Sự hụt bước đau đớn

Việc kình ngư Nguyễn Huy Hoàng chỉ tập luyện trong nước nhưng lại trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam chính thức góp mặt tại Olympic Tokyo 2020, vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên được đầu tư tập huấn dài ở nước ngoài, đang đặt ra câu hỏi về vấn đề, làm sao để không lãng phí công sức đầu tư.
Ánh Viên đang có thời gian tụt dốc đáng quên trong sự nghiệp. Ảnh | NAM NGUYỄN
Ánh Viên đang có thời gian tụt dốc đáng quên trong sự nghiệp. Ảnh | NAM NGUYỄN

Dự Giải vô địch bơi lội thế giới, kết thúc cuối tháng 7, kình ngư số một Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên đã gây thất vọng khi thất bại ở cả ba nội dung sở trường là 200m hỗn hợp cá nhân nữ, 400m tự do, 400m hỗn hợp cá nhân. Kể từ Olympic Rio 2016, Ánh Viên gần như tụt dốc không phanh ở Giải vô địch thế giới 2017, ASIAD 2018 và Giải vô địch thế giới 2019. Cơ hội cho Ánh Viên giành vé dự Olympic 2020 vẫn còn với các giải đấu thuộc FINA World Cup và cả SEA Games 2019 nhưng trước đà sa sút phong độ như hiện nay, việc VĐV người Cần Thơ có thể giành vé hay không đang là dấu hỏi lớn.

Vì sao và bằng cách nào mà một VĐV được đánh giá hàng “sao” của thể thao Việt Nam và Đông - Nam Á, đang ở độ “chín” của một nữ VĐV bơi (23 tuổi) lại đánh rơi phong độ một cách tệ hại chỉ trong vòng vài năm? Lý giải về điều này, HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết Ánh Viên thi đấu chưa tốt bởi tập trung điều chỉnh điểm rơi phong độ tốt nhất cho SEA Games 30 vào cuối năm nay tại Philippines. Lãnh đạo Tổng cục TDTT mới đây nói thẳng rằng, Nguyễn Thị Ánh Viên “đã tới ngưỡng” và chỉ còn phù hợp với mục tiêu tranh đoạt huy chương ở khu vực. Có nghĩa, khoản kinh phí lên đến 220 nghìn USD/năm (hơn năm tỷ đồng gồm 180 nghìn USD của Tổng cục TDTT và 40 nghìn USD của ngành TDTT quân đội) cho Ánh Viên tập huấn quanh năm tại Mỹ có lãng phí khi HLV Đặng Anh Tuấn từ lâu đã tới giới hạn năng lực chuyên môn, chỉ đóng vai trò “tinh thần” và đổi lại sẽ chỉ là những tấm HCV khu vực. Hay đấy là cách nói phủ nhận công sức của VĐV từ những người tự cho mình là định hướng chiến lược phát triển của thể thao nước nhà với tư duy chăm chăm vào khai thác cạn kiệt những gì mình có chứ không lo phát triển lâu dài.

Cứ đến SEA Games, Ánh Viên luôn phải gánh 1/7 HCV cho cả đoàn thể thao Việt Nam, tức là phải giành từ 8 đến 10 HCV. Với bản thân Ánh Viên, cô luôn chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh và cả những áp lực vô cùng lớn về thành tích. Cách đây 5 năm, Ánh Viên đã trở thành hiện tượng của không chỉ làng bơi Việt mà phần nào đó cả thế giới, với tố chất cùng những bước tiến khó tin. Sau khi giành hai tấm HCĐ ASIAD 2014, Ánh Viên đã gây chấn động SEA Games 2015 với tám HCV kèm theo tám kỷ lục Đại hội. Ở thời điểm đó, giới chuyên môn đã đánh giá cô hoàn toàn có thể sớm vươn lên tầm thế giới.

Những đích nhắm ấy hoàn toàn khả thi, nếu như ngành thể thao có một sự định hướng, dự báo và quản lý đúng đắn. Thế nhưng, ngay từ khi đó, Ánh Viên đã rơi vào tình cảnh chín ép, quá tải và nửa vời, gắn với căn bệnh thành tích trước mắt cùng cách làm dàn trải của ngành thể thao. Không có một kình ngư nào lại thi đấu đủ các loại giải như Ánh Viên. Trung bình một năm Viên đã phải “cày ải” tới tám giải không phù hợp với đẳng cấp của mình và luôn phải căng sức tranh tài với số nội dung tối đa nhất có thể. Trong khi đó, đáng ra Ánh Viên đang phải ở Mỹ, đặt mình ở một quy trình đào tạo chuyên biệt nhắm tới đích Olympic, thế giới với một vài nội dung sở trường hay tranh vàng ASIAD.

Tư duy lỗi thời, nặng tính nghiệp dư và thiếu tầm nhìn góp phần lớn tạo nên sự hụt bước đau đớn của Ánh Viên. Tưởng như là ngoại lệ nhưng ngay cả một Ánh Viên phi phàm cũng không thoát nổi vòng tròn luẩn quẩn của thể thao Việt Nam.