Vì sao tôi yêu nước?

Đây là câu hỏi tôi chắc chắn rằng nhiều người đã đặt ra cho mình, vào một lúc nào đó, có thể là lúc buồn nhiều hơn vui, lúc nhìn thấy những điều bất cập, những nỗi bức xúc ngập lòng, hơn là khi hạnh phúc.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh trò chuyện với bà con Việt kiều ở Pháp lâu năm.
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh trò chuyện với bà con Việt kiều ở Pháp lâu năm.

Vì sao tôi yêu nước?

Vì sao tôi phải yêu nước?

Tôi có nhất thiết phải yêu nước?

Tôi cũng mang câu hỏi tương tự ra hỏi một ông cụ già, người đã rời khỏi Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ trước để đi lính thợ cho Pháp, rồi sau lại trở thành một trong những thành viên cốt cán của phong trào yêu nước tại Pháp “Vì sao bác yêu nước, có cần phải hoạt động trong phong trào yêu nước không khi bác đã ra đi và đang sống yên ổn?”.

Tôi biết nhiều người như ông - tôi gọi là bác dù khi ấy ông đã gần 100 tuổi - đến Pháp khi còn rất trẻ, người đi lính, người đi phu, người đi học, đã chọn yêu nước khi tình yêu ấy là cả một sự khó khăn, nhưng vẫn chọn.

Tôi thấy mình may mắn khi đã biết được những con người này, có cơ hội được gặp gỡ và chuyện trò với họ, trước khi họ đã già và biến mất khỏi cuộc đời, mang theo tất cả những câu chuyện đẹp đẽ mà họ đã từng sống suốt những năm tuổi trẻ với tất cả những hy vọng, tình yêu về một nơi mà họ gọi là Tổ quốc.

Ông là người mà tôi gặp đầu tiên, tôi luôn nhớ cảm giác ấm áp mà ông bà mang đến cho tôi trong buổi chiều mùa đông rất lạnh ấy, ông đã già nhưng rất minh mẫn. Gặp tôi, ông mừng mừng tủi tủi vì có người lắng nghe ông kể về những câu chuyện cuộc đời. Ông lôi những tài liệu từ những năm 20 của thế kỷ trước ra cho tôi xem, khi ông xung phong đi phu sang Pháp vì nhà quá nghèo. Một cậu thanh niên Việt Nam đầu trọc, mặt mày hốc hác, chỉ có đôi mắt là sáng. Ông kể với tôi những năm tháng đầu tiên của đời phu phen, nhớ quê mà không biết khi nào được về. Ông bảo, cuộc đời ông đổi khác khi ông được gặp “ông Hồ”, vào năm 1946, người đã cầm tay ông và bảo “anh cố học đi, học lấy ít chữ. Muốn không bị khinh rẻ thì phải học, chỉ có tri thức mới giúp người ta thoát khỏi thân phận nô lệ”. Ông chỉ cho tôi xem những tấm hình mà ông chụp trong nhà máy ô-tô nơi ông làm việc những ngày cuối cùng, ở vai trò của đốc công. Ông bảo, cuối cùng thì tôi cũng bước lên một thân phận khác, để làm người.

Yêu nước đối với ông là cố gắng làm người để không bị coi thường, để có thể ngẩng cao đầu khi nói ông đã từng là lính thợ.

Cũng như ông, ông Lâm Bá Châu cũng là một Việt kiều mà tôi có dịp gặp, khác với người bạn cùng hoạt động trong phong trào yêu nước, ông Lâm Bá Châu là người miền nam và sang Pháp để du học từ đầu những năm 50. Người đàn ông điềm đạm, lịch sự và nhiều hiểu biết ấy có một cách lý giải khác với tôi về lòng yêu nước khi tôi hỏi ông sao không làm việc và hành nghề một cách bình thường, hòa nhập vào xã hội Pháp và sống yên ổn? Ông hoàn toàn có thể sống như thế và có một thân phận tốt. Vợ ông là người Pháp, ông là trí thức được đào tạo bài bản ở Pháp, nước Pháp đã giúp ông có một vị trí xã hội cao, vậy hà cớ gì phải hoạt động trong phong trào ủng hộ cách mạng trong nước, để bị cảnh sát theo dõi, bị bắt và hơn 25 năm không được về Sài Gòn thăm cha mẹ?

Tôi rất nhớ ánh mắt của ông nhìn tôi, như muốn hiểu xem tôi hỏi đùa hay moi móc để ông kể tận ruột gan, tôi cũng nhớ giọng nói tiếng Pháp điềm đạm, thủ thỉ, ông bảo «Vậy tôi là trí thức để làm gì? Sao có thể thấy bình an khi nơi mình gọi là quê hương bị chiến tranh, bị xâm chiếm? Tôi nghĩ nước Pháp đã dạy tôi về tự do và bình đẳng, vậy tôi phải sống giống một trí thức chứ”.

Sống giống một trí thức, yêu quê hương theo cách của một trí thức là điều mà nhiều Việt kiều ở thế hệ ông Lâm Bá Châu đã làm suốt những năm tuổi trẻ, khi sống xa nơi mà họ gọi là quê hương. Để hoạt động trong phong trào đấu tranh cho độc lập của Việt Nam, họ đã phải hoạt động gần như bí mật, hội họp kín, bị bắt, tra khảo và nhiều người suốt mấy chục năm trời không thể về Việt Nam ngay cả khi cha mẹ ở quê nhà qua đời. Về Sài Gòn thì bị bắt, về miền bắc thì chiến tranh và không có cơ hội quay lại với gia đình, tuy thế, tôi chưa nghe thấy ai gọi đó là hy sinh.

Vì sao tôi yêu nước? -0
 

Nhiều kiều bào đã về nước, tham gia các chuyến đi thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa...

Là chọn lựa.

Là chọn để yêu nơi mà mình sinh ra, thay vì chọn chăm chú vào đời sống cá nhân. Tôi cũng có dịp đến trong ngôi nhà ngổn ngang những đồ đạc của hội Việt kiều. Nào là bàn, nào là trống, nào cờ phướn. Thật lòng, tôi không hình dung đây là ngôi nhà của một người đã sống ở Pháp từ gần 70 năm, mọi ngóc ngách trong nhà đều đầy ắp những vật dụng mang màu sắc Việt Nam. Đồ đạc của hội người Việt tại Pháp để nhờ chứa đầy kho, đầy phòng, chủ nhà - bác sĩ Therese Phan chỉ cười “Ừ thì hội không có chỗ để, mình có chỗ thì mình mang về thôi”.

Không chỉ hoạt động trong phong trào ủng hộ cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, nhiều năm sau hòa bình bác sĩ Therese Ký vẫn tiếp tục những hoạt động thiện nguyện của mình. Quyên góp thuốc để gửi về Việt Nam khi ấy còn khó khăn, kết nối các bác sĩ Pháp về để hợp tác với trong nước. Nhiều khi tôi cứ lạ, điều gì đã khiến người phụ nữ nhỏ bé ấy bền bỉ suốt nhiều năm để yêu một tình yêu không phải không có lúc dễ bị sứt mẻ.

Rất nhiều lần tôi băn khoăn tự hỏi xem điều gì đã khiến những con người này nuôi được tình yêu với nơi mà họ gọi là quê dù nhiều năm không hề sinh sống, dù không phải lúc nào cũng có chung suy nghĩ. Người thì phấn đấu để thoát kiếp phu phen nô lệ, người thì chấp nhận gian nan xa cách, người thì bền bỉ bất chấp thời gian. Tôi cứ cố lục lọi, hỏi han để hiểu xem điều gì đã là động lực, là lý tưởng, liệu có một lý tưởng theo cách hiểu của những người thế hệ sau, được giáo dục về điều này trước khi thực sự hiểu có cần một lý tưởng. Thường thì câu trả lời mà tôi nhận được rất giản dị “nếu được sống ở một nơi văn minh, tự do thì lại càng nên hiểu rằng khi đất nước khó khăn nhất, buồn nhất là lúc cần chúng ta có mặt”. Bác sĩ Therese Phan bảo tôi rằng, thời chiến tranh, những vất vả trong nước gánh chịu nhiều hơn ở bên này, thời hòa bình cũng vậy, vậy thì những điều mà chúng tôi làm là rất tự nhiên, hợp lẽ.

Quả thật yêu nơi mình sinh ra luôn là một tình cảm tự nhiên, nhưng để nuôi tình yêu ấy qua nhiều thời gian, nhiều biến cố và thử thách phải là một sự chọn lựa.

Chọn đứng cùng khi buồn vui, khi gian nan, khi sướng khổ, khi bất toại ý... tôi nghĩ họ đã chọn theo cách ấy.

Họ đã chọn trả lời cho câu hỏi của tôi bằng chính cuộc đời mà họ sống.