Nguyễn Đức Tuân

“Tôi chỉ là người tí hon”

Giành chiến thắng ấn tượng trong trận Chung kết đơn nam Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 38 - 2020 tranh cúp PetroVietnam - Đạm Cà Mau, lần đầu tiên Nguyễn Đức Tuân ghi tên mình vào bảng vàng. Có bước tiến rất nhanh và được giới chuyên môn đánh giá sẽ là trụ cột ở đội tuyển trong tương lai gần, nhưng cây vợt người Hải Dương thừa nhận mình còn quá nhỏ bé so với các đàn anh. Đây chính là động lực để chàng trai sinh năm 1997 đặt quyết tâm vươn tầm, hướng tới tấm HCV SEA Games 2021 tổ chức trên sân nhà.

“Tôi chỉ là người tí hon”

Không nghĩ sẽ giành HCV

Người hâm mộ đã được chứng kiến một trận chung kết nảy lửa, hấp dẫn, kịch tính đến những phút cuối cùng tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 38 vừa qua. Đặt lên bàn cân, Đức Tuân chưa thể so với nhà vô địch SEA Games Nguyễn Anh Tú, người đã thắng Tuân trong trận Chung kết năm 2018. Vì thế đây có phải là một chiến thắng bất ngờ, một cuộc phục thù ngọt ngào?

Tôi thật sự không nghĩ mình lại giành HCV, bởi trước khi bước vào trận chung kết tôi tự đánh giá cơ hội chiến thắng chỉ khoảng 30%. Tôi cũng không có chiến thuật gì lạ, chủ yếu chơi phòng ngự phản công với những pha điều bóng ngắn, bóng dài trên khắp mặt bàn.

Tôi và anh Tú đã quá quen thuộc với nhau trong nhiều giải đấu. Ở trận chung kết trước, tôi thua khá chênh lệch, còn lần này tôi vào trận với sự tự tin và thoải mái hơn. Tôi nghĩ mình vào chung kết cũng là hay lắm rồi nên không đặt nặng vấn đề thắng thua, mà chỉ cố gắng vận dụng hết những gì đã tập luyện, từ kinh nghiệm của các thầy, các anh, qua các trận đấu trước.

Trong hành trình lên ngôi vô địch, đâu là bước ngoặt quan trọng với anh?

Đây là giải đấu quan trọng nhất trong năm nên các VĐV đều có sự chuẩn bị kỹ. Ở bán kết, trong trận gặp đối thủ Lê Đình Đức của Hà Nội T&T, cả hai bước vào trận thứ bảy, được xem set đấu chung kết. Đình Đức dẫn tới 6/1 nhưng tôi đã có cuộc “lội ngược dòng” để thắng chung cuộc. Trận thắng này đã giúp tôi có thêm nhiều sự tự tin.

Sau khi được vinh danh, ai là người Tuân muốn chia sẻ đầu tiên?

Thật ra ngay sau khi giành HCV, vợ tôi là người đầu tiên gọi điện chúc mừng, báo cho tôi biết cả gia đình luôn cổ vũ tôi trên sóng truyền hình trực tiếp và rất vui khi chồng, con của mình đăng quang thuyết phục.

Tôi mới tổ chức đám cưới hồi tháng 5, nhưng sau đó đã phải lao vào tập luyện để chuẩn bị cho giải này nên chưa có nhiều thời gian dành cho vợ. Vợ tôi ban đầu không biết gì về bóng bàn, nhưng sau đó cũng theo dõi và ủng hộ chồng hết mình. Tấm HCV này chính là món quà dành tặng người vợ mới cưới của tôi.

Theo bóng bàn vì... đau răng

Trong làng bóng bàn Việt Nam, Nguyễn Đức Tuân là cái tên còn khá mới mẻ. Tuy nhiên sau khi đã khẳng định mình với tấm HCV giải Giải vô địch toàn quốc năm nay, nhiều người tò mò, muốn biết con đường đến với bóng bàn của anh thế nào?

Tôi theo học bóng bàn từ năm chín tuổi, khi mới vào học lớp ba. Thật ra tôi đến với bóng bàn cũng là cái duyên rất thú vị. Chẳng là tôi hay bị đau răng nên phải đi khám ở phòng nha khoa cuối phố. Khi ấy, bác Trịnh Công Sơn, chồng của bác sĩ nha khoa mà tôi theo khám, đã hỏi tôi có hứng thú với môn bóng bàn không. Ban đầu bố mẹ không muốn nhưng cũng động viên tôi thử xem sao. Dù sao thì đất Hải Dương là cái nôi của bóng bàn, nên biết chơi cũng là điều tốt.

Sau khi tập, tôi thấy mê bóng bàn liền. Bác Sơn chính là người đưa tôi đến với bóng bàn và cũng là người đầu tiên dạy tôi. Không chỉ là bóng bàn, bác dạy tôi phải là người tốt, có đạo đức. Đó mới là điều quan trọng. Trong suốt hai năm đầu, tôi chỉ học bác, sau đó được gọi vào đội tuyển của thành phố Hải Dương thì theo học thầy khác.

Đức Tuân có thần tượng trong giới bóng bàn chứ?

Tôi rất thích cây vợt Mã Long của Trung Quốc. Tôi thừa nhận mình bị ảnh hưởng rất lớn về lối đánh của Mã Long. Tôi có sở trường là những quả bên phải, không chơi phòng ngự đơn thuần mà phải có phản công. Còn trong nước, tất nhiên là Vũ Mạnh Cường rồi. Anh chính là một tượng đài không chỉ của bóng bàn Hải Dương mà còn cả của bóng bàn Việt Nam.

Hải Dương là cái nôi của bóng bàn Việt Nam, Tuân đánh giá thế nào về sự phát triển phong trào bóng bàn nơi đây?

Hải Dương đang có phong trào bóng bàn rất tốt, nhưng các địa phương khác cũng đang phát triển mạnh. Đó là lý do mà Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân vừa rồi có nhiều trận tranh tài hấp dẫn với số lượng VĐV và các đoàn tham dự đông kỷ lục.

Cơ hội HCV SEA Games 2021 chỉ 5-7%

Vậy sau khi giành tấm HCV đơn nam danh giá, mục tiêu tiếp theo của Đức Tuân là gì?

“Tôi chỉ là người tí hon” -0
Ảnh trong bài | DUY LINH 

Tôi vẫn tiếp tục tập luyện để hoàn thiện mình hơn nữa. Trước mắt, tôi sẽ quyết tâm thi đấu tốt hơn để được gọi vào đội tuyển bóng bàn Việt Nam tham dự kỳ SEA Games 2021 trên sân nhà.

Bốn năm trước Tuân cũng từng được lên tuyển tham dự SEA Games nhưng chủ yếu dự bị?

Đúng vậy, nhưng khi đó đội tuyển có các đàn anh chơi rất hay như Đinh Quang Linh, Tuấn Anh, Anh Tú... Trong trận Chung kết, Việt Nam đã có chiến thắng lịch sử trước Singapore để giành tấm HCV danh giá. Tôi còn trẻ không được ra sân nhưng đã rất tự hào vì có mặt ở thời khắc đó. Và đó chính là động lực để tôi phấn đấu. Tôi đã không đạt phong độ tốt nên không thể đổ lỗi cho điều gì khi phải ngồi dự bị. Tôi luôn nghĩ mình chỉ là một người tí hon khi so sánh với các đàn anh. Họ thi đấu đỉnh cao nhiều năm, đạt được nhiều thành tựu không chỉ giành HCV SEA Games mà còn giành vé dự Olympic.

Năm tới, Việt Nam sẽ là chủ nhà của SEA Games 31. Bắt buộc giành được HCV có phải là mục tiêu của Tuân và đồng đội?

Đối thủ lớn nhất của đội tuyển Việt Nam vẫn là Singapore, nhưng theo tôi biết đội này không còn nhập tịch VĐV Trung Quốc nữa. Có thể họ thắng quá nhiều rồi nên muốn tự thi đấu bằng các VĐV gốc Singapore. Còn mục tiêu HCV thì đương nhiên và chúng tôi phải nỗ lực hết khả năng, chơi thật phấn khởi trước khán giả nhà.

Cá nhân Đức Tuân nghĩ mình có bao nhiêu phần trăm giành HCV?

Tôi nghĩ chỉ 5-7% mà thôi.

Sao lại thấp và số lẻ như vậy?

Thật ra tôi thích số lẻ vì có vẻ những con số này luôn mang lại may mắn cho mình. Nhưng điều quan trọng là bóng bàn Việt Nam không được đầu tư mạnh như các quốc gia trong khu vực.

Tuân có thể nói rõ hơn về vấn đề này không?

Chúng tôi chỉ có một, hai giải đấu trong năm, trước SEA Games cũng chỉ được tập trung khoảng một, hai tháng. Ngay như chế độ cho các VĐV cũng rất khó khăn. Cá nhân tôi nhận mức lương chín triệu, bao gồm cả tiền ăn. Để khắc phục những vấn đề này, các VĐV thường phải tham dự thêm các giải phủi, vừa là cọ xát, vừa thêm thu nhập.

Đã có lúc nào Đức Tuân nghĩ tới chuyện bỏ bóng bàn chưa?

Tôi phải cảm ơn bố mẹ vì luôn động viên, là chỗ dựa trong những lúc tôi chán nản, định bỏ cuộc vì chấn thương, vì không có thành tích, áp lực, khổ cực... Cho đến bây giờ tôi theo bóng bàn là vì đam mê.

Xin cảm ơn Nguyễn Đức Tuân về cuộc trao đổi thú vị!

Tập thể lực mùa Covid-19

Ở đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4, Đức Tuân và các đồng đội đã phải nghỉ một tháng. Thời gian này, Tuân tích cực tập thể lực để bảo đảm phong độ, bên cạnh đó là xem các video về bóng bàn trên mạng. Còn đợt dịch Covid-19 này, nhà vô địch Giải toàn quốc 2020 cho biết anh vẫn tập luyện bình thường và luôn tuân thủ khi có chỉ đạo từ Chính phủ, thành phố Hải Dương cũng như ngành thể thao