Bản lĩnh của những “vị vua” sân cỏ

Phải mất ít nhất bảy năm để một trọng tài có thể tham dự sân chơi V-League và không phải ai cũng đủ phẩm chất, đam mê để vượt qua sức ép của nghề “làm dâu trăm họ”.

Trọng tài luôn chịu rất nhiều sức ép khi cầm còi trên sân.
Trọng tài luôn chịu rất nhiều sức ép khi cầm còi trên sân.

Sức ép nghề cầm còi

Phút 90 trận đấu giữa TP Hồ Chí Minh I và Phong Phú Hà Nam, khi tỷ số đang hòa một đều, trọng tài nữ Trần Thị Thanh đã chỉ tay vào chấm phạt đền sau tác động của cầu thủ Hà Nam khiến đối phương bị ngã trong vòng cấm. Quyết định này khiến toàn đội Phong Phú Hà Nam bỏ ra ngoài để phản đối. Mặc dù vậy, khi xem lại băng ghi hình, nhiều chuyên gia đã ủng hộ quyết định dũng cảm ấy.

“Không phải ai trong những phút giây căng thẳng cuối trận cũng dám thổi phạt đền. Thanh phải rất bản lĩnh mới có thể đưa ra quyết định như vậy. Theo dõi trọng tài trẻ này từ lâu, tôi thấy em đã có những sự tiến bộ rõ rệt”, giám sát trọng tài Ðoàn Phú Tấn nhận định.

Trở lại với Trần Thị Thanh, cô gái người Huế theo nghiệp cầm còi đã ngót nghét ba năm. Tốt nghiệp Trường đại học Thể dục - Thể thao chuyên ngành bóng đá, Thanh vượt qua nhiều gương mặt ưu tú để trở thành trọng tài chính của môn thể thao “vua”. Thanh được thử sức ở những giải đấu ít danh tiếng và không có nhiều sức ép như U15, U16, U17. Sau đó, độ khó cũng được nâng tầm từ U18, U19, U21 tới Giải vô địch quốc gia nữ.

Khi được đánh giá đủ phẩm chất và trải qua kỳ sát hạch, kiểm tra trọng tài, những cá nhân xuất sắc sẽ được tham gia bắt chính ở các giải bóng đá quan trọng hơn như giải hạng Nhất hay một số trận đấu cúp. Cuối cùng sẽ là sân chơi V-League và xa hơn là một số giải đấu ở tầm vóc châu lục.

Mỗi cấp bậc, trọng tài trẻ trung bình sẽ trải qua khoảng hai năm đào tạo. Như vậy, để có được một “vị vua” sân cỏ tham dự giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam cũng mất từ bảy đến tám năm. Nhưng không phải ai cũng đủ phẩm chất, đam mê để đi đến “cuối con đường”. Nhiều cá nhân cầm còi ở giải hạng Nhất tới bảy năm vẫn chưa thể thăng hạng lên V-League vì không đủ thể lực, không thể vượt qua những bài kiểm tra đầu mùa.

“Ráo mồ hôi là hết tiền”

Mỗi năm, các trọng tài có chuyên môn cao sẽ được điều động đi tập huấn nhiều hơn, tham dự nhiều giải đấu hơn. Tuy nhiên, những người làm nghề vẫn nói vui rằng cầm còi không chỉ “nay đây mai đó” mà còn bấp bênh tới mức “đến hẹn mới lại được gọi lên”. 

Sức ép về chuyên môn, rồi chuyện cơm áo gạo tiền hay cả những mối quan hệ phức tạp trong bóng đá… luôn đè nặng khiến không ít người phải bỏ dở sự nghiệp. Họ chọn những con đường khác với thu nhập ổn định và ít căng thẳng hơn.

Các “vị vua” sân cỏ sau khi tham dự các giải đấu vẫn phải tập luyện, duy trì nền tảng thể lực để có thể trở lại sân bóng ở những mùa tiếp theo. “Khoảng thời gian này, phần lớn bọn em đi bắt “phủi” (các giải phong trào) để kiếm tiền hoặc đi dạy ở các trung tâm bóng đá cộng đồng để có thu nhập. Chứ đi xin việc ai người ta chấp nhận nhân viên cứ dăm tháng lại đi biệt tích hơn chục ngày đâu”, một trọng tài trẻ chia sẻ.

Không những vậy, trọng tài còn gặp nhiều sức ép khi cầm còi trên sân. Từ việc tập luyện cách di chuyển để có được góc quan sát thuận lợi nhất cho tới việc đưa ra phán đoán quyết định chính xác bỏ qua những tiểu xảo của cầu thủ hay những tiếng la ó từ ban huấn luyện hay các cổ động viên trên khán đài. Ðể cầm còi trọn vẹn 90 phút thi đấu, mỗi người phải có tinh thần thép với một cái đầu lạnh.

“Nhiều khi pha bóng đó cả trọng tài biên lẫn trọng tài chính đều không nhìn thấy để thổi phạt. Trên sân, ban huấn luyện hay cầu thủ nào cũng muốn gây sức ép để trọng tài thổi có lợi cho họ nên nhiều khi em cũng muốn mọi người hiểu luật, đánh giá khách quan để thông cảm với nghề trọng tài”, nữ trọng tài Trần Thị Thanh chia sẻ.

Dẫu biết nghề “làm dâu trăm họ” chẳng dễ dàng gì, nhưng một khi đã chọn và yêu nghiệp trọng tài, họ sẵn sàng đánh đổi và chấp nhận thử thách. Như Thanh nhận định: “Học thể thao tốt nghiệp rất khó để có một công việc ổn định. Thời gian trôi qua, cảm giác giống như nghề chọn người vậy. Dù có nhiều khó khăn đấy, khi đã quyết tâm theo đuổi thì bản thân mình cũng dần yêu, đam mê đến nỗi chẳng thể nào dứt ra được”.