Ngày hội siêu hạng

Năm 2020 này, sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất chắc chắn là VCK EURO 2020. Mỗi kỳ EURO đều là những ngày hội lớn với cả những người không thuộc châu Âu, nhưng giải đấu năm nay, không chỉ là bầu không khí lễ hội, mà nó còn mang theo những điều thú vị chưa từng có.

Các trận đấu tại EURO 2020 sẽ được tổ chức ở 12 quốc gia. Ảnh trong bài | GETTY
Các trận đấu tại EURO 2020 sẽ được tổ chức ở 12 quốc gia. Ảnh trong bài | GETTY

1 Theo thông lệ lâu nay, World Cup hay EURO thường chỉ tổ chức ở một hoặc hai quốc gia có biên giới chung, nhưng EURO 2020 là giải đấu kỷ niệm tròn 60 năm ra đời, nên UEFA muốn “chơi lớn” khi quyết định tổ chức giải đấu ở 12 quốc gia: London - Anh, Munich - Đức, Roma - Italia, Bucharest - Romania, Saint-Peterburg - Nga, Bilbao - Tây Ban Nha, Glasgow - Scotland, Dublin - Ireland, Copenhagen - Đan Mạch, Amsterdam - Hà Lan, Budapest - Hungary, Baku - Azerbaijan.

Tuy nhiên, ý tưởng này đến khi cách đây chục năm, UEFA chỉ nhận được hồ sơ xin đăng cai EURO 2020 từ các nước như Thổ Nhỹ Kỳ, hồ sơ chung Gruria và Azerbaijan, thứ ba là Ireland, Scotland và xứ Wales. Nhưng cuối cùng chỉ còn có Thổ Nhĩ Kỳ là ứng viên duy nhất. Theo như tính toán, hầu hết các sân vận động ở Thổ Nhĩ Kỳ phải sửa chữa lại trên 50% hạng mục, các hệ thống giao thông, các khâu tổ chức đều phải sửa chữa hoặc xây mới. Vì thế, Chủ tịch UEFA khi đó là Platini tuyên bố: “Nếu bạn phải xây 10 sân vận động, sân bay, nhà ga... ở một quốc gia, thì việc xây một sân ở mỗi quốc gia chủ nhà sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.

Vậy là 13 thành phố được chọn tổ chức 51 trận tại EURO 2020, nhưng cuối cùng Brussels (Bỉ) bị tước quyền đăng cai vì chậm trễ việc xây dựng sân vận động Eurostadi. Thay vào đó, bốn trận dự kiến tổ chức ở Brussels được chuyển sang sân Wembley ở London, nơi ban đầu chỉ tổ chức hai trận bán kết và trận chung kết. Việc dàn trải tổ chức ở 12 địa điểm có thể sẽ giúp EURO 2020 trở thành giải đấu đầy màu sắc với rất nhiều mảng màu văn hóa đa dạng. Nhưng mặt trái của nó cũng có nhiều bất cập. Hai địa điểm cách xa nhau nhất lên đến khoảng 6.000 km, trải trên bốn múi giờ. Ngay ở bảng A (Tổ chức tại Roma-Italia và Baku-Azerbaijan), khoảng cách di chuyển là 5.000 km. Trong trường hợp rơi vào “tình cảnh trớ trêu nhất”, một đội tuyển bảng A này nếu vào chung kết có thể di chuyển quãng đường dài nhất lên đến tổng cộng gần 10.000 km. Trong khi ở các kỳ EURO trước, mỗi đội cũng chỉ di chuyển khoảng hơn 6.000 km.

Ngày hội siêu hạng ảnh 1

Cổ động viên đội tuyển Áo.

2 Chuyện quan trọng nhất ở mỗi kỳ EURO luôn là chuyện vé. Do các trận đấu trải ra toàn bộ châu Âu, nên lượng vé được yêu cầu đạt con số kỷ lục. Từ hè 2019, số lượng vé các CĐV đăng ký mua đã lên đến... 20 triệu vé. Sau khi bốc thăm chia bảng, số lượng tăng lên 52 triệu vé. Trong khi đó, số lượng vé tối đa phát hành là... 2,9 triệu chiếc. Riêng trận chung kết tại Wembley, UEFA đã nhận được 3,8 triệu yêu cầu mua vé, gấp 44 lần sức chứa của sân vận động.

Giá vé cho EURO năm nay cũng ở mức kỷ lục, thấp nhất cho 44 trận đấu từ vòng bảng đến trước vòng tứ kết là 50 euro. Giá rẻ nhất cho trận chung kết là 95 euro và đắt nhất là 945 euro. Giá vé này các CĐV vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua, nhưng theo tính toán của các chuyên gia thì có thể chỉ 40% CĐV mua được vé giá gốc, còn lại giá vé sẽ dao động từ 150 đến 1.800 euro, thậm chí giá vé trận chung kết có thể lên đến 10.000 euro. Và cơ hội làm giàu nhờ phe vé có thể sẽ đến ở khắp châu Âu.

Một hạng mục không thể thiếu ở mỗi giải đấu lớn là Fanfest. Dự kiến mỗi thành phố sẽ có ít nhất một Fanfest. Đó là một khoản chi phí không nhỏ và UEFA cam kết tổ chức các tụ điểm xem bóng đá công cộng theo hình thức hiện đại, mới mẻ. Suốt giải đấu, các Fanfest này sẽ hoạt động và được các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi biểu diễn. Chi phí cho hạng mục này có thể lên tới cả trăm triệu euro.

Một yếu tố nữa phát sinh khiến EURO 2020 bị coi là... kỳ lạ. Đó là yếu tố môi trường. Chưa có kỳ World Cup, EURO hay Olympic nào mà các chuyên gia môi trường châu Âu lại phải nhóm họp, e ngại về khí carbon thải vào môi trường với những chuyến bay chắc chắn sẽ dày đặc khắp châu Âu trong một tháng. Dự kiến số chuyến bay ở khu vực 12 nước tổ chức các trận đấu EURO 2020 sẽ tăng lên 2,5 lần và lượng carbon thải ra có thể gấp hơn ba lần những ngày bình thường. Họ cũng khuyến cáo các CĐV nên đi tàu, ô-tô thay vì máy bay. Nhưng sẽ ra sao khi thí dụ CĐV của đội đầu bảng A sẽ phải đi tàu bốn ngày từ điểm cuối Azerbaijan đến London cổ vũ đội nhà?

Để gii quyết phn nào câu chuyn môi trường, UEFA tiến hành trng 50.000 cây xanh mi thành ph đăng cai, hy vng bù đắp khong 405.000 tn carbon do CĐV, khách du lịch và các hoạt động liên quan đến EURO thải ra môi trường.

Ngày hội siêu hạng ảnh 2

Sân Wembley (London), nơi sẽ diễn ra trận chung kết EURO 2020.

3 Mặc dù có nhiều vấn đề phức tạp trong khâu tổ chức, di chuyển... nhưng không thể phủ nhận, sự khác biệt của EURO 2020 sẽ mang lại rất nhiều điều thú vị. Mỗi CĐV tại châu Âu muốn xem EURO, họ cũng sẽ được thưởng thức những nét đặc sắc của nhiều nền văn hóa. Dĩ nhiên, chi phí bỏ ra cũng cao hơn nhiều so với việc tổ chức tập trung ở một hay hai quốc gia. Ngay cả những người chỉ xem EURO qua truyền hình cũng sẽ có những cảm xúc đặc biệt hơn khi xem các trận đấu diễn ra khắp 12 quốc gia.

CĐV chi phí cao, bản quyền truyền hình cao, chi phí điều hành và tổ chức cũng cao (dự kiến gấp năm lần so với thông thường) và đương nhiên, tiền thưởng cũng tăng lên 23%, đạt mức kỷ lục mới: 371 triệu euro. Và đội vô địch có thể nhận tối đa tới 34 triệu euro.

Vì thế, với một giải đấu đắt giá, hào nhoáng, sinh động cả trên sân cỏ lẫn văn hóa như vậy, hãy cứ tận hưởng nó một cách trọn vẹn vào mùa hè này!