Nỗi lo đạo đức

Vụ việc hàng loạt tài năng trẻ Ðồng Tháp bán độ một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức cầu thủ.

Nỗi lo đạo đức

Từ nhiều năm nay, "bán độ" vẫn luôn là vết sẹo nhức nhối của bóng đá Việt. Khi nhắc về Văn Quyến, thần đồng bóng đá một thời từng vướng vòng lao lý vì tham gia dàn xếp tỷ số cách đây 17 năm, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh vẫn không khỏi xót xa.

"Các cầu thủ vẫn còn trẻ, không chín chắn. Họ nghĩ rằng chỉ cần không bán thua, "bán nằm" là được. Ðội nhà vẫn thắng mà bản thân lại kiếm thêm được một ít tiền thưởng thì tội gì không làm. Nếu lúc đó các cầu thủ cố tình đá để thua, đó mới thật sự tai hại, mới là vụ tiêu cực lớn trong lịch sử", ông Vinh chia sẻ.

Tâm thức những cầu thủ bán độ dường như tồn tại quan điểm "đá thắng mà vẫn có tiền" hay "chỉ lần này thôi, không có lần sau" thì tại sao không thử. Cả 11 cầu thủ Ðồng Tháp vừa nhận án kỷ luật vì dàn xếp tỷ số có thể đã đi vào "vết xe đổ" của thế hệ đàn anh với những suy nghĩ ngây ngô như thế. Dàn xếp trong trận đấu vô thưởng vô phạt, bán độ với kết quả dễ làm (hòa 1-1), mỗi người nhận được gần 13 triệu đồng dường như là cách kiếm tiền quá dễ.

Bản tường trình với nét chữ nguệch ngoạc trên nền giấy kẻ ô-ly là minh chứng cho dại dột của tuổi trẻ khi đứng trước cám dỗ đồng tiền. Những Công Minh, Văn Tiến hay Minh Trọng nghĩ rằng "em chỉ bán một lần… cho biết". Nhưng trong thể thao, một lần duy nhất buông lỏng bản thân, các cầu thủ xem như đã trượt dài trên con dốc sự nghiệp.

Trong số 11 cầu thủ bán độ có tới bốn người đang khoác áo U19 Việt Nam, lực lượng được đào tạo để chuẩn bị cho SEA Games 31 trên sân nhà. Xa hơn, đây là lứa cầu thủ được Giám đốc kỹ thuật Philippe Troussier chăm bẵm để củng cố giấc mơ World Cup 2026. Một lần nữa, nỗi ám ảnh về bóng ma tiêu cực trong quá khứ lại xuất hiện, đe dọa nghiêm trọng tương lai bóng đá Việt.

Hiện tại, dù những Quang Hải hay Công Phượng đã góp phần giúp đội tuyển Việt Nam gặt hái nhiều thành công, nhưng để phát triển lâu dài, không thể chỉ chờ đợi vào một thế hệ. Nhưng phía sau lứa 95 - 97 thành công rực rỡ kia đang tồn tại những khoảng trống mênh mông.

Sáu tháng treo giò với 10/11 cầu thủ vẫn bỏ ngỏ cho các em cơ hội làm lại. Mặc dù vậy, nếu không chấn chỉnh công tác giáo dục đạo đức, trong tương lai sẽ còn bao nhiêu Minh Trọng, Văn Tiến? Nếu không nâng cao đãi ngộ, giúp các cầu thủ bảo đảm thu nhập, sẽ còn bao nhiêu bản tường trình "bóp chết" niềm tin nơi người hâm mộ?

Bóng đá Việt như lâu đài trên cát, với chân đế và nền móng chưa vững. Một, hai lần sóng gió nữa có thể khiến nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống trở thành vô nghĩa.