Khác biệt không phải lúc nào cũng tốt

Văn bản chỉ đạo Huấn luyện viên (HLV) trưởng phải báo cáo đội hình, xin ý kiến biểu quyết của trợ lý khi thay người hay sử dụng đủ các cầu thủ ngoại... một lần nữa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong cách làm bóng đá của Câu lạc bộ (CLB) Thanh Hóa.

Muốn phát triển, CLB Thanh Hóa nên bắt đầu từ việc thay đổi cách làm bóng đá.
Muốn phát triển, CLB Thanh Hóa nên bắt đầu từ việc thay đổi cách làm bóng đá.

Cách làm không giống ai

Một tháng sau thông báo xin dừng tham gia V-League 2020, CLB Thanh Hóa của ông bầu Nguyễn Văn Ðệ lại "chơi trội". Giữa tháng 9, đội bóng xứ Thanh có văn bản chỉ đạo gửi đến đội ngũ làm chuyên môn, trong đó yêu cầu HLV phải báo cáo đội hình chính và dự bị lên ban lãnh đạo CLB, tung ra sân ba cầu thủ ngoại và một cầu thủ nhập tịch ở tất cả các trận (trừ lý do bất khả kháng như "treo giò", chấn thương), phải có đủ ý kiến đồng ý của hơn 50% số trợ lý trong ban huấn luyện mới được quyết định thay người.

Không cần làm trong ban huấn luyện của bất kỳ đội bóng nào hay phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, giới mộ điệu cũng thấy được yêu cầu của lãnh đạo CLB Thanh Hóa không phù hợp với bóng đá hiện đại. Ðơn cử như lệnh sử dụng cầu thủ ngoại, nhập tịch trong tất cả các trận đã can thiệp "thô bạo" vào thẩm quyền chuyên môn của HLV trưởng.

Chỉ ban huấn luyện mới nắm rõ trình độ, năng lực cũng như điểm rơi phong độ của từng cá nhân. Việc đòi hỏi phải cho chân sút này ra sân, cầu thủ kia ngồi ngoài vô hình trung đã làm thay phần việc của họ. Hay đề xuất thay người phải có đủ 50% số ý kiến đồng ý từ các trợ lý chỉ làm đậm thêm sự chồng chéo, thiếu chuyên nghiệp.

Theo HLV Nguyễn Ðức Thắng, người cũng từng làm việc dưới quyền bầu Ðệ, các tình huống trong bóng đá diễn ra rất nhanh, không thể nào HLV chờ đợi ban huấn luyện hội ý xong. "Ðôi khi đó là ý tưởng bất chợt của HLV. Họ phải đưa ra ý tưởng rất nhanh, quyết đoán, chứ bắt đợi bàn luận hay đợi ý kiến thì không khác nào thiếu niềm tin vào chuyên môn HLV trưởng", ông Thắng phân tích.

Bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu phân chia nhiệm vụ rõ ràng. Lãnh đạo đội bóng lo công tác quản lý, đối ngoại, tài chính, còn đội ngũ huấn luyện cần được toàn quyền quyết định những vấn đề chuyên môn. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh (người cũng từng làm HLV trưởng Ðội tuyển quốc gia) khẳng định: Bản thân cũng chỉ tham vấn và trao đổi với HLV chứ không bao giờ can thiệp, bởi "mình từng là HLV, nên hiểu bị can thiệp từ bên ngoài khó chịu thế nào".

Bầu Ðệ và lãnh đạo CLB Thanh Hóa cho rằng nhiều HLV Việt Nam hiện tại chưa qua trường lớp đào tạo bài bản và cách làm bóng đá kiểu "dân chủ" sẽ hạn chế sự chuyên quyền, độc đoán. Tuy nhiên, bóng đá chuyên nghiệp không có chuyện "cào bằng" về chuyên môn. Sự tham vấn là cần thiết, song những người cầm sa bàn chiến thuật cần có tiếng nói quan trọng nhất, khi họ chính là người chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đội bóng và khán giả.

Không nhận được sự tin tưởng để toàn quyền hành động, HLV khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Hơn một năm qua, bầu Ðệ đã có tới năm lần "lấn sân" HLV. Nếu không thay đổi cách làm bóng đá, CLB Thanh Hóa sẽ còn gặp trắc trở.

Ðừng đi ngược xu thế

Không phải lúc nào việc đi ngược đám đông cũng là hay, nhất là khi tư duy độc nhất ấy lạc lối hoàn toàn với bóng đá chuyên nghiệp. Chuyện CLB Thanh Hóa đòi nghỉ V-League rồi lại… xin rút văn bản cũng vậy. Ðiều đó thể hiện, đối với đội bóng này, chuyện ra sân thi đấu cũng chẳng có gì quá quan trọng.

Nói đi ngược xu thế, bởi thay vì thi đấu lấy thành tích, bán vé để xoay xở tồn tại và phát triển, một vài CLB tại V-League lại không chú trọng đến những nhiệm vụ cốt lõi ấy. Họ chỉ trông chờ vào khoản tiền cứng từ ngân sách tỉnh, nhà tài trợ để duy trì hoạt động hằng năm. Tiền bản quyền truyền hình, tiền thưởng nhận được, thực tế, không thấm vào đâu so với chi phí bỏ ra mỗi mùa. Giải càng kéo dài, CLB càng mất thêm nhiều khoản như tiền lương, tiền chuyển nhượng, tiền tổ chức thi đấu… mà không tìm được nguồn thu bù lại.

Ðây là dư âm của cách làm bóng đá bao cấp trước đây - tư duy cũ kỹ khiến nhiều CLB đánh mất khả năng tự hạch toán, cân đối thu chi. Hiện tại, vẫn còn chưa nhiều đội bóng ở V-League có thể "sống khỏe" nhờ bóng đá thuần túy. Và khi thành tích trên sân không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu, các CLB "an phận" cũng khó có động lực ra sân thi đấu. Họ sẵn sàng chọn những giải pháp đơn giản nhất, đơn giản đến thụ động.

Éo le thay, thời điểm này cũng là lúc cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn cùng chung sức đưa V-League cán đích. Bóng đá Việt Nam đang dần cải thiện chất lượng cũng như hình ảnh, với những trận đấu đầy ắp khán giả; trong khi các đội tuyển quốc gia nỗ lực gặt hái thêm nhiều chiến công chói lọi. Vậy mà, vẫn còn những vết gợn…

HỒNG NAM