Ngày trở lại của vật Việt Nam

Sau hai lần vắng bóng, SEA Games 30 diễn ra tháng 11 tại Philippines đánh dấu sự trở lại của vật Việt Nam. Có những háo hức và kỳ vọng nhất định, tuy nhiên không dễ để các đô vật Việt Nam áp đảo đối thủ như những kỳ đại hội trước.

 Môn vật sẽ gặp nhiều khó khăn tại SEA Games 30. Ảnh: Thuần Thư
Môn vật sẽ gặp nhiều khó khăn tại SEA Games 30. Ảnh: Thuần Thư

1 Từ sau SEA Games 27-2013, môn vật đã bị loại khỏi nội dung thi đấu, đến SEA Games 30 mới được trở lại bởi nước chủ nhà Philippines cũng là một trong những quốc gia mạnh về môn này trong khu vực. Sự trở lại này là tín hiệu mừng, làm gia tăng sự cạnh tranh trong làng vật quốc nội, song lại tạo nên sự lo ngại vấn đề tuyển chọn nhân sự. Cách đây 8 - 10 năm, nhắc đến đội tuyển vật, người ta lại nhớ đến những ồn ào về nhân sự trước SEA Games. Cách tuyển chọn nhân sự không có tiêu chí rõ ràng làm nảy sinh những thắc mắc, tranh cãi khiến Đoàn thể thao Việt Nam đành bổ sung nhân sự vào phút chót. Đến kỳ SEA Games năm 2013, "sóng yên, biển lặng" hơn khi tiêu chí tuyển chọn đã rõ ràng dưới sự dẫn dắt cựu đô vật Đới Đăng Hỷ cùng sự đồng thuận cao trong chính Ban huấn luyện.

SEA Games 30 tới, tiêu chí tuyển chọn quan trọng nhất là phong độ của các tuyển thủ chứ không phải là thành tích tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 hay Giải vô địch quốc gia năm 2019. Quyết định chọn lựa sẽ thuộc về chuyên gia ngoại và Ban huấn luyện đội tuyển. Tuy nhiên, cái gọi là "phong độ" của các tuyển thủ cũng cần được làm rõ và thuyết phục được giới chuyên môn, để tránh những thắc mắc không đáng có.

2 Vị thế của vật Việt Nam tại Đông - Nam Á đã được chứng tỏ trong nhiều năm qua, vì vậy vật luôn là "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Đặc biệt lần này trở lại đấu trường khu vực sau nhiều kỳ vắng bóng, môn vật phải đối mặt với nhiều sức ép khi phải khẳng định được vị trí của mình. Cũng như nhiều môn mũi nhọn khác của thể thao Việt Nam, môn vật cũng bị cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh tại SEA Games 30. Qua đó, môn vật chỉ tham dự 14 nội dung (sáu hạng cân nội dung cổ điển, ba hạng cân vật tự do nữ, năm hạng cân vật tự do nam). Nhiều hạng cân thế mạnh của vật Việt Nam không có cơ hội tranh tài như 74 kg tự do nam - vốn là thế mạnh tuyệt đối của vật Việt Nam tại khu vực hay 48 kg tự do nữ... Thời điểm hiện tại, đô vật Cấn Tất Dự (Hà Nội) đang là nhà vô địch Đông - Nam Á ở hạng cân 74 kg tự do nam. Nếu để đô vật này ngoài cuộc chơi thì thật lãng phí, nhưng để Cấn Tất Dự thi đấu ở hạng cân khác thì sẽ là bài toán không dễ giải.

Bên cạnh đó, vật Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt vấn đề là hạng cân thi đấu không đủ số vận động viên tối thiểu. Khi đó, các cuộc tranh tài ở hạng cân đó sẽ không thể diễn ra và đô vật Việt Nam sẽ mất cơ hội giành huy chương. Đó là câu chuyện của đô vật nổi tiếng bất bại Nguyễn Thị Lụa ở hạng 48 kg nữ từng mất cơ hội giành HCV đầy tức tưởi ở SEA Games 2009, vì trước ngày thi đấu mới biết hạng cân của mình không đủ số vận động viên tối thiểu là ba vận động viên đến từ ba quốc gia. Bởi vậy, sẽ không thừa nếu những nhà quản lý môn vật có động thái để bảo đảm đô vật Việt Nam không phải tham dự hạng cân không đủ số vận động viên tối thiểu.

Ngoài ra, nước chủ nhà Philippines từng sở hữu nhiều đô vật thi đấu ngang ngửa với các đô vật Việt Nam đã được đầu tư đáng kể trong thời gian qua. Chưa kể, việc được thi đấu trên sân nhà sẽ giúp các đô vật Philippines tạo ưu thế đáng kể trước các đô vật khác. Những thách thức đặt ra làm cho cơ hội đóng góp HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam của đội vật bị thu hẹp đáng kể. Vì thế, đội tuyển vật chỉ đặt mục tiêu giành từ sáu đến bảy HCV tại kỳ SEA Games tới. Hy vọng ngày trở lại, vật Việt Nam sẽ tự tin một lần nữa khẳng định được vị thế của mình ở sân chơi khu vực.