Giấc mơ có xa vời?

Tại Hội nghị cấp cao Đông - Nam Á lần thứ 34 ngày 23-6 tại Bangkok (Thái-lan), các nước ASEAN đã thống nhất kế hoạch cùng chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2034. Và nếu khả quan, nó sẽ hiện thực hóa giấc mơ không những được tham dự mà còn làm chủ nhà ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của các nước Đông - Nam Á.

Cơ hội làm chủ nhà một kỳ World Cup đang mở ra với các nước ASEAN. Ảnh: FOXSPORT
Cơ hội làm chủ nhà một kỳ World Cup đang mở ra với các nước ASEAN. Ảnh: FOXSPORT

1. Mặc dù bóng đá của khu vực chưa có những sự phát triển vượt bậc, dù chỉ là ở trình độ tiệm cận châu Á, nhưng có lẽ với sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam trong hai năm gần đây đã tạo nên một vị thế khác cho Đông - Nam Á. Liên đoàn Bóng đá Đông - Nam Á đã “bật đèn xanh” với cam kết hỗ trợ hết sức một cuộc đấu thầu chung để đồng đăng cai tổ chức World Cup 2034, các liên đoàn thành viên sẽ xây dựng đề án và trình lên Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) vào năm 2026. Và nếu được trao cơ hội, sẽ tạo động lực cho các nước cải thiện cơ sở hạ tầng và củng cố các đội tuyển quốc gia của các nước khu vực luôn bị coi là “vùng trũng” trên bản đồ bóng đá thế giới.

ASEAN là khối kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ bảy trên thế giới. Những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế cùng sự ổn định về chính trị là lợi thế lớn cho khu vực ASEAN trong cuộc đua giành quyền đăng cai FIFA World Cup 2034 với 640 triệu dân luôn hâm mộ cuồng nhiệt môn thể thao Vua. Hiện nay, xu thế các nước đồng tổ chức sự kiện thể thao lớn đang trở nên phổ biến. Sau thành công của World Cup 2002 ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thì World Cup 2026 tới đây lần đầu tiên sẽ diễn ra tại ba quốc gia Canada, Mỹ và Mexico khi mà số đội tham dự được nâng từ 32 lên 48. Điều này sẽ tạo ra thách thức lớn cho công tác hậu cần và để giảm tải về chi phí đăng cai tổ chức ngày càng tăng cũng như tạo ra sức lan tỏa cho sự kiện thì việc các nhóm nước đồng đăng cai là điều hợp lý. Xu thế này cũng đã từng có tại Đông - Nam Á vào năm 2007, khi Việt Nam - Indonesia - Malaysia và Thái-lan từng cùng đăng cai tổ chức thành công Asian Cup.

2. Song, con đường để trở thành chủ nhà của World Cup 2034 của các nước ASEAN không chỉ đơn giản như vậy. Đầu tiên, sẽ là những ứng cử viên nặng ký khác như Trung Quốc và Ấn Độ; các liên minh Australia - New Zealand, Australia - Indonesia; hay các quốc gia châu Phi như: Ai Cập, Zimbabwe, Nigeria... Tiếp theo, mặc dù FIFA không đưa ra tiêu chuẩn số lượng quốc gia đồng đăng cai nhưng việc 10 quốc gia ASEAN cùng tổ chức World Cup là điều bất khả thi cũng như ý tưởng chọn ra một đội tuyển ASEAN nếu khu vực giành được quyền đăng cai. Theo quy định của FIFA, nước chủ nhà World Cup sẽ chắc chắn tham dự và khi đó với 48 đội thì châu Á sẽ có 8,5 suất, như thế 10 suất cho 10 chủ nhà ASEAN thuộc châu Á là điều không thể, cũng như sẽ gặp phải sự phản đối của các quốc gia châu Á khác. Còn nếu chỉ hai đến ba nước ASEAN đồng đăng cai liệu có đủ thực lực?

Điều quan trọng nữa là ASEAN hiện vẫn chưa có đội nào đủ mạnh để góp mặt tại World Cup. Qatar đã cho thấy, họ không chỉ có nhiều tiền, mà còn có chức vô địch Asian Cup 2019, để nhận được sự tôn trọng trong tư cách của một chủ nhà World Cup 2022. Chưa kể, năng lực tổ chức của các nước Đông - Nam Á cũng chỉ mới dừng ở tầm vóc châu Á chứ chưa có những sự kiện tầm cỡ Olympic như Trung Quốc đã đăng cai năm 2008. Hiện tại, cơ sở vật chất cũng không đáp ứng được yêu cầu của FIFA khi để tổ chức một vòng chung kết World Cup, phải cần tối thiểu 12 SVĐ có sức chứa trên 40.000 chỗ ngồi, nhưng cả Đông - Nam Á mới chỉ có sáu sân đạt yêu cầu gồm Bukit Jalil, Shah Alam (Malaysia), Bung Karno (Indonesia), Sân quốc gia Singapore, Rajamangala (Thái-lan) và Mỹ Đình (Việt Nam).

World Cup 2034 còn khá xa nhưng đòi hỏi sự nghiêm túc tuyệt đối của các bên liên quan, cần rất nhiều nỗ lực để thuyết phục FIFA về cách ASEAN có thể đồng đăng cai World Cup. Bóng đá Đông - Nam Á cần để lại dấu ấn nhất định trong tương lai, những tiến bộ của Việt Nam thời gian qua đã tạo thêm hy vọng về khả năng giành vé World Cup để làm điểm tựa cho giấc mơ đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.