Bóng đá nữ Việt Nam

Vẫn miệt mài trong nỗi cô đơn

Một lần nữa, Đội tuyển (ĐT) nữ Việt Nam bước lên ngôi Vô địch Đông - Nam Á. Thêm một lần, câu hỏi về sự thờ ơ của khán giả cũng như các nhà đầu tư dành cho bóng đá nữ nước nhà vẫn bị bỏ ngỏ.
Vẫn miệt mài trong nỗi cô đơn

Lạc lõng trong từng trận đấu

Cách đây không lâu, trận chung kết World Cup nữ 2019 giữa ĐT Mỹ và ĐT Hà Lan diễn ra ở thành phố Lyon (Pháp) đã chứng kiến một quang cảnh ngỡ ngàng. Hơn 60.000 chỗ ngồi của sân vận động (SVĐ) đã chật kín khán giả.

SVĐ tại Lyon hôm ấy là giấc mơ với phần đông những trận cầu nữ trên toàn thế giới. Không chỉ riêng ở Việt Nam, phần lớn người hâm mộ các nước cũng chỉ tập trung sự chú ý cho bóng đá nam. Ngay như Giải vô địch Đông - Nam Á AFF Cup vừa kết thúc, mỗi trận đấu chỉ có trung bình 93 khán giả tới sân theo dõi. Trận chung kết dù hấp dẫn cũng chỉ đạt 550 cổ động viên.

Hiện tại, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang hỗ trợ khá nhiều để phát triển bóng đá nữ, như việc bao tiêu sinh hoạt phí cho đội U14 và U16 nữ quốc gia. Nhưng về lâu dài, vẫn cần sự giúp sức từ các nhà tài trợ. Không nhận được sự quan tâm từ phía người hâm mộ, chẳng có hiệu ứng nào đủ mạnh mẽ trên truyền thông nên cũng không nhiều các nhà tài trợ sẵn sàng đầu tư mạnh tay cho bóng đá nữ. Họ không nhìn thấy cơ hội quảng bá tên tuổi trên những khán đài luôn vắng khán giả ở mỗi trận đấu thuộc Giải vô địch Quốc gia. Sự đầu tư hiện tại phần lớn chỉ mang tính khích lệ và động viên là chính.

Xuyên suốt chuyến hành trình ĐT nữ Việt Nam vô địch giải Đông - Nam Á, các cô gái của chúng ta hầu như không nhận được sự quan tâm nào và mọi chuyện chỉ vụt đến sau trận chung kết “nghẹt thở” trước Thái-lan. Nếu như các hãng lữ hành sẵn sàng mở tour theo chân cổ vũ những chàng trai của ĐTQG, các cổ động viên của ta sẵn sàng hâm nóng từng góc khán đài trên sân khách, thì điều này hiếm khi xảy ra đối với tuyển nữ.

“ĐT nữ được ít người quan tâm, chúng tôi cũng quen rồi. Nhưng, các em nó không hề cảm thấy tự ti mà luôn nỗ lực, cố gắng”- Lời bộc bạch của HLV Mai Đức Chung đã chỉ rõ sự thiệt thòi của ĐT nữ so với những đóng góp, cống hiến không biết mệt mỏi của họ.

Vừa xây đỉnh, vừa tạo nền

Nhìn vào sự phát triển của bóng đá nữ ở Mỹ, họ cũng từng trải qua những thời kỳ khó khăn, cũng từng gặp vấn đề như Việt Nam hiện tại. Để khắc phục điểm yếu cốt lõi ấy, không chỉ chú trọng đầu tư nâng cao trình độ, người Mỹ tìm đủ mọi cách để quảng bá, kêu gọi khán giả tới sân. Chỉ khi nhu cầu xem và chơi bóng đá trong nữ giới hình thành, bóng đá nữ mới có thể tự vận động và phát triển.

Các cầu thủ Mỹ đều xuất thân từ các đội bóng của mỗi trường đại học. Khi không đá bóng, họ tham gia các hoạt động từ thiện, thăm các em nhỏ trong bệnh viện hay giao lưu dạy đá bóng cho các em gái… Những cầu thủ với tài năng và ngoại hình cũng tham gia quảng cáo, làm người mẫu bán chuyên. Mỗi hoạt động đều nhằm quảng bá bóng đá nữ, đem tình yêu bóng đá tới từng gia đình, tạo nên một lực lượng cổ vũ đông đảo.

Bóng đá đỉnh cao vốn là một môn giải trí mà các cầu thủ chuyên nghiệp cống hiến tài năng cho khán giả. Dù có khó khăn hơn, nhưng nếu chú tâm và dụng công đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra đất diễn cho các cầu thủ nữ. Sự “quen rồi” trong câu nói của HLV Mai Đức Chung cũng cần phải thay đổi.

Trải qua vô vàn khó khăn, các cô gái của chúng ta liên tục mang về vinh quang cho đất nước khi năm lần giành HCV SEA Games. Trên bình diện quốc tế, bóng đá nữ Việt Nam từ lâu đã tiệm cận đẳng cấp thế giới. ĐT nữ đứng thứ 35 thế giới trên bảng xếp hạng FIFA và chỉ xếp thứ 6 ở châu Á sau Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc.

Ở các nước phát triển như I-ta-li-a và Hà Lan, khi ĐT bóng đá nam thi đấu không thành công, người hâm mộ liền quay sang cổ vũ ĐT nữ. Khán giả kéo tới sân đông hơn, lượng người xem truyền hình tăng cao ngay lập tức kích thích sự phát triển của bóng đá nữ, giúp các cô gái tạo nên thành tích đột phá.

Sắp tới, World Cup nữ chuẩn bị mở rộng từ 24 lên 32 đội, cơ hội để các tuyển thủ nữ của chúng ta tham dự đấu trường này là rất cao. Nhưng đi cùng với hy vọng vươn xa, các cô gái tài năng của chúng ta cần rất nhiều sự hỗ trợ từ chính những khán giả nhà đến sân theo dõi.

Bản thân HLV Mai Đức Chung vẫn luôn bồi hồi về biển người hâm mộ nhiệt thành cổ vũ ĐT nữ Việt Nam ở SEA Games 2003 trên sân Lạch Tray. Tiềm năng phát triển của bóng đá nữ Việt Nam rõ ràng còn rất lớn. Trong lúc Liên đoàn vẫn đang loay hoay cùng những biện pháp của mình thì ngoài kia, các cầu thủ nữ vẫn đang miệt mài trong nỗi cô đơn.