Thể thao Việt Nam

Nhiệm vụ đến Olympic không dễ dàng

Khép lại năm 2019 đầy thành công ở đấu trường SEA Games, thể thao Việt Nam (TTVN) bước vào năm 2020 với thách thức rất lớn ở đấu trường cao hơn và khó hơn rất nhiều là Olympic Tokyo sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.

Nguyễn Huy Hoàng quyết tâm tạo bất ngờ tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nguyễn Huy Hoàng quyết tâm tạo bất ngờ tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đoàn TTVN đã có một kỳ SEA Games thành công vang dội với 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ, đứng thứ hai sau nước chủ nhà Philippines tại SEA Games 30. Đặc biệt ấn tượng là những chiến thắng từ các môn thi trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi, vật, cử tạ, TDDC, đấu kiếm, đua thuyền, bắn cung... Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đặt mục tiêu cho TTVN là phải giành được HCV hoặc ít nhất là phải có huy chương ở Olympic Tokyo, nhưng trước mắt phải phấn đấu có 20 VĐV giành vé góp mặt ở sân chơi đỉnh cao này.

Tại Olympic 2016, TTVN tham dự 10 môn với 23 VĐV. Tất cả đều đến Olympic 2016 thông qua việc đạt chuẩn tham dự. Đấy là số lượng VĐV đông nhất của TTVN trong một kỳ Olympic. Đó cũng là kỳ Olympic thành công vang dội của TTVN với thành tích một HCV, một HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Thành tích ấn tượng như vậy nên chỉ tiêu của TTVN với kỳ Olympic 2020 cũng khá cao. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới có bốn tuyển thủ giành vé đến Olympic là Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (TDDC) cùng hai tuyển thủ môn bắn cung Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Có thể thấy, việc giành thêm 16 suất chính thức đến Olympic trong vòng năm tháng là một thách thức cực kỳ lớn đối với các đội tuyển TTVN.

Sau kỳ tích bốn năm trước, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đang tuột dốc thê thảm, thậm chí anh còn không giành được HCV SEA Games và đến nay vẫn chưa giành vé đến Olympic. Cơ hội vẫn còn với bắn súng Việt Nam khi Liên đoàn bắn súng thế giới sẽ xét thêm suất tham dự trong những xạ thủ chưa giành vé chính thức nhưng có thành tích tốt tại các vòng loại. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thuộc diện này nên vẫn có cơ hội góp mặt ở Thế vận hội 2020. Rồi ở môn karatedo, sự rút lui bất ngờ của võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan từ nửa cuối năm 2019 vì những vấn đề cá nhân khiến cơ hội góp mặt của karatedo Việt Nam tại Thế vận hội gần như không còn.

Trong hành trình giành vé đến Olympic, các VĐV trọng điểm khác như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Vũ Thành An (đấu kiếm)... cũng đang nỗ lực tham dự các giải đấu tích điểm dựa trên Bảng xếp hạng của Liên đoàn thế giới. Những Nguyễn Thị Tâm (boxing), Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên, Lại Gia Thành (cử tạ), Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Xuân (vật), nhóm VĐV cự ly 400m và đi bộ nữ môn điền kinh... cũng đang tích cực chuẩn bị cho các giải đấu vòng loại cuối cùng để tìm kiếm tấm vé tới Tokyo.

Ngoài vấn đề thách thức về số suất tham dự Thế vận hội, việc hy vọng có huy chương cũng rất khó. Lê Thanh Tùng (TDDC nội dung nhảy chống) sẽ được đầu tư tối đa để có thể gây bất ngờ. Còn Tổng cục TDTT cũng đã lên kế hoạch đưa Nguyễn Huy Hoàng (bơi 800 và 1.500m tự do) đi tập huấn nước ngoài nhằm giúp kình ngư này vượt qua chính mình. Trong khi đó, các cung thủ cũng được đi tập huấn ở trung tâm huấn luyện hiện đại hàng đầu ở Hàn Quốc, không chỉ để tích lũy kinh nghiệm mà còn tiếp tục hy vọng giành vé Olympic cho nhũng cung thủ khác.

Tuy nhiên, đấu trường Olympic không hề dễ dàng như SEA Games, ở đây có sự góp mặt của những VĐV hàng đầu thế giới. Đối với Nguyễn Huy Hoàng và Lê Thanh Tùng thì lọt vào chung kết các nội dung họ góp mặt đã là thành công lớn. Còn Phi Vũ và Ánh Nguyệt (bắn cung nội dung cung một dây) lại quá trẻ, gần như không có hy vọng tranh chấp với các cung thủ tốp đầu thế giới. Chỉ còn năm tháng nữa Olympic Tokyo 2020 sẽ khởi tranh, hy vọng TTVN sẽ vượt qua những thách thức để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.