Bài toán nan giải cho bóng đá

Nhiều đội bóng đã kiến nghị dừng giải đấu và trao cúp luôn cho câu lạc bộ (CLB) đang dẫn đầu trong bối cảnh cả V-League và giải hạng nhất vẫn tạm thời “đóng băng” trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Liệu V-League có dừng lại?
Liệu V-League có dừng lại?

Rủ nhau… nghỉ chơi
 
 Ngay sau khi TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, hai giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là hạng nhất và V-League cũng đồng loạt dừng lại. Đây là lần thứ hai, bóng đá nước nhà bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải cân nhắc các phương án với sự thận trọng cao nhất.
 
 Giữa lúc đó, bốn đội bóng là Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Dược Nam Hà Nam Định và Quảng Nam đã gửi công văn hoặc đưa ra ý kiến về việc dừng hẳn giải đấu. Thậm chí, theo kiến nghị của các CLB này, VPF nên… trao luôn cúp vô địch cho đội đang dẫn đầu là Sài Gòn FC, đồng thời giải năm nay sẽ không có đội xuống hạng, cũng như nên bổ sung hai đội từ giải hạng nhất cho mùa tới.
 
 Quan điểm chung của các CLB này là dịch không biết bao giờ mới được khống chế và nếu kéo dài như vậy sẽ tạo gánh nặng về tài chính khi CLB vẫn phải trả lương cho cầu thủ. Bên cạnh đó, một số giải đấu trên thế giới đã dừng lại vì dịch Covid-19, sau đó trao chức vô địch cho đội đứng đầu. V-League 2020 tiếp tục sẽ gây ảnh hưởng tới công tác chống dịch, cộng thêm yếu tố chất lượng giải đấu giảm sút cũng tác động tới tâm lý cầu thủ, người hâm mộ...
 
 Cả bốn đội bóng đang thuộc nhóm có nguy cơ xuống hạng trên đều có cái lý của mình. Tuy nhiên, họ không đại diện cho số đông.
 
 Cần chủ động, linh hoạt
 
 Bóng đá nói riêng và đời sống xã hội cả đất nước vừa trải qua khoảng thời gian khó khăn trước khi bước vào trạng thái “bình thường mới” trong suốt 99 ngày. Những diễn biến mới của dịch bệnh đang đặt ra bài toán khó cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và mỗi người dân. Lúc này, chủ động và linh hoạt thích ứng có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc hoạch định kế hoạch hoạt động của mỗi lĩnh vực, kể cả bóng đá.
 
 Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ: “Các bạn đã thấy, trong khi cả thế giới vẫn đang chiến đấu với dịch Covid-19 thì bóng đá Việt Nam đã trở lại từ cuối tháng 5. Những sân đấu chật kín khán giả, các trận cầu có chất lượng chuyên môn cao với nhiều bàn thắng đẹp chính là sự động viên và là nguồn cảm hứng không chỉ với bộ môn thể thao này”.
 
 Nếu ngay lập tức hủy V-League, bóng đá Việt Nam sẽ gặp khó trong việc kêu gọi tài trợ khi trở lại. Chưa kể, những giải đấu quốc nội chính là nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng cho Đội tuyển quốc gia. Việc kết thúc sớm giải đấu có thể gây nên hệ lụy với đội tuyển Việt Nam trong việc chuẩn bị cho các giải đấu lớn vào cuối năm, hoặc đầu năm sau.
 
 Trước mắt, VFF và VPF đã từ chối đề xuất dừng giải, đồng thời khẳng định sẽ quyết tâm tổ chức V-League đến những vòng đấu cuối cùng. Giải đấu số một quốc nội chỉ dừng trong điều kiện bất khả kháng và các cơ quan có thẩm quyền không cho phép.
 
 Chủ tịch CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa chia sẻ, kể từ ngày TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ các thành viên đã tập trung lại, không về với gia đình và không tiếp xúc người lạ. Đội bóng thực hiện lệnh giới nghiêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức hằng ngày vẫn yêu cầu các học trò phải tập luyện chăm chỉ nhằm duy trì sức khỏe và phong độ, sẵn sàng cho ngày trở lại.
 
 Trong khi đó, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú khẳng định, sau 14 ngày tự cách ly, CLB Đà Nẵng sẽ được chuyển tới một địa phương khác và nếu thi đấu sẽ được xếp đá trên sân trung lập.