Giá trị của Cúp Quốc gia

Không còn phải đóng vai “kép phụ”, Cúp Quốc gia Việt Nam 2020 đã tìm lại được giá trị thật sự với sứ mệnh tiên phong trong việc đưa bóng đá Việt Nam trở lại cùng những trận đấu hấp dẫn, cũng như là sự khẳng định với thế giới về thành công của Việt Nam trong việc khống chế đại dịch Covid-19.

Giá trị của Cúp Quốc gia

Cúp Quốc gia từ lâu bị xem là trở ngại với nhiều CLB bởi thể lực cầu thủ Việt Nam chỉ đủ để chơi 25 đến 30 trận mỗi mùa, bằng số vòng đấu ở V.League. Nếu phải đá thêm Cúp Quốc gia, cầu thủ sẽ phải đá hai trận một tuần liên tục trong một, hai tháng cuối mùa. Nếu vô địch hoặc vào chung kết, các đội sẽ đại diện Việt Nam dự AFC Cup, tốn thêm nhiều kinh phí... Tuy nhiên, do các giải bóng đá Việt Nam phải lùi lại hai tháng vì dịch Covid-19 và “đói bóng” quá lâu nên sự trở lại của Cúp Quốc gia không những được cả người hâm mộ trong nước mong đợi mà còn được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới. Từ chỗ bị các đội coi là nơi đá cho xong nhiệm vụ, Cúp Quốc gia bỗng chốc trở nên mới mẻ và đầy cuốn hút. Với khát khao được chơi bóng sau thời gian dài nghỉ vì dịch, tất cả đều vào sân chơi hết mình, quyết tâm giành chiến thắng.

Hai vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên của Cúp Quốc gia đã khép lại với sự hào hứng, kịch tính lạ thường mà chưa bao giờ sân chơi phụ này có được. Các CLB không còn coi giải đấu là nơi thử nghiệm tài năng trẻ hay đá cho xong mà trái lại, từ đương kim vô địch Hà Nội tới những đội hạng Nhất đều tung đội hình mạnh nhất, với mục tiêu giành quyền đi tiếp. Bên cạnh đó, quy định cấm sử dụng cầu thủ ngoại, nếu có một đội tham dự thuộc giải hạng Nhất đã giảm bớt sự chênh lệch của các đội bóng. Chính bởi yếu tố này mà Bà Rịa Vũng Tàu đã gây nên bất ngờ, khi lần lượt tiễn Sài Gòn và Sông Lam Nghệ An rời giải. Ngay vòng loại đã có một trận phải giải quyết bằng loạt sút luân lưu và có đến ba trong bốn trận đấu sớm của vòng 1/8 hai đội đưa nhau đến chấm 11m để lần đầu tiên có đến hai đại diện hạng Nhất là Bà Rịa Vũng Tàu và XSKT Cần Thơ vào tứ kết. Ở những nền bóng đá phát triển, Cúp Quốc gia luôn mang tới những bất ngờ thú vị khi những đội hạng dưới lọt sâu vào giải. Phải tới 2020, khi đại dịch Covid-19 tràn qua, CĐV Việt Nam mới có cảm giác về niềm vui này.

Bên cạnh đó, đây còn là sự kiện “chấn động” khi mở cửa đón khán giả vào sân giữa đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp khắp thế giới. Hơn 75 nghìn khán giả sau hai vòng, bình quân mỗi trận có 4.200 người xem, con số chưa từng có trong lịch sử Cúp Quốc gia, giải đấu vốn luôn bị thờ ơ. Ngay từ trận mở màn trên sân Thiên Trường ngày 23-5 đã làm nức lòng giới chuyên môn khi đón hơn mười nghìn khán giả. Sân Cẩm Phả vừa được mở rộng đã đón mười nghìn CĐV hai đội Than Quảng Ninh và Nam Định. Nếu trận An Giang - Long An chỉ có hai nghìn người xem thì trước sức hút của các tuyển thủ quốc gia từ đội khách Viettel, sân Long Xuyên đã thu hút lượng khán giả đến chín nghìn người. Khán giả Bình Dương được biết là khá kén chọn nhưng trận gặp Thanh Hóa cũng có đến 6.500 người đến sân. Năm nghìn khán giả trên sân Thống Nhất là con số mà CLB TP Hồ Chí Minh thật sự hài lòng khi phát hành vé với mức giá cao nhất nước. Và chỉ tung ra một lượng vé mời nhất định nhưng sân Hàng Đẫy có đến sáu nghìn CĐV theo dõi trận Hà Nội - Đồng Tháp...

Bóng đá chỉ là một trong nhiều hoạt động của kinh tế - xã hội Việt Nam đang thiết lập “trạng thái bình thường mới”. Việc các sân bóng của Việt Nam đón khán giả trở lại và tới đây là hàng loạt giải đấu thể thao trong nước tổ chức bình thường là kết quả của công tác phòng, chống dịch quyết liệt và hiệu quả của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân. Các trận tứ kết Cúp Quốc gia sẽ trở lại vào tháng tám, nhưng người hâm mộ trong nước không phải sợ “đói bóng” khi ngay trong tháng sáu này V.League sẽ trở lại và giải hạng Nhất khai mạc, với thể thức thi đấu lần đầu tiên áp dụng hứa hẹn nhiều hấp dẫn.

Giá trị của Cúp Quốc gia ảnh 1

Cúp Quốc gia trở lại hấp dẫn chưa từng có. Ảnh: VĨNH HY, ĐỘC LẬP