kiểm soát được việc mang pháo sáng, pháo dù vào sân.

Thực tế cho thấy, ở các cửa ra vào sân vận động, gần như không có một biện pháp hiệu quả nào để kiểm tra an ninh khán giả và bằng nhiều cách khá dễ dàng, những kẻ quấy rối đã đưa được rất nhiều pháo sáng vào sân. Cho đến khi các cổ động viên liên tục gây rối, lực lượng an ninh trên sân cũng không có phương án xử lý kịp thời, đủ sức trấn áp các cổ động viên quá khích và gần như bất lực trước những hành vi phản cảm nêu trên.

Sau vụ việc, các cơ quan chức năng và Công an Hà Nội đã vào cuộc, triệu tập các cổ động viên đốt pháo sáng, gây rối và tìm ra những kẻ đốt pháo làm bị thương nặng một nữ cổ động viên và có hành vi chống đối lực lượng an ninh. Chắc chắn những cá nhân này sẽ bị xử lý nghiêm, song trước mắt hai câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và Dược Nam Hà Nam Ðịnh đã phải nhận những hình phạt nặng nề về tiền bạc và tinh thần khi thi đấu không có khán giả.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến người hâm mộ và dư luận báo chí đều cho rằng, VFF, VPF và các câu lạc bộ bóng đá cần ngồi lại trao đổi kỹ, siết chặt công tác bảo đảm an ninh sân đấu, quy rõ trách nhiệm và hình phạt cụ thể với những người chịu trách nhiệm nếu để việc đốt pháo sáng kéo dài. Tại sao ở nhiều sân đấu trên cả nước làm tốt công tác kiểm soát an ninh và vận động, tuyên truyền cổ động viên, không để xảy ra tình trạng nêu trên, trong khi một sân đấu như Hàng Ðẫy giữa Thủ đô lại không thể làm được như vậy.

Cũng cần nhắc lại, dư luận đã nhiều lần đề xuất việc tăng hình phạt nặng hơn như tước điểm và trừ điểm đối với các đội bóng để cổ động viên đốt pháo sáng chứ không chỉ là phạt tiền và cấm khán giả vào sân. Ðồng thời, các lực lượng chức năng nên lập kế hoạch theo dõi, nhận diện và xử lý nghiêm khắc, cấm các đối tượng thường xuyên có hành vi đốt pháo sáng, quậy phá vào sân ở tất cả các trận đấu, tránh để những cá nhân này làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của số đông cổ động viên chân chính.