Tiếp lực cho đường quyền

Từ xưa đến nay Bình Ðịnh luôn nổi tiếng với truyền thống đất võ, nhưng làm cách nào để bảo tồn và phát huy võ cổ truyền dân tộc vẫn đang là bài toán cần có lời giải.

Do thiếu hụt lớp diễn viên kế tiếp nên Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định) vẫn phải bố trí những diễn viên lớn tuổi biểu diễn.
Do thiếu hụt lớp diễn viên kế tiếp nên Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định) vẫn phải bố trí những diễn viên lớn tuổi biểu diễn.

"Võ không nuôi sống nổi võ"

"Cứ sau mỗi dịp nghỉ hè, đội ngũ cộng tác viên ở Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Ðịnh) lại vơi đi hẳn. Chúng tôi phải duy trì đội ngũ diễn viên lớn tuổi biểu diễn nên chất lượng chuyên môn cũng không cao", võ sư Hồ Sỹ người trực tiếp phụ trách đội võ nhạc tại đây chia sẻ.

Thật vậy, không khó để nhận ra độ vênh giữa các diễn viên trong tổng số 17 con người của đội võ nhạc đang biểu diễn dưới nhịp kèn trống hào hùng. Ngay như anh Sỹ, dù đã cống hiến hơn 20 năm, anh vẫn phải trám vào những vị trí còn trống của đoàn để biểu diễn hằng tuần.

Khó khăn này xuất phát từ chế độ đãi ngộ và tiền lương cho diễn viên võ nhạc rất thấp. Bước lên sân khấu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tính cả lương và phụ cấp, mỗi tháng anh nhận được hơn 5 triệu đồng. Lương hợp đồng của các thành viên khác còn thấp hơn nhiều, khó có thể đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Anh Sỹ mới vừa chia tay một cộng tác viên trẻ tài năng, người từng giành nhiều huy chương suốt bốn năm cống hiến cùng đội. "Vì chế độ đãi ngộ thấp nên Nguyễn Thị Ngọc Tú quyết định chọn công việc trên TP Quy Nhơn với mức lương 6 triệu đồng. Nhiều gương mặt trẻ khác, mỗi khi đậu đại học hoặc có cơ hội tốt hơn, họ cũng rời bỏ đội võ nhạc với hy vọng cải thiện cuộc sống", vị võ sư này nói.

Gần đây nhất, một tài năng trẻ khác, sau khi ra trường, đã liên lạc với võ sư Hồ Sỹ để tìm hiểu về cơ hội cống hiến tại Bảo tàng nhưng… sau một hồi nói chuyện cùng thầy, em vẫn chần chừ, lưỡng lự chưa có câu trả lời. Kể về cuộc trò chuyện hôm ấy, anh Sỹ vẫn băn khoăn: "Tuy là ký hợp đồng dài hạn với chế độ bảo hiểm đầy đủ nhưng khi được hỏi về vấn đề tiền lương, tôi không biết phải trả lời lương cố định chính xác thế nào vì các bạn mới vào cũng chỉ nhận được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng".

Phần lớn mọi người ở đây đều là nhân viên hợp đồng, trung bình cứ 5 đến 10 năm, võ nhạc luôn yêu cầu đào thải. Vậy mà, lớp trẻ kế cận chưa tới, người lớn tuổi cũng chẳng biết sẽ làm gì tiếp theo để mưu sinh. Bởi thế, Bảo tàng vẫn cố gắng tạo điều kiện dù chất lượng chuyên môn biểu diễn còn thấp.

Ðứng trước thực trạng ấy, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, ông Châu Kinh Tú cũng lắc đầu: "Cứ đà này, chỉ hai năm nữa, đội nhạc võ khó lòng giữ được".

"Ðể võ cổ truyền phát triển, trước tiên, nghề võ phải kiếm ra tiền. Dù có tâm huyết đến mấy cũng phải nuôi được võ đường, nuôi gia đình, phải có nguồn thu. Nếu võ không nuôi sống nổi võ thì làm sao có thể phát triển được". Anh Phan Tuấn Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao tỉnh Bình Ðịnh phân tích.

Tìm hướngbảo tồn - phát triển

Hiện nay, quan điểm của mỗi gia đình nhìn nhận học võ rất tích cực nên tỷ lệ phụ huynh đồng hành ngày càng cao. Không chỉ giúp rèn luyện đạo đức, nâng cao phản xạ nhanh nhẹn trong công việc và đời sống, người dân Bình Ðịnh cũng ủng hộ chương trình phổ cập võ cổ truyền như một sự tự hào về bản sắc quê hương. Dù chưa thấm gì nhưng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em cũng nắm được những bước căn bản của ít nhất hai bài võ Hùng Kê quyền và Roi Thái Sơn...

Bên cạnh sáu tiết học trong năm, hàng loạt các lớp ngoại khóa trong ba tháng hè cũng góp phần phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ. Dù sở hữu quy chế môn phái khắt khe, các lò võ cũng dần nới lỏng giờ giấc cũng như phương thức luyện tập để giúp các em phát triển bên cạnh thời gian học văn hóa vất vả.

Không những vậy, "tỉnh đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy võ cổ truyền tại sáu võ đường tiêu biểu gồm: Chùa Long Phước, Phi Long Vịnh (huyện Tuy Phước), Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ (thị xã An Nhơn), Phan Thọ, Hồ Sừng (huyện Tây Sơn). Cụ thể như đầu tư làm mới, nâng cấp hai tuyến đường vào võ đường Phan Thọ và Hồ Sừng; hỗ trợ đất để mở rộng võ đường; trang bị trang phục, binh khí cho các võ đường; chế độ hằng tháng cho các võ sư phụ trách sáu võ đường tiêu biểu nhằm biểu diễn phục vụ du khách tham quan…", ông Nguyễn Minh Ðoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Ðịnh, nêu rõ.

Việc đầu tư cho các võ đường tiêu biểu để phục vụ du khách là điều cần thiết. Tuy nhiên, chính công tác đào tạo, giảng dạy; tổ chức tập luyện, xây dựng chương trình biểu diễn phong phú và chuyên nghiệp; tập trung khai thác nét văn hóa truyền thống đặc trưng… mới giúp tăng sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Như anh Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao tỉnh Bình Ðịnh nhận xét: "Tất cả những công việc trên mới chỉ loay hoay ở công tác bảo tồn, để phát huy và phát triển võ cổ truyền vẫn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa, trong tương lai xa chưa thể xác định".