Chuyện “trảm” tướng ở V-League

Việc một câu lạc bộ (CLB) thay Huấn luyện viên (HLV) trưởng là chuyện rất bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp. Thế nhưng, “lò xay” HLV ở V-League lại là câu chuyện, mà những sự hỉ, nộ, ái, ố trong đó, phản ánh đúng sân khấu bốn mặt của bóng đá Việt.

Chuyện “trảm” tướng ở V-League

Khi ông bầu cầm sa bàn

Sau ba vòng liên tiếp nhận thất bại, HLV Fabio Lopez đã bị ban lãnh đạo CLB Thanh Hóa cho từ chức. Trước khi nói lời chia tay với vị HLV ngoại này, toàn đội đã có cuộc họp kín mà không có sự tham gia của HLV trưởng, và 100% bỏ phiếu đồng ý chấm dứt hợp đồng với ông Fabio Lopez.

Trong sự nghiệp cầm quân của mình, vị HLV người Italia chưa bao giờ phải ra đi tủi hổ như vậy. Càng đáng nói hơn khi rất nhiều lần HLV Fabio Lopez bày tỏ sự bức xúc vì tuy là thuyền trưởng, nhưng lại luôn bị ông chủ đội bóng, tức bầu Đệ, can thiệp vào chuyên môn.

“Tôi sẽ không bao giờ huấn luyện một đội bóng theo ý tưởng của người khác, và cũng không cho phép ai can thiệp vào công việc của mình”, vị chiến lược gia người Italia chua chát bày tỏ.

Có một thực tế, hầu như HLV nào đến Thanh Hóa, sau khi chia tay cũng nhắc tới bầu Đệ. Là ông chủ đội bóng, nhưng bầu Đệ luôn có mặt ở cabin cùng Ban huấn luyện, có những can thiệp về chuyên môn, đụng chạm đến quyền hạn của HLV. Thậm chí bầu Đệ sẵn sàng cầm sa bàn để chỉ đạo chiến thuật.

Theo thống kê, chỉ sau một năm trở lại với bóng đá, bầu Đệ đã sa thải tới bốn HLV trưởng. Thay vì quản lý CLB Thanh Hóa như một vị chủ tịch thông thường, bầu Đệ lại thích thú hơn với vai trò cầm quân, đến nỗi một số tờ báo châu Á cũng phải mỉa mai: “Hài hước: Chủ tịch CLB Việt Nam can thiệp vào công tác chuyên môn của HLV”.

Ấy vậy nhưng, chuyện ông bầu đóng vai thuyền trưởng lại không hiếm ở đấu trường quốc nội. Ngay hồi đầu mùa giải, HLV Hoàng Văn Phúc trở thành người đầu tiên bị sa thải. Người lên thay, rất bất ngờ, là… Chủ tịch CLB Vũ Tiến Thành. Đến giờ, ông Thành vẫn kiêm cả ghế Chủ tịch và HLV trưởng CLB Sài Gòn.

Ở CLB Hoàng Anh Gia Lai, bao năm qua, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng đoàn bóng đá Nguyễn Tấn Anh luôn ngồi ghế đầu trong khu kỹ thuật và có tiếng nói quyết định. May cho đội bóng này là ông Tấn Anh không hành động “lộ liễu” như bầu Đệ hay bầu Thành, nên ít khi xảy ra chuyện.

Với những chiến lược gia được đào tạo bài bản, tự trọng nghề nghiệp cao, việc bị “lấn sân” là sự xúc phạm rất lớn. Vì thế, hầu như cứ mỗi khi có ông bầu nào nổi hứng muốn được cầm sa bàn, là lại có một HLV trưởng phải ra đi.

Thay tướng vì muốn… đổi vận

Ở Nam Định, ngay cả các cổ động viên nhiều khi cũng không biết ông Nguyễn Văn Sỹ có chức danh chính xác là gì ở đội bóng. Trong nhiều năm qua, ông Sỹ lúc thì làm HLV trưởng, lúc thì Giám đốc kỹ thuật, có khi lại làm cả… trợ lý. Thực tế, HLV Văn Sỹ vẫn là người được đánh giá cao về chuyên môn, tuy nhiên cứ khi nào đội bóng có thành tích kém, là lại bị mất chức.

Mùa trước, HLV Nguyễn Văn Sỹ cũng nhường quyền chỉ đạo trên danh nghĩa cho anh trai Nguyễn Văn Dũng. Trước vòng bảy V-League mùa này, Nam Định tiếp tục thông báo HLV trưởng mới của đội bóng là trợ lý Phạm Hồng Phú. Đội bóng thành Nam thường đưa ra những thay đổi mỗi khi gặp khó khăn, theo kiểu để “lấy may”.

Một số đội bóng như Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Nam… cũng hay có chiêu thay HLV trưởng để tìm vận may. Thậm chí Bình Dương còn thay HLV ngay trước khi giải đấu diễn ra để lấy may cho cả mùa giải.

Bệnh thành tích và cuộc đua ngày càng khốc liệt

Tối 29-6, ngay sau trận thua 0-3 trước CLB Viettel, Chủ tịch CLB Quảng Nam, ông Nguyễn Húp, thông báo HLV Vũ Hồng Việt đã bị sa thải. Thành tích của Quảng Nam mùa này chưa tới mức tệ, và điều đáng nói ông Hồng Việt chính là người đã tới “giải cứu” đội bóng đất Quảng mùa trước, giúp cựu vương V-League thoát khỏi cảnh xuống hạng, thậm chí còn vào tới trận chung kết cúp Quốc gia.

Tuy nhiên, bóng đá chuyên nghiệp không có chuyện ân tình, mà chỉ có kết quả mới bảo đảm cho chiếc ghế của các HLV. Kể cả người lên thay ông Việt là HLV Đào Quang Hùng cũng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào.

HLV Vũ Hồng Việt là trường hợp mất chức thứ năm ở mùa giải năm nay. Trong 5 năm trở lại đây, V-League 2020 là giải đấu “xay” HLV nhiều nhất, khi mới trôi qua bảy vòng đấu nhưng đã có tới gần một nửa số đội thay HLV trưởng.

Ngay cả với những HLV kỳ cựu như Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng), Phan Thanh Hùng (Than Quảng Ninh), hay HLV Lee Tae Hoon (Hoàng Anh Gia Lai) rất được bầu Đức yêu quý, cũng đang nằm trong nhóm có nguy cơ mất việc nếu không giúp đội bóng cải thiện thành tích. Còn có một nguyên nhân khác là, V-League 2020 lần đầu tiên đổi thể thức thi đấu khiến cho cuộc đua khốc liệt hơn rất nhiều khi các đội phải nằm trong top đầu mới có cơ hội tranh ngôi vô địch, còn nếu nằm ở top cuối thì chỉ còn xác định trụ hạng, chơi cho có ở giai đoạn hai.

Chính căn bệnh thành tích khiến các ông bầu muốn dùng tướng theo kiểu ăn xổi, không chấp nhận khi đội bóng thua, dù thừa hiểu có quá nhiều yếu tố dẫn đến kết quả kém.