Muôn kiểu vượt khó

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 đã được ngành thể thao thực hiện triệt để và vận dụng linh hoạt. Dù đã có những khó khăn chưa có tiền lệ, nhưng các HLV, VĐV đều đã vượt qua, sẵn sàng bước vào các giải đấu phía trước.

Các vận động viên điền kinh Việt Nam tập luyện trong thời gian “cắm trại”.
Các vận động viên điền kinh Việt Nam tập luyện trong thời gian “cắm trại”.

Thay đổi giáo án

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dân thể thao thật sự đau đầu với bài toán tập luyện. VĐV thể thao thành tích cao không thể nghỉ tập luyện dài ngày. Đặc biệt, ở những môn đòi hỏi sức mạnh, tốc độ thì việc tập luyện liên tục càng trở nên cần thiết.

Tại các trung tâm trên cả nước, lệnh “cấm trại” đã được đưa ra. Đa phần các VĐV được yêu cầu ở lại trung tâm, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Các VĐV này đã phải làm quen với các giáo án hoàn toàn mới, chưa từng tập trước đây. Theo đó, các HLV đã chỉ đạo VĐV của mình tập riêng lẻ theo nhóm một đến hai người, chia theo các khung giờ khác nhau để bảo đảm an toàn yêu cầu về phòng, chống dịch. Với nhiều môn có tính tập thể, số lượng VĐV đông như võ, cầu mây, bóng rổ, bóng chuyền... phương án tập như này chẳng khác nào đánh đố, nhưng cũng không còn cách nào khác. “Giáo án tập luyện phải điều chỉnh rất nhiều. Dù vậy, các HLV cũng linh hoạt khi đề ra giáo án cho chúng tôi, có hôm tập hai buổi, có hôm chỉ tập một buổi để duy trì được thể lực tốt nhất. Nhìn chung các VĐV cũng quen dần, dù tập như này không hiệu quả như những giáo án cũ”, VĐV Lê Thanh Tùng của môn thể dục dụng cụ (TDDC) chia sẻ.

Tập giáo án mới, thậm chí phải tập theo hướng dẫn trực tuyến, không khổ bằng việc đeo khẩu trang, nên đa số chỉ tập luyện ở mức vừa phải, chủ yếu rèn thể lực là chính. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy, các VĐV cũng đều vượt qua. Không chỉ chia nhau tập riêng, cách xa nhau, mà mỗi VĐV cũng thử thách đồng đội bằng các clip, chia sẻ lên nhóm chung, tạo nên bầu không khí vui nhộn.

Tập tại nhà, gửi lời... “thách đấu”

Nhiều VĐV vẫn tập luyện tập trung theo kiểu chia nhóm nhỏ và thời gian cách nhau, trong khi số còn lại chọn phương án tập luyện tại nhà. Dù ở nhà các thiết bị tập luyện không “chuẩn” hoặc thậm chí không có, nhưng không phải vì thế mà kém “năng suất”. Điều đáng nói là chuyện tập luyện tại nhà đã trở thành một phong trào được hưởng ứng mạnh trong giới VĐV thể thao cũng như người dân trong đợt đại dịch vừa qua.

Ở đội tuyển bơi, xuất phát từ ý tưởng của VĐV Trần Hưng Nguyên về việc quay lại bài tập chống đẩy, sau đó đăng tải lên trang cá nhân có gửi theo lời “thách đấu” với các đồng đội. Những ai không theo hoặc làm không được, sẽ phải đóng góp một khoản vào quỹ chống dịch Covid-19 của Chính phủ. VĐV Trần Duy Khôi sau khi thực hiện thử thách, chia sẻ: “Ngày đầu tiên chúng tôi thực hiện 24 lần và mỗi ngày tiếp theo tăng đều đặn thêm ba lần bắt đầu từ ngày 1-4 cho đến khi nào hết đợt cao điểm chống dịch. Các VĐV sau khi thực hiện thử thách đều gửi lời thách đấu tới những người bạn của mình, qua đó vừa cổ vũ, vừa lan tỏa cách tập luyện tại nhà”.

VĐV Đinh Thị Bích của đội tuyển điền kinh cho biết, ngoài những thử thách vui với bạn bè, việc tập luyện ở nhà dù có khó khăn đôi chút song vẫn phải tuân thủ các giáo án mà ban huấn luyện và chuyên gia đặt ra hằng ngày. Việc tập luyện ở nhà vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về khối lượng và đúng chuyên môn thì mới duy trì được nền tảng thể lực. Những ngày qua, ngay khi dịch lắng xuống, các VĐV đã lao vào tập bù để lấy lại phong độ, sẵn sàng cho các giải đấu sắp tới.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người làm nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam với tấm HCV, HCB ở Olympic 2016, chia sẻ cách tập rất riêng của mình: “Dù không được tập bắn nhưng tôi vẫn thường xuyên tập thể lực bổ trợ để rèn luyện sức khỏe, ngoài ra còn tập thêm khí công và ngồi thiền hai tiếng mỗi ngày”. Cũng theo xạ thủ Quân đội, với thời gian khá rảnh, các VĐV không chỉ duy trì tập luyện để giữ sức khỏe để có được thể lực tốt nhất nhằm sớm quay trở lại, mà cũng có lối sống lành mạnh với suy nghĩ tích cực, giúp đỡ người nhà công việc gia đình, chăm sóc con cái, học thêm ngoại ngữ...

Còn theo HLV Trương Minh Sang của đội tuyển TDDC, việc các giải đấu tạm hoãn do dịch cũng là cơ hội để ban huấn luyện cùng chuyên gia nước ngoài củng cố thêm về kỹ thuật cho các VĐV, đặc biệt là Lê Thanh Tùng ở nội dung nhảy chống hay Đinh Phương Thành (xà kép). Trong đó, Thanh Tùng là VĐV đầu tiên giành vé dự Olympic Tokyo cho đội tuyển TDDC Việt Nam.

Muôn kiểu vượt khó ảnh 1

Huấn luyện viên Trương Minh Sang hướng dẫn học trò.

Không gì là không thể

Trong mùa dịch, làng thể thao Việt Nam có rất nhiều câu chuyện thú vị về tập luyện. Thậm chí, ngay cả những VĐV nghiệp dư, cũng đã có cách tập luyện riêng của mình.

Nguyễn Tiến Đạt trở thành người Việt Nam đầu tiên hoàn tất quãng đường chạy... marathon dài hơn 42 km trên sân thượng tòa chung cư trong hơn sáu tiếng. Đây là thử thách không phải ai cũng làm được và đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ không chỉ trong làng chạy bộ Việt Nam, mà còn với cả các môn thể thao khác. Những bước chạy đơn điệu lặp đi, lặp lại chính là thử thách lớn nhất chứ không phải là thể lực hay việc phá kỷ lục. Sân thượng có chiều dài khoảng 25 m, muốn hoàn thành quãng đường marathon, Nguyễn Đạt phải chạy gần 860 vòng, trước khi cán đích với thành tích 6 giờ 22 phút 10 giây.

Anh cho biết, trong mùa dịch Covid-19, ngoài các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh của Bộ Y tế, thì tập luyện thể thao chính là cách làm đơn giản, hiệu quả để tăng cường sức khỏe. Mọi người có thể chạy, đi bộ, tập yoga... theo cách riêng của mình, miễn là bảo đảm an toàn: “Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người kêu khó khổ, cảm thấy bị tù túng, một số người còn trèo rào vào công viên tập thể thao. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người tìm cách tập và thích nghi hoàn cảnh, cần giữ an toàn”. Sau khi runner Nguyễn Đạt “nổ” phát súng đầu tiên, phong trào chạy trên... tầng thượng chung cư, ở cầu thang, hành lang, trong nhà... đã được nhiều người hưởng ứng. Ngay cả hiện tại khi dịch Covid-19 lắng xuống, cách tập luyện của anh cũng vẫn là một lựa chọn phù hợp với nhiều người.

Muôn kiểu vượt khó ảnh 2

Nguyễn Tiến Đạt chạy marathon trên tầng thượng chung cư. Ảnh trong bài: QUYẾT NGUYỄN

Nghỉ tập, lương VĐV vẫn được bảo đảm

Ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục TDTT cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nhiều giải thể thao trong nước lẫn quốc tế bị hủy bỏ. Điều này có thể ảnh hưởng tới thu nhập của các VĐV, nhất là các VĐV có thành tích cao với các khoản thu nhập từ tiền thưởng huy chương, hỗ trợ thi đấu. Tuy nhiên, các VĐV đội tuyển vẫn hưởng lương theo chế độ Nhà nước, mức lương được bảo đảm đầy đủ trong thời gian vừa qua.