Tìm lại vị trí số một khu vực

Năm 2021 là khoảng thời gian vô cùng bận rộn với thể thao Việt Nam, khi thời điểm diễn ra Thế vận hội gần sát với giai đoạn diễn ra Đại hội thể thao khu vực. Mặc dù vậy, đối với bộ môn đấu kiếm nói riêng, công tác chuẩn bị đã được lên kế hoạch kỹ càng, trải dài theo chuỗi sự kiện lớn từ Olympic, SEA Games 31, và Asian Games 2022 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Sự tiến bộ của các tài năng trẻ được kỳ vọng giúp Việt Nam giành lại vị thế số một Đông - Nam Á.
Sự tiến bộ của các tài năng trẻ được kỳ vọng giúp Việt Nam giành lại vị thế số một Đông - Nam Á.

Hiện tại, dù các vận động viên (VĐV) đấu kiếm hoàn toàn phải tập “chay”, không thể thi đấu cọ xát quốc tế trong suốt thời gian dài, nhưng toàn đội vẫn cố gắng nỗ lực duy trì phong độ và thể lực. Ông Phùng Lê Quang, phụ trách Bộ môn Đấu kiếm, Tổng cục Thể dục - Thể thao, chia sẻ: “Bộ môn vẫn theo sát tình hình của Liên đoàn Đấu kiếm quốc tế, nếu tình hình dịch bệnh khả quan có thể xin ý kiến lãnh đạo cử VĐV tham dự giải vòng loại Olympic Tokyo vào tháng tư, hay một số giải tích điểm vào tháng hai năm 2021”.
 
 Không chỉ phải tập chay, tình trạng thiếu thiết bị tập luyện ở cả Đội tuyển quốc gia cũng như ở các địa phương cũng tạo nên những khó khăn nhất định trong công tác huấn luyện. Ngay như đầu tàu là đội tuyển đấu kiếm Hà Nội, địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ nhất vẫn phải sử dụng nguồn kiếm tập luyện từ các năm trước do các vấn đề về mặt thủ tục. Ông Phùng Lê Quang nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, các trung tâm cần được cung cấp kịp thời và đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Bởi các VĐV muốn thi đấu tốt cần có thời gian làm quen và sử dụng một cách nhuần nhuyễn. Thời gian thay mới càng gần giai đoạn cuối năm thì hiệu quả sử dụng sẽ không được như mong muốn”.
 
 Không những thế, mức kinh phí đầu tư cho đấu kiếm hết sức khiêm tốn, chỉ đủ để một số VĐV trọng điểm của Đội tuyển quốc gia tham dự từ ba đến bốn giải quốc tế mỗi năm. Điều đó dẫn đến thực tế đáng buồn là các VĐV kể cả trong diện được đầu tư cho SEA Games 31 cũng ít có cơ hội thi đấu quốc tế.
 
 Theo ông Phạm Anh Tuấn, huấn luyện viên (HLV) trưởng Đội tuyển đấu kiếm quốc gia, để hoàn thành được mục tiêu giành từ năm đến sáu Huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 31, đấu kiếm Việt Nam phải tích cực củng cố lực lượng. Trước mắt, chúng ta vẫn phải trông cậy vào những VĐV giàu kinh nghiệm như Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi (kiếm chém), Nguyễn Tiến Nhật (kiếm ba cạnh nam). Ở nội dung kiếm liễu, hy vọng vẫn được đặt vào Nguyễn Minh Quang. Ngoài ra, các nội dung đồng đội kiếm chém nam và kiếm ba cạnh nam cũng được kỳ vọng sẽ mang về huy chương cho Tổ quốc.
 
 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các VĐV phải chuyển hướng tập luyện, chủ yếu duy trì thể lực. Bên cạnh đó, tất cả đều tích cực nghiên cứu chiến thuật của VĐV các nước qua băng ghi hình, nhằm nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng đối thủ. Qua đó, sẵn sàng thi đấu và đạt phong độ cao khi bước vào kỳ Đại hội trên sân nhà.
 
 “Trước mắt, khi việc thi đấu quốc tế vẫn chưa thể diễn ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, chúng tôi khắc phục bằng việc sử dụng những VĐV kỳ cựu giúp rèn luyện lứa trẻ dự kiến góp mặt ở SEA Games tới. Những gương mặt trẻ như Phương Kim hay Nguyễn Thị Trang, Vũ Thị Hồng là lứa VĐV được đào tạo từ 8-10 năm nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2023. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc khiến các em có cơ hội được góp mặt ngay trong năm nay. Lứa măng non này hứa hẹn giúp đấu kiếm nước ta giành lại vị thế số một khu vực”, HLV Phạm Anh Tuấn tự tin khẳng định.
 
 Việc sở hữu những tay kiếm trẻ tài năng vốn chỉ là một phần trong công tác đầu tư và phát triển một cách toàn diện của bộ môn đấu kiếm. Cụ thể, muốn kích thích các địa phương duy trì và đẩy mạnh phong trào, Đội tuyển quốc gia cần duy trì vị trí số một tại Đông - Nam Á, cũng như giành các suất tham dự Thế vận hội.
 
 Trong vài năm gần đây, Xin-ga-po và Thái-lan đang có những bước phát triển thần tốc. Ở SEA Games 30, Việt Nam chỉ xếp thứ hai khi cùng sở hữu bốn HCV và kém Xin-ga-po về số Huy chương bạc (HCB). Sự tiến bộ vượt bậc này bắt nguồn từ việc đấu kiếm đang trở thành hiện tượng xã hội ở Xin-ga-po khi thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, bên cạnh quá trình đẩy mạnh đưa VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, đầu tư trang thiết bị và bổ sung nhiều chuyến thi đấu cọ xát quốc tế.
 
 Hiện tại, ngoài hai đầu tàu lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ có sáu đơn vị đầu tư cho bộ môn thể thao “quý tộc” này là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Công an nhân dân và Bắc Ninh. Khả năng vận động tài trợ, xã hội hóa bộ môn đấu kiếm không dễ dàng, bởi đấu kiếm chưa có được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ, hơn nữa lại đòi hỏi kinh phí tốn kém nếu muốn theo đuổi.
 
 Với mong muốn thay đổi thực tế khó khăn này, HLV Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Trước đây, Đội tuyển đấu kiếm trẻ quốc gia tập trung ở một nơi, nhưng vì sự phát triển của phong trào đấu kiếm trên cả nước nên các nhóm phân môn của đội tuyển được bố trí đến tập luyện, ăn ở tại các địa phương. Đây là cách để nâng cao trình độ mỗi đơn vị, đồng thời cũng giúp các nhà quản lý tại đây nhìn nhận rõ hơn về vị thế và tiềm năng phát triển của môn đấu kiếm”.