Điền kinh Việt Nam

Tái lập vị thế tại SEA Games

Hai năm trước, điền kinh Việt Nam đã đi vào lịch sử khi vượt qua sự thống trị của Thái-lan với 17 HCV tại SEA Games 29. Và SEA Games 30 vào cuối tháng 11 năm nay, tuyển điền kinh lại tràn đầy hy vọng khẳng định sức mạnh khi nước chủ nhà Philippines đã buộc phải bổ sung trở lại những nội dung thi đấu bị cắt giảm.

Đội tiếp sức nữ 4x100m giành HCV tại SEA Games 29. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội tiếp sức nữ 4x100m giành HCV tại SEA Games 29. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tháng 12-2018, Ban tổ chức Ủy ban Olympic Philippines (POC) thông báo SEA Games 2019 sẽ là kỳ đại hội có số môn thi nhiều nhất trong lịch sử với 56 môn thể thao (523 nội dung). Tuy nhiên chủ nhà Philippines đã dùng quyền của nước chủ nhà để cắt bỏ nhiều nội dung thế mạnh của các đoàn khác, hòng nuôi tham vọng thâu tóm huy chương. Và môn thể thao cơ bản nhất là điền kinh cũng không ngoại lệ. Theo đó, tám nội dung gồm nhảy xa nữ, nhảy cao nữ, 5.000 m nam - nữ, 10.000 m nam - nữ, đi bộ nam - nữ đều không có tên trong chương trình thi đấu. Điều này đồng nghĩa với việc điền kinh Việt Nam sẽ mất cơ hội giành khoảng ba đến bốn (HCV). Đáng chú ý, trong những nội dung này có cả nhảy xa nữ - nội dung mà điền kinh Việt Nam giành HCV ở ASIAD năm 2018 bởi vận động viên Bùi Thị Thu Thảo (Hà Nội).

Quyết định này sau đó bị các nước tham dự SEA Games 30 phản ứng dữ dội và một tháng sau, Philippines “sửa sai” bằng cách cho đăng ký trở lại hai nội dung nhảy xa nữ và nhảy cao nữ. Tuy nhiên, vẫn còn sáu nội dung thi đấu khác bị bỏ lại, vì vậy Liên đoàn điền kinh châu Á (AAA) và các đoàn khác phải tiếp tục phản ứng, gây sức ép. AAA đã có văn bản khuyến cáo về việc cần thiết phải bổ sung đầy đủ các nội dung theo thông lệ, nếu không AAA sẽ không chấp thuận việc tổ chức môn điền kinh tại SEA Games 30-2019. Và trước sức ép từ AAA và một số đoàn, chủ nhà Philippines đã phải bổ sung trở lại sáu nội dung 5.000 m nam - nữ, 10.000 m nam - nữ, đi bộ nam -
nữ vào hệ thống thi đấu môn điền kinh của đại hội thể thao Đông - Nam Á.

Như vậy, môn điền kinh tại SEA Games 30 đã đủ 48 nội dung thi đấu. Lúc này, điền kinh Việt Nam không còn lo lắng gặp bất lợi vì bị cắt giảm nội dung thi đấu và tăng thêm cơ hội tái lặp kỳ tích như SEA Games 2017, cùng vị trí số một Đông - Nam Á ở môn “nữ hoàng”. Ngoài Lê Tú Chinh chưa lấy lại được phong độ, điền kinh Việt Nam hiện sở hữu nhiều VĐV giàu tiềm năng thành tích như Quách Thị Lan (400 m và 400 m rào nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000 m và 10.000 m nam), Dương Văn Thái (800 m và 1.500 m nam)... tạo nên một tập thể mạnh ở đấu trường Đông - Nam Á. Trong khi đó, những VĐV tưởng không có cơ hội thi đấu ở SEA Games tới như Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ) lại có điều kiện bổ sung huy chương vào bộ sưu tập khi mà tại giải vô địch châu Á vừa qua, cả Phúc và Ngưng đều có thành tích xếp đầu khu vực.

Bên cạnh đó, ngoài nhiệm vụ giành vàng SEA Games, các VĐV sẽ hướng đến mục tiêu giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Nội dung marathon nữ, Nguyễn Thị Thanh Phúc là VĐV đầu tiên được nhắm đến. Cô từng giành quyền tham dự Olympic Rio 2016 và hiện nay chỉ số thành tích của Thanh Phúc vẫn rất tốt. Quách Thị Lan cũng là ứng cử viên hàng đầu khi đang là nhà vô địch 400 m rào nữ châu Á. Song nếu muốn góp mặt tại sân chơi thế giới, Quách Thị Lan vẫn cần phải cải thiện thành tích.

Điền kinh Việt Nam những năm qua đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt, tuy nhiên điền kinh Philippines cũng đang được trẻ hóa và rất có tiềm năng. Thái-lan cũng đang ráo riết với kế hoạch lấy lại vị thế tại SEA Games 30 khi thực lực của người Thái thậm chí còn đều hơn Việt Nam. Chính vì vậy cần phải giảm tải sức ép cho các VĐV, tránh thi đấu dàn trải lấy thành tích làm ảnh hưởng đến mục tiêu xa hơn.