Chúng ta đang đi đúng hướng

Huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier, người phát hiện và chắp cánh cho hàng loạt tài năng trẻ, đã có những trao đổi với Nhân Dân cuối tuần về dự án đào tạo cầu thủ khi dẫn dắt Ðội tuyển (ÐT) U19 Việt Nam, hướng tới mục tiêu tham dự Olympic 2024 và đặc biệt là World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier và các học trò tập luyện chuẩn bị cho vòng chung kết U19 châu Á 2020.
HLV Philippe Troussier và các học trò tập luyện chuẩn bị cho vòng chung kết U19 châu Á 2020.

- Xin chào ông. Ông có thể chia sẻ về những triết lý bóng đá của mình trong việc phát triển các cầu thủ trẻ?

- Mỗi cầu thủ tới Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF đều sở hữu tiềm năng riêng biệt. Nhiệm vụ của trung tâm là chú trọng phát triển thể chất, tố chất kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý, sự tương tác giữa cầu thủ với nhau và xã hội từ những năm đầu (10 tuổi) đến giai đoạn trưởng thành (18 tuổi). Không chỉ tập trung phát triển chuyên môn, mỗi cá nhân cuối cùng phải trở thành người tự lập có khả năng đưa ra quyết định quan trọng trong tương lai.

Tiếp đó, trên cương vị HLV U19 tôi có trách nhiệm kết hợp những gương mặt tiềm năng để họ thi đấu như một tập thể thống nhất, có thể chơi bóng ăn ý, hỗ trợ nhất quán từ khâu tiến công tới phòng ngự, cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng và cả những nỗi buồn khi thua trận.

- Ông đánh giá thế nào về các cầu thủ trẻ Việt Nam? Họ cần phải cải thiện những gì trong quãng thời gian tới ?

- Chúng ta đánh giá kết quả và màn thể hiện của các cầu thủ qua từng trận đấu, những chiến thắng và thất bại. Ðiển hình như việc vượt qua vòng loại để tham dự vòng chung kết U19 châu Á đã chứng tỏ: Ðội bóng đang phát triển đúng hướng.

Mặc dù vậy, cách các cầu thủ chiến đấu, thái độ thi đấu đúng đắn của từng cá nhân, việc đưa ra những quyết định, những pha xử lý với bóng hiệu quả... được đề cao hơn cả. Ðể chiến thắng, chúng ta phải học cách chơi bóng với tinh thần chiến đấu, tính tổ chức kỷ luật, chiến thuật cũng như sự giao tiếp và kết nối giữa những cá nhân.

Với thực tế gần nhất sau thời gian dẫn dắt ÐT U19 Nhật Bản, cầu thủ Việt sở hữu tiềm năng tương đồng nhưng có xu hướng bộc lộ cá tính rõ rệt hơn, chơi bóng có phần "rắn" hơn. Hiện tại, tất cả đều tiếp nhận rất tốt những kiến thức tôi truyền đạt.

Ở PVF, chúng tôi ứng dụng rất nhiều phương pháp khoa học để đánh giá chất lượng cũng như thúc đẩy sự tiến bộ của cầu thủ. Mỗi cầu thủ là một cỗ máy độc nhất, với tiềm năng phát triển riêng (tốc độ, kỹ thuật…), các công cụ sẽ đưa ra được lộ trình phù hợp nhất với mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, muốn các công cụ hỗ trợ một cách toàn diện, các em cần có thêm nhiều cơ hội chơi bóng thường xuyên hơn nữa. Với chỉ 15 gương mặt U19 đang được ra sân thi đấu tại Giải hạng Nhì (chiếm 40%), tôi muốn tỷ lệ này được nâng lên 90% trong thời gian tới, ở tất cả các giải đấu, kể cả V-League. Nếu các em có thể chơi bóng đều đặn mỗi cuối tuần trong liên tiếp sáu tháng, những tài năng đích thực sẽ có cơ hội tỏa sáng.

- Sau những trường hợp xuất ngoại không thành công, điều gì khiến cho có sự khác biệt giữa các cầu thủ Việt Nam so các nước lớn trên thế giới?

- Vấn đề này xuất phát từ việc các HLV và đội bóng lớn chưa tin tưởng cũng như chưa đánh giá cao những lợi ích cầu thủ Việt Nam có thể mang tới. Những tài năng trẻ ở PVF có xuất phát điểm không hề thua kém những người đồng nghiệp trên thế giới, dù ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu.

Dù sở hữu tố chất và tiềm năng tương đồng ở thời điểm 10 tuổi, cần phải nhìn nhận thực tế rằng các cầu thủ Việt Nam chỉ được chơi bóng từ một tới hai tháng mỗi năm rồi để trống lịch trong suốt 10 tháng. Ngược lại, các cầu thủ châu Âu được thi đấu và cọ xát nhiều hơn, đều đặn 30-40 trận/năm. Ðương nhiên quá trình này tạo nên nhiều sự khác biệt và bứt phá lớn từ thể chất, sự tự tin, kinh nghiệm thi đấu…

- Vậy, Việt Nam có cần đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn về chương trình huấn luyện để theo kịp trình độ của các cường quốc bóng đá trên thế giới?

- Tôi khẳng định chìa khóa thành công của Việt Nam không phải ở việc cố gắng đầu tư mạnh hơn về huấn luyện kỹ thuật. Bởi như kinh nghiệm của tôi, PVF xứng đáng nằm trong nhóm những trung tâm đào tạo trẻ đạt chuẩn thế giới về cơ sở vật chất, dịch vụ, tiêu chí cũng như chương trình huấn luyện... Ðiều khiến lứa cầu thủ trẻ tụt hậu nằm ở chỗ có quá ít trận đấu, sự thiếu thốn về cơ hội cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Khi các cầu thủ không tin tưởng trình độ bản thân, tôi phải chứng minh rằng họ đang đi đúng hướng và phải tự tin vào khả năng của mình.

Chúng ta nên chờ đợi và kiên nhẫn thêm chút nữa. Cách nhanh nhất để thế giới nhận ra và biết đến Việt Nam trên bản đồ bóng đá đó là việc Ðội tuyển quốc gia lọt vào nhóm bốn đội mạnh nhất châu Á, hay rõ ràng nhất là giành quyền tham dự sân chơi World Cup.

Ðào tạo cầu thủ trẻ là một quá trình dài. Kinh nghiệm thực tế khi tôi làm việc ở Nhật Bản trong quá khứ cho thấy họ cũng không khác gì Việt Nam bây giờ. Chính cách Nhật Bản chiến đấu ở các kỳ World Cup đã khiến châu Âu có cái nhìn khác về khả năng của họ. Sau khoảng thời gian ấy, tôi đã có được câu trả lời rõ ràng về đường hướng phát triển, và tôi ở đây để thuyết phục Việt Nam về tương lai tươi sáng sắp tới.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Minh Phú (Thực hiện)