Thể thao thế giới

Lao đao mùa dịch

Hàng loạt các hoạt động thể thao đã bị hoãn hoặc hủy bỏ vì sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Cùng đối mặt với nguy cơ phải thay đổi lịch trình, hai sự kiện quốc tế lớn nhất năm thì EURO 2020 đã chính thức bị lùi lại, còn Olympic Tokyo cũng đang “nín thở” từng ngày, theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

EURO 2020 đã chính thức bị hoãn lại nhằm ưu tiên hoàn thành các giải VĐQG.
EURO 2020 đã chính thức bị hoãn lại nhằm ưu tiên hoàn thành các giải VĐQG.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Trong bối cảnh hầu hết các sự kiện thể thao thế giới bị đình chỉ và bế tắc do dịch Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản - ông Abe Shinzo, vẫn tỏ ra lạc quan về công tác chuẩn bị của Olympic 2020: “Chúng tôi muốn tổ chức Thế vận hội theo kế hoạch và sẽ tìm mọi cách ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”.

Theo kế hoạch ban đầu, Nhật Bản sẽ đầu tư tổng cộng 9,81 tỷ USD cho Olympic 2020. Tuy nhiên, tới tháng 12-2019, chi phí đã bị đội lên 12,35 tỷ USD. Nếu sự kiện này bị hủy, Nhật Bản có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng hình ảnh quốc gia cũng như ước tính thiệt hại 74,3 tỷ USD.

“Chừng nào Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến nghị, chúng tôi không dự tính hoãn hay hủy Thế vận hội mùa hè. Ưu tiên của chúng tôi lúc này là làm sao quá trình thi đấu giành vé dự Olympic diễn ra mà vẫn bảo vệ sức khỏe của các vận động viên (VĐV)”. Ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (CIO), cũng ủng hộ quan điểm của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản.

Thế nhưng, khi hàng loạt các sự kiện khởi động Olympic chưa thể diễn ra, sự phản đối việc duy trì tổ chức sự kiện này ngày càng tăng trong dư luận “xứ sở Mặt trời mọc”. Đài Truyền hình NHK thực hiện một cuộc thăm dò trong tháng 3 và kết quả chỉ có 40% số người ủng hộ, trong khi con số phản đối việc Olympic 2020 diễn ra đúng kế hoạch lên tới 45%. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề nghị kỳ Olympic này nên hoãn lại một năm thay vì thi đấu trên các khán đài trống vắng người hâm mộ.

Phần lớn các ý kiến đều lo ngại Thế vận hội sẽ khiến cuộc sống người dân Tokyo gián đoạn trên diện rộng do lượng lớn du khách đổ về từ khắp nơi. Đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cho cả VĐV, quan chức và khán giả.

Chính vì vậy, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi, khả năng Thế vận hội Tokyo bị hoãn vẫn còn để ngỏ. Nước chủ nhà Nhật Bản giờ đây sẽ phải xem xét lại mọi mặt và lên ý tưởng lùi thời điểm tổ chức sang năm tiếp theo, nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện cho tới tháng 5. Tuy nhiên, đây chắc chắn sẽ là một quyết định khó khăn khi phần lớn các địa điểm tổ chức ở Nhật Bản đều đã sẵn sàng trước thời hạn.

“Nút thắt” EURO 2020

Covid-19 trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều năm trở lại đây. Đối với môn thể thao vua, đã có hơn 35 giải đấu bị hoãn. Năm giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu (Anh, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Đức, Pháp) cũng phải hoãn toàn bộ để ứng phó với bệnh dịch. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu không được kiểm soát kịp thời, đại dịch ở lục địa già sẽ lên đỉnh điểm trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Ngày 17-3, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã họp trực tuyến với đại diện 55 liên đoàn thành viên và đi đến thống nhất: lùi giải đấu danh giá nhất lục địa già lại một năm. EURO vẫn diễn ra ở cả 12 nước châu Âu khác nhau như kế hoạch trước đó, nhưng sẽ được tổ chức vào mùa hè năm 2021 (từ ngày 11-6 đến ngày 11-7).

Động thái đoàn kết chưa từng có trong lịch sử này nhằm ưu tiên cho việc hoàn thành các giải VĐQG và hai giải đấu cúp (Champions League, Europa League). Nếu dịch bệnh được khống chế, các giải VĐQG sẽ nỗ lực nhằm kết thúc trước tháng 7. Hai trận chung kết Champions League và Europa League cũng lần lượt được dời sang ngày 27 và 24 tháng 6.

Mặc dù vậy, việc EURO bị hoãn sẽ đẩy Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và UEFA vào tình thế khó khăn, khi giải đấu Club World Cup của FIFA dự kiến diễn ra cùng thời điểm (từ ngày 17-6 đến ngày 4-7). Dù FIFA chưa đưa ra phương án chính thức, các cầu thủ sẽ chịu tổn thất trước tiên vì không thể “phân thân” để cùng lúc tham dự cả hai sân chơi này.

Như vậy, tới khi các giải VĐQG mùa 2021-2022 bắt đầu vào tháng 8, các “chân sút” chỉ có vỏn vẹn hơn 30 ngày để nghỉ ngơi. Với lịch trình dày đặc từ các giải VĐQG, EURO, Club World Cup… cho tới World Cup 2022 tại Qatar (lần đầu diễn ra vào mùa đông), các VĐV đứng trước nguy cơ trải qua ba mùa hè liên tiếp không có đủ thời gian hồi phục. Thiếu đi giai đoạn tái nạp năng lượng, sự quá tải sẽ dẫn đến những chấn thương đáng tiếc lẫn sự sa sút phong độ cá nhân.

Những tháng ngày sắp tới chắc chắn sẽ là khoảng thời gian bận rộn với các cầu thủ cũng như những người làm chuyên môn. Các kế hoạch phải được “cân đo đong đếm” cẩn thận. Mọi nút thắt dù khó đến mấy rồi cũng sẽ có cách tháo gỡ.

Theo thống kê sơ bộ của kênh thể thao ESPN, hơn 290 giải đấu (ở cấp độ quốc gia, quốc tế) của 42 môn thể thao trên khắp thế giới chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.

Hai giải quần vợt chuyên nghiệp là Indian Wells và Miami (chỉ đứng sau bốn giải Grand Slam) đã phải tuyên bố hủy bỏ. Hiệp hội Quần vợt nhà nghề Mỹ (ATP) cũng thông báo hoãn tất cả giải đấu thuộc hệ thống ATP trong vòng sáu tuần tới. Giới chuyên môn cũng lo ngại giải Grand Slam thứ hai trong năm (Roland Garros) sẽ không thể diễn ra đúng kế hoạch.

Giải bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ (NBA) cũng quyết định tạm hoãn vô thời hạn chỉ một giờ sau khi cầu thủ đầu tiên tại NBA dương tính SARS-CoV-2. Liên đoàn Bóng rổ thế giới (FIBA) công bố tất cả các cuộc thi trong hệ thống của FIBA cũng bị hoãn từ ngày 14-3.

Sau khi chặng đua mở màn mùa giải F1 ở nước Australia bị hủy, Ban tổ chức đã hoãn các sự kiện lớn tiếp theo trong đó có cuộc đua ở Việt Nam. Dự kiến, mùa giải 2020 sẽ bắt đầu ở châu Âu vào cuối tháng 5, nhưng cũng không loại trừ khả năng bị hoãn vô thời hạn nhằm chờ đợi tín hiệu tích cực hơn.