Câu chuyện sân cỏ

Phía sau những bản hợp đồng

Trước mỗi mùa giải, công việc lớn nhất, quan trọng nhất với mọi đội bóng là chuyển nhượng. Khi chuyển nhượng được coi là mảnh đất kiếm tiền siêu lợi nhuận, nó được nâng lên thành nghệ thuật kinh doanh. Ở đó, mỗi bản hợp đồng là một câu chuyện bí ẩn thú vị.
“Siêu cò” Jorge Mendes (trái) không chỉ là người đại diện của Ronaldo mà còn sở hữu nhiều ngôi sao khác.
“Siêu cò” Jorge Mendes (trái) không chỉ là người đại diện của Ronaldo mà còn sở hữu nhiều ngôi sao khác.

1 Hàng chục năm qua, thế giới bóng đá đã quá quen với danh xưng: “cò bóng đá”. Họ thực chất là những người đại diện cầu thủ, giúp các cầu thủ ký hợp đồng có lợi nhất, bảo đảm các quy tắc, thỏa thuận cả về luật pháp, kinh tế... Tuy nhiên, để tiến hành được một bản hợp đồng không phải chuyện đơn giản, mà đó còn được xem như một “công nghệ dây chuyền” khép kín được điều hành bởi “cò”. Ngoài việc phải có giấy phép hành nghề, đại diện cầu thủ phải có mối quan hệ rộng ở nhiều lĩnh vực, có sự thông thái, phản ứng nhạy cảm và khả năng ứng biến.

Người đại diện có thể sở hữu một cầu thủ theo nhiều cách nhưng cơ bản có hai cách: được cầu thủ thuê và mua cầu thủ trẻ khi họ chưa có tên tuổi. Họ sẽ làm mọi cách để nâng tầm cầu thủ với kế hoạch được vạch ra theo từng giai đoạn. Chính vì thế mà các cầu thủ chẳng có việc gì khác ngoài chuyện đá bóng thật tốt và hưởng thụ cuộc sống. Và với công việc của mình là hỗ trợ những ngôi sao giàu kếch sù, chính những người đại diện cũng trở thành những quyền lực vô song trong giới bóng đá.

2 Một trong những người nổi tiếng nhất là “siêu cò” Jorge Mendes, doanh nhân Bồ Đào Nha bắt đầu nghề môi giới, đại diện cầu thủ từ năm 1996 với thương vụ đưa thủ thành Nuno từ Vitoria Guimaraes đến Deportivo La Coruna. Câu chuyện diễn ra khá tình cờ khi Mendes gặp Nuno ở một quán bar tại Braga. Sau một thời gian thân thiết, Mendes giúp thủ môn này chuyển CLB và kiếm một khoản tiền nho nhỏ. Thương vụ bạc triệu đầu tiên của Mendes là vụ đưa Hugo Viana từ Sporting Lisbon sang Newcastle năm 2002 với giá 12 triệu euro. Một thương vụ đình đám mà ít ai hiểu tại sao giá lại cao vậy. Tiếp sau đó, Mendes bỏ nhiều thời gian để tìm kiếm tài năng trẻ, ký hợp đồng với họ và đẩy họ thành ngôi sao. Trong số các tài năng được Mendes phát hiện phải kể đến C.Ronaldo. Chỉ riêng các vụ chuyển nhượng của Ronaldo từ Sporting sang MU rồi Real, Juventus, Mendes đã kiếm về không dưới 50 triệu euro.

Đến nay, Mendes đang nắm trong tay khoảng gần 100 cầu thủ trong đó có rất nhiều cái tên đình đám như James Rodriguez, Di Maria, Diego Costa, De Gea... hay cả HLV Mourinho. Riêng mùa hè 2014, Mendes bỏ túi 42 triệu euro tiền hoa hồng bán cầu thủ. Đỉnh cao của Mendes là kiếm gần 100 triệu euro mùa hè 2018. Tài sản ròng của Mendes từ việc ký hợp đồng đại diện cầu thủ hiện tại có thể lên tới hơn 200 triệu euro.

Một người nữa là Raiola. Vốn là người gốc Hà Lan - Ý, Raiola được nhận làm nhân viên một công ty thể thao, được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động chuyển nhượng, trong đó có cái tên nổi tiếng Dennis Bergkamp. Sau thành công thương vụ bán Bergkamp sang Inter năm 1993, Raiola mở công ty riêng và khởi đầu cực hoành tráng với thương vụ đưa huyền thoại Nedved tới Lazio sau EURO 1996. Sau hàng chục năm làm nghề, Raiola sở hữu hàng loạt cái tên lừng lẫy như Ibrahimovic, Pogba, Lukaku, Donnarumma, Matuidi... Hè 2018, Raiola cũng kiếm được tới hơn 50 triệu euro. Đẳng cấp nhất là việc Raiola thực hiện thương vụ khó tin, chuyển Pogba từ Juventus trở lại MU với giá kỷ lục thế giới 112 triệu euro cách đây hai năm. Bản thân Raiola kiếm 25 triệu euro từ thương vụ này. Và ngay sau khi thành công, Raiola đã mua căn biệt thự của “Bố già” Al Pacone tại Miami với giá 12 triệu euro.

Phía sau những bản hợp đồng ảnh 1

Mino Raiola (trái) và Pogba. Ảnh trong bài | GETTY

Quyền lực của các người đại diện trong làng bóng đá ngày càng lớn và gần như họ là những mắt xích không thể thiếu trên thị trường chuyển nhượng. Những ngôi sao như Messi, Neymar... cũng có người đại diện, nhưng họ đều sử dụng... người nhà, “thuê” chính bố mình đứng ra làm người đại diện. Khi ấy, những khoản tiền hoa hồng hàng chục triệu euro sẽ không chảy ra ngoài. Tầm quan trọng của người đại diện thậm chí còn bao trùm lên hầu hết các CLB lớn, từ Barca, Real, Juventus, AC Milan, Inter... đến tất cả các CLB tại giải Ngoại hạng Anh. Chỉ riêng mùa hè 2018, các CLB Anh chi số tiền kỷ lục tới gần 1,5 tỷ euro cho chuyển nhượng, số tiền 20 CLB Premier League phải chi cho đại diện cầu thủ là hơn 300 triệu euro. CLB Liverpool chi nhiều nhất và đương nhiên là tốn nhiều nhất với khoảng 50 triệu euro phí cho đại diện cầu thủ. Ngay cả một CLB không chi bất cứ xu nào như Tottenham cũng phải bỏ 18 triệu euro do các điều khoản từ những bản hợp đồng trước.

3 Vậy tại sao các “cò” lại có quyền năng ghê gớm vậy? Đó là việc họ nhạy bén trong thương trường, nhạy cảm với thị trường bóng đá và các nhu cầu cấp thiết của các CLB, đặc biệt những đội bóng nhiều tiền. Họ là người có tiếng nói quyết định đến việc cầu thủ có ra đi hay không hoặc đến đâu thi đấu. Việc của họ còn là hỗ trợ cho các mong muốn của cầu thủ. Thí dụ như việc Pogba muốn rời MU, mọi hoạt động ứng xử của Pogba đều thông qua Raiola. Từ việc bỏ tập, lên tiếng trước truyền thông, thậm chí bỏ cả chuyến tập huấn hè cùng đội... đều là những bước đi nằm trong tính toán của người đại diện.

Bên cạnh đó, “cò” không đơn giản chỉ là người đại diện, họ còn là những “siêu nhân” ở mọi lĩnh vực, từ hiểu biết luật, quan hệ công chúng, quan hệ với các lĩnh vực liên quan như luật gia, chính trị gia, các nhân vật cao cấp trong giới bóng đá... và đặc biệt là báo chí, truyền thông. Nhờ các phương tiện, các kênh này, một cầu thủ có thể tạo “scandal giả”, tạo sóng từ một sự kiện, hay thậm chí nổi bật toàn thế giới chỉ sau một trận đấu hay... Và theo đó, cái giá cầu thủ của họ cũng được đẩy lên mức không thể hiểu nổi. Thí dụ như việc James Rodriguez, từ một cầu thủ giỏi, bỗng trở thành siêu sao ngay sau bàn thắng tuyệt đẹp tại World Cup 2014. Chỉ sau bàn thắng đó, người đại diện Mendes đã đẩy giá James từ khoảng 30 triệu euro lên 85 triệu euro. Và chỉ hai tuần sau khi World Cup 2014 kết thúc, James rời Monaco đến Real Madrid với cái giá điên rồ ấy và trở thành cầu thủ đắt giá thứ tư lịch sử bóng đá thế giới và thứ ba lịch sử CLB Real (chỉ sau Bale và C.Ronaldo).

Với những mối quan hệ và khả năng thương thuyết siêu hạng, đại diện cầu thủ đang trở thành những người quyền lực trong làng bóng đá, làm thay đổi và khiến bóng đá trở nên đắt đỏ...