“Bóng ma” lẩn khuất

Chỉ trong hai năm, chúng ta đã có tới bốn lực sĩ từng giành huy chương vàng (HCV) thế giới bị phát hiện dương tính với chất cấm. Bên cạnh những án phạt với mỗi vận động viên (VÐV), nguy cơ cử tạ nước nhà bị “đóng cửa” hoàn toàn ở các giải đấu lớn và hình ảnh thể thao Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, mới là vấn đề đáng quan tâm.

Các vụ việc dương tính với doping khiến cử tạ Việt Nam có nguy cơ bị cấm tham dự Olympic.
Các vụ việc dương tính với doping khiến cử tạ Việt Nam có nguy cơ bị cấm tham dự Olympic.

Thiệt đơn, thiệt kép

Mới đây, Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) đã đưa ra án phạt cấm thi đấu bốn năm với hai VÐV Việt Nam. Ðó là Nguyễn Thị Thu Trang (17 tuổi), từng giành HCV ở hạng cân 45kg và Bùi Ðình Sáng với HCV hạng cân 61 kg ở Giải vô địch trẻ thế giới 2019 diễn ra tại Mỹ. Cả hai đã bị dính doping trong các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên. Trước đó, hai lực sĩ hàng đầu Việt Nam, từng giành nhiều huy chương ở đấu trường quốc tế là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh cũng bị cấm thi đấu do dương tính chất cấm.

Như vậy, trong hai năm qua, bốn lực sĩ tài năng đã nhận án “treo giò”, đi kèm hệ lụy cử tạ Việt Nam đối diện nguy cơ cao bị cấm tham dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) vào năm tới. Theo quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ ba lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Thế vận hội, bắt đầu từ tháng 11-2018, đều có thể bị loại khỏi cuộc chơi.

Nếu kịch bản tồi tệ ấy xảy ra, đây sẽ là một nỗi đau lớn với cử tạ nước nhà. Bộ môn này luôn là mũi nhọn, là niềm hy vọng tranh huy chương trên đấu trường quốc tế. Hiện tại, ở hạng cân 59kg, theo bảng xếp hạng IWF, đô cử Hoàng Thị Duyên đã tích lũy được 3.350 điểm, xếp thứ bảy, cầm chắc vé tới Tokyo. Trong khi đó, tại hạng cân 61kg nam, Thạch Kim Tuấn tích lũy được 3.765 điểm và đứng thứ năm, cũng chỉ chờ ngày khai mạc Olympic.

Cả hai VÐV trên được đánh giá hoàn toàn có cửa cạnh tranh ít nhất tấm huy chương đồng ở Olympic 2021, nhưng tất cả những nỗ lực đó đều có thể bị đổ xuống sông, xuống biển. Giờ họ cũng chẳng còn tâm trạng để tập luyện, thay vào đó là nỗi lo như ngồi trên đống lửa trước nguy cơ nhận lệnh cấm của IWF.

Thống kê đáng báo động

Tính đến hai trường hợp mới nhất, môn cử tạ có tới sáu VÐV đã bị cấm thi đấu vì doping, còn nếu tính tổng các môn thì Việt Nam có tới 16 trường hợp bị phát hiện sử dụng chất cấm trong 17 năm qua. Ðây thật sự là một thống kê báo động với ngành thể thao.

Tháng 4-2020, IWF thậm chí đã thông báo đưa bảy đô cử Việt Nam vào danh sách “giám sát đặc biệt”. Họ có thể bị kiểm tra doping bất cứ thời điểm nào, theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó bắt buộc phải kiểm tra nước tiểu, thậm chí lấy mẫu máu để xét nghiệm. Ðây là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Ông Ðỗ Ðình Kháng - Phó Vụ trưởng Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục - Thể thao) kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cho biết, hiện Tổng cục cũng như Liên đoàn vẫn chưa có hành lang pháp lý để xử lý kỷ luật các VÐV, huấn luyện viên (HLV), địa phương để xảy ra tình trạng sử dụng chất cấm.

Ðiều này cũng có nghĩa, các HLV, VÐV lâu nay vẫn xem nhẹ vấn đề doping, vốn kiến thức về phòng, chống vi phạm còn rất sơ sài. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng y học thể thao thuộc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, phần lớn các VÐV Việt Nam khi phát hiện dương tính với chất cấm, đều bị sốc, có người không hiểu vì sao lại “dính”. Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và nguy hiểm hơn là sự thiếu chuyên nghiệp từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống hằng ngày.

Vài năm trước, ngành thể thao đã ý thức được sự nguy hiểm đến từ việc sử dụng doping nên đã lên kế hoạch xây dựng Trung tâm kiểm tra doping và y học thể thao. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên trung tâm này hoạt động rất hạn chế. Vì thế, khi các VÐV Việt Nam ra nước ngoài thi đấu rất lo ngại dính sự cố chất cấm, khi bị kiểm tra ngẫu nhiên.

Ông Ðỗ Ðình Kháng trăn trở, với riêng môn cử tạ, gần như toàn bộ các giải thể thao trong nước đều không được kiểm tra doping thì việc quản lý là quá khó. Không thể kiểm tra định kỳ, chúng ta vẫn phải trông chờ vào ý thức của VÐV là chính. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phần lớn các VÐV Việt Nam đều rất thiếu hiểu biết về chất cấm, không biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị dính doping bất cứ lúc nào từ khâu ăn uống, dùng thuốc bổ... Dĩ nhiên, khó có thể trách các nhà quản lý, các HLV, bởi họ không phải lúc nào cũng có thể kè kè bên cạnh VÐV xem họ uống gì, ăn gì.

Việt Nam đang thiếu các cơ sở chuyên môn để có thể kiểm tra doping thường xuyên cho các VÐV, đặc biệt là những VÐV trọng điểm, thường xuyên thi đấu quốc tế (vẫn phải gửi mẫu ra nước ngoài xét nghiệm với chi phí cao). Chúng ta cũng không có chế tài xử phạt với những người bị dính chất cấm, và lo lắng hơn cả là công tác giáo dục ý thức của các VÐV vẫn bị xem nhẹ. Nói cách khác, thể thao nước nhà đến giờ vẫn hoàn toàn bị động trước vấn đề doping. Ðây là “bóng ma” lẩn khuất đe dọa xóa sạch những nỗ lực vươn tầm của thể thao chuyên nghiệp.