Tiếp tục thách thức cho bóng đá Việt

Ngày hội bóng đá tại Việt Nam sau hơn hai tháng trở lại đã phải tạm hoãn bởi những diễn biến khó lường từ dịch Covid-19. Toàn bộ hoạt động bóng đá ở Việt Nam (bao gồm cả chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp) đều bị “đóng băng”. Cùng với đó, nhiều giải đấu quốc tế cũng dời sang năm sau, điều này gây ra sự xáo trộn trong kế hoạch chuẩn bị của các đội tuyển quốc gia.

Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc vào năm 2021. Ảnh | ĐĂNG HUY - LÂM THỎA
Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc vào năm 2021. Ảnh | ĐĂNG HUY - LÂM THỎA

Trở lại sau dịch Covid-19 bùng phát lần đầu, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có sự điều chỉnh hợp lý khi thay đổi thể thức thi đấu thành hai giai đoạn, rút ngắn số trận, thời gian, mang đến sự hấp dẫn cho V.League trong hơn hai tháng qua. Nhưng giờ đây, giải đấu số một Việt Nam đang đứng trước thử thách lớn hơn, khó nhằn hơn trước. Nhiều CLB sẽ lại tiếp tục chồng chất nỗi lo không hoạt động vẫn phải trả lương cho cầu thủ, đặc biệt là mức chi phí rất cao cho ngoại binh. Quan điểm của VPF là vẫn quyết tâm tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia trong điều kiện cho phép của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, nỗ lực đưa mùa giải về đích an toàn. Bên cạnh đó, việc tìm ra giải pháp để giải tiếp tục là cách để thực hiện đúng hợp đồng với các nhà tài trợ, tránh để lại tiền lệ xấu cho những mùa bóng sau.

Tiếp tục thách thức cho bóng đá Việt -0

Cuối tháng 7 vừa qua, Ban Xử lý các tình huống khẩn cấp của Liên đoàn Bóng đá Đông-Nam Á (AFF) đã thống nhất đề xuất sẽ tổ chức AFF Cup 2020 vào tháng 4-2021 thay vì vào tháng 11-2020 vì dịch Covid-19. Đây là sự thay đổi cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trong khu vực. Trách nhiệm của AFF là phải bảo đảm tổ chức giải đấu thành công về mọi mặt, giúp người hâm mộ có thể thưởng thức một cách trọn vẹn nhất các trận đấu của giải. Chưa an toàn thì chưa thể thi đấu, trong khi nhà tài trợ yêu cầu thi đấu tại 10 nước thì cách di chuyển đã mang quá nhiều rủi ro, trong khi các CĐV cũng không dễ dàng nhập cảnh sẽ làm cho bầu không khí bóng đá không được trọn vẹn. Cùng với đó, FIFA và AFC cũng thống nhất lùi thời gian toàn bộ các lượt trận đấu còn lại trong khuôn khổ Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á (đồng thời cũng là vòng loại Asian Cup 2023) sang năm sau, thay vì diễn ra vào tháng 9, 10, 11 tới như kế hoạch dự kiến.

Quyết định này cũng phần nào giúp các nhà tổ chức đỡ đau đầu với việc sắp xếp lịch thi đấu khi các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang bị đặt dấu hỏi về khả năng kết thúc trọn vẹn mùa giải. Đây là quãng nghỉ cần thiết cho các cầu thủ. Chỉ trong hai tháng V.League, dễ dàng nhận thấy các cầu thủ đang bị quá tải và chấn thương rất nhiều, đặc biệt ít tuyển thủ có phong độ cao.

VỚI diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thầy trò HLV người Hàn Quốc sẽ được “nghỉ ngơi” đến hết năm nay. Dự tính trước đó là Đội tuyển Việt Nam vẫn chơi vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á ba trận còn lại vào tháng 10 và 11-2020. Ông Park sẽ tính toán điểm rơi phong độ cho học trò đúng thời điểm này và tiếp tục duy trì thể trạng cho AFF Cup 2020 với mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch, điều này có vẻ sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các đội tuyển Đông-Nam Á vẫn còn “đóng băng” giải đấu quốc gia. Do vậy, khi các giải đấu quốc tế bị hoãn, thầy Park bị gãy đổ hàng loạt kế hoạch.

Bên cạnh đó, HLV Park Hang-seo và các học trò sẽ chịu nhiều áp lực thành tích trong năm 2021 với lịch thi đấu dày đặc. HLV Park sẽ vào cuộc Vòng loại U23 châu Á tổ chức vào tháng 3-2021. Như vậy, ông buộc phải hội quân tuyển quốc gia song song với đội trẻ, do đến tháng 4-2021 lại tiếp tục đá AFF Cup. Chưa kể Vòng loại thứ hai World Cup 2022 vẫn chưa có lịch thi đấu cụ thể. Đến gần cuối năm, ông lại dẫn dắt đội trẻ U22 quốc gia nỗ lực bảo vệ ngôi vô địch SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà. Có thể thấy, 2021 sẽ là năm rất bận rộn với rất nhiều áp lực thành tích, những nhiệm vụ khó khăn đón chờ thầy trò HLV Park Hang-seo.