Vụ tấn công hai tòa tháp bút chì

Vụ khủng bố đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, không chỉ về những lỗ hổng an ninh, mà còn cả về tự do ngôn luận, tự do báo chí...

Vụ tấn công hai tòa tháp bút chì

Vụ tấn công tàn khốc

Vụ tấn công diễn ra nhanh, mạnh và bạo liệt. Hai tay súng bịt mặt xách tiểu liên xông vào trụ sở tòa soạn báo Charlie Hebdo nằm ngay trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp, xả súng giết chết một lúc 12 người, trong đó có cả Tổng biên tập cùng các họa sĩ chủ chốt của tờ báo, rồi tẩu thoát trên một chiếc xe đánh cướp được. Tiếp đó là một cuộc truy đuổi y hệt phim hành động. Các nghi phạm tiến hành hai vụ bắt cóc khác nữa, một trong số đó là nhằm cản trở cảnh sát đột kích vào nơi ẩn náu của hai thủ phạm tấn công tòa báo Charlie Hebdo. Kết cục của vụ việc cũng gần giống với những kết thúc đẹp của những phim hành động: cảnh sát đột kích tiêu diệt cả ba nghi phạm, nhưng một số con tin cũng đã bị thiệt mạng.

Nước Pháp rúng động, thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát ở toà soạn tờ báo Charlie Hebdo. Đã hơn nửa thế kỷ qua rồi kể từ cuộc chiến tranh với những phần tử đòi độc lập cho Algeria, thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp mới lại phải hứng chịu một vụ khủng bố tồi tệ đến thế. Tồi tệ vì số người thương vong quá lớn. Tồi tệ còn bởi những nạn nhân của vụ khủng bố làm việc trong giới truyền thông, tại một trong những tờ báo gây tranh cãi nhất ở nước Pháp và trên thế giới.

Gần như ngay lập tức, cả thế giới lên án hành động khủng bố tàn bạo của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Những tấm biển kẻ khẩu hiệu “Tôi là Charlie” - tên tờ báo bị tấn công - được những người ủng hộ tờ báo giăng ra khắp nơi. Những ngọn nến được thắp lên trong mưa ở Paris để cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công.

Trong số những hành động ủng hộ các nhà báo của tờ Charlie Hebdo, một tờ báo châm biếm với “vũ khí” chính là những bức biếm họa, đáng chú ý có sự tham gia của họa sĩ biếm ở nhiều nơi trên thế giới. Một bức tranh được đăng tải ngay sau khi thảm kịch xảy ra đã mô tả hai ngọn bút chì – công cụ chính của các họa sĩ vẽ tranh biếm - đứng song song vươn lên cao như hai ngọn tháp nhọn, với một chiếc máy bay đang chuẩn bị đâm vào.

Sự liên tưởng ở đây là cực kỳ rõ ràng: vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo là một vụ 11-9 nhằm vào giới truyền thông!

Một tờ báo gây tranh cãi

Nhưng có lẽ sự tương đồng giữa hai vụ khủng bố không chỉ dừng lại ở hình thức như vậy. Xét về bản chất, cả hai vụ khủng bố đều có chung một nguyên nhân sâu xa: sự giận dữ của một số người Hồi giáo trước các hành vi áp đặt của phương Tây.

Vụ 11-9-2001, Osama Bin Laden đã chỉ đạo các thành viên khủng bố Al Qaeda đánh thẳng vào những biểu tượng trung tâm quyền lực của nước Mỹ, trong một cuộc thánh chiến với cái gọi là sự áp đặt của phương Tây chống lại các giá trị của đạo Hồi.

Vụ khủng bố 7-1-2014 ở Paris, bước đầu được xác định do các phần tử Al Qaeda chi nhánh Yemen chỉ đạo thực hiện, là nhằm để trả thù cho những gì mà các phần tử Hồi giáo cực đoan cho rằng phương Tây, thông qua các họa sĩ ở tòa soạn Charlie Hebdo, đã báng bổ các biểu tượng linh thiêng của đạo Hồi.

Charlie Hebdo là một tờ tuần báo ấn hành chỉ khoảng 50.000 bản một số, nhưng đã gây rất nhiều tranh cãi không chỉ ở Pháp mà còn ở châu Âu và trên thế giới. Không có bất cứ một chủ đề nào được coi là quá cấm kỵ để không được xuất hiện trên mặt báo, đó có lẽ là một trong những tôn chỉ của tờ báo. Hài hước nhưng đi kèm với sốc, báng bổ, dung tục, là một số khuynh hướng mà tờ báo thể hiện qua những bức biếm họa của mình.

Đối tượng bị châm biếm, giễu nhại không từ bất cứ ai, có thể từ cựu Tổng thống tới Tổng thống đương nhiệm, từ Giáo hoàng đến người Do Thái, từ những lời châm biếm độc địa về phụ nữ cho đến phong trào “Mùa xuân Ả rập” hay thủ lĩnh cực hữu Le Pen...

Chỉ có một lần trong lịch sử phát triển của mình, tờ báo tiền thân của Charlie Hebdo là Hara Kiri gặp rắc rối lớn khi đùa cợt về cái chết của Tổng thống Pháp De Gaulle, bị đóng cửa và buộc phải đổi tên thành Charlie Hebdo!

Vụ tấn công hai tòa tháp bút chì ảnh 1

Vụ tấn công toà soạn Charlie Hebdo là một vụ 11-9 nhằm vào giới truyền thông!

Thò tay vào chuồng sư tử

Văn hóa phương Tây chấp nhận sự chỉ trích và tự trào, bởi vậy những biếm họa của Charlie Hebdo nhằm vào các cá nhân hay vấn đề liên quan mật thiết đến nền văn hóa này, dù gây khó chịu cho nhiều người nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ chấp nhận được.

Nhưng khi các nhà báo của tờ Charlie Hebdo bắt đầu hướng mục tiêu châm biếm của mình vào Hồi giáo, đúng hơn là các biểu tượng linh thiêng của Hồi giáo, thì sinh chuyện.

Đạo Hồi cấm tuyệt đối việc đưa ra một hình ảnh cụ thể của nhà tiên tri Mohammed, coi đó là một trong những sự xúc phạm lớn nhất đối với tín đồ Hồi giáo. Năm 2006, một họa sĩ Đan Mạch vẽ hình nhà tiên tri Mohammed đội chiếc khăn xếp trên đầu trong dáng hình một quả bom có ngòi đang cháy đã gây nên những vụ phản đối bạo lực trên diện rộng của người Hồi giáo khắp thế giới.

Charlie Hebdo thậm chí còn đi xa hơn với việc thường xuyên đăng tải những hình vẽ báng bổ kinh Coran và nhà tiên tri Mohammed. Các họa sĩ của Charlie Hebdo cho rằng họ làm việc trong khuôn khổ của tự do ngôn luận. Nếu ai cảm thấy khó chịu thì có thể kiện ra tòa và các họa sĩ có thể bảo vệ tính chính đáng trong công việc của mình. Tổng biên tập Stephane Charbonnier cũng tuyên bố rằng mình làm việc theo luật pháp của Pháp, chứ không phải theo luật của kinh Coran.

Chính ở đây, đã xuất hiện xung đột.

Vụ tấn công hai tòa tháp bút chì ảnh 2

Người dân Paris xuống đường tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố.

Một số người Hồi giáo cho rằng những bức biếm họa trên tờ Charlie Hebdo không phải là sự xung đột giữa các nền văn minh, mà là sự áp chế, khi một nền văn minh này “bắt nạt” một nền văn minh khác! Với họ, đơn giản đó là sự báng bổ, là gây hấn tôn giáo.

Việc giành thắng lợi trong một vụ kiện ra tòa với những hiện tượng như tờ Charlie Hebdo ở hệ thống pháp lý của Pháp hầu như là bất khả. Các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng không có đủ các phương tiện truyền thông đại chúng trong tay để có thể đáp trả tương xứng. Và khi các họa sĩ của tờ Charlie Hebdo sống theo luật của nước Pháp thì lựa chọn của một số phần tử Hồi giáo cực đoan là hành động theo luật của súng đạn. Với bọn chúng, nếu văn hóa phương Tây coi tự do ngôn luận vô hạn độ là một giá trị cốt lõi thì lựa chọn của chúng là tự do hành động vô hạn độ, đỉnh điểm là vụ khủng bố kinh hoàng ngày 7-1 nhằm vào tòa báo Charlie Hebdo.

Xét về một mặt nào đó, Charlie Hebdo là một sự cực đoan truyền thông, bị sự cực đoan Hồi giáo trả thù. Các họa sĩ của tờ Charlie Hebdo thò tay vào chuồng sư tử khi đã có biển cảnh báo, đã đùa với lửa dù biết rõ sự nguy hiểm của nó ra sao.

Câu hỏi của lương tri

Những kẻ thủ ác ở Paris đã bị bắn hạ, nhưng các tổ chức khủng bố đứng đằng sau vẫn tồn tại, đe dọa tiếp tục tạo ra những vụ khủng bố mới, những mối đe dọa mới. Sau ngày 11-9-2001, cùng với cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, các tổ chức khủng bố, cụ thể là Al Qaeda, đã có những điều chỉnh để thích nghi. Không hành động theo mệnh lệnh của trung ương Al Qaeda, các chi nhánh của Al Qaeda giờ đây tự do đưa ra các quyết định khủng bố và vì thế, trở nên nguy hiểm hơn.

Và còn đó, tiếp tục mọc ra những cái đầu mới của con quái vật khủng bố, như IS...

Chủ nghĩa khủng bố, dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều phải bị lên án một cách mạnh mẽ. Những người có lương tri không thể chấp nhận hành động bắn giết tàn bạo chỉ vì vẫn còn những sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng. Vụ khủng bố ở Paris không chỉ gây nên cái chết của nhiều người, mà còn tạo cơ hội vàng cho những tổ chức bài ngoại, cực hữu, lấy lý do để tiếp tục tuyên truyền khuynh hướng kỳ thị người Hồi giáo, chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo.

Nếu như vụ khủng bố 11-9 diễn ra 14 năm trước đã khiến thế giới đồng lòng chống lại chủ nghĩa khủng bố thì vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo ngày 7-1 vừa qua lại khiến dư luận bị chia rẽ. Những kẻ khủng bố đe dọa sẽ tiếp tục gây đổ máu nếu như các hành động bị coi là báng bổ, xúc phạm tôn giáo vẫn còn tiếp diễn. Tiếc thương các nhà báo của Charlie Hebdo, người ta đồng thời cũng phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi về việc có thể đi xa đến đâu trong tự do ngôn luận, trong một thế giới còn nhiều khác biệt?

Và người ta cũng sẽ phải học cách để tôn trọng những khác biệt đó, không phải bằng hành vi bắn giết tàn bạo, cuồng tín, mà bằng sự tỉnh táo của lí trí và lương tri.