Thủ thành Bùi Tiến Dũng

Gã lữ hành cô độc

Sau vòng chung kết U23 châu Á 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc), thủ môn Bùi Tiến Dũng được nhắc tên nhiều nhất đội tuyển U23 Việt Nam. Thậm chí sự cuồng nhiệt của các fan bóng đá Việt khiến người ta đã đặt cho anh cái nick “thủ môn quốc dân”. Nhưng chỉ hơn một năm sau, nhiều thứ đã xoay chuyển khiến đôi lúc tôi cảm giác Tiến Dũng như một gã lữ hành cô độc, như hình ảnh đơn độc của anh trước khung thành chuẩn bị cho loạt sút luân lưu 11m...

Ảnh : AFC
Ảnh : AFC

Sau vinh quang là áp lực

Nổi lên ở vòng chung kết U23 châu Á 2018 từ những loạt sút luân lưu cân não, qua đó giúp đội tuyển U23 Việt Nam vào đến trận chung kết, thủ thành gốc Thanh Hóa sau đó đã trở thành người hùng trong mắt người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Đến đâu, người ta cũng nhắc tên thủ môn Bùi Tiến Dũng, lượng fan hâm mộ tăng vọt, đặc biệt là CĐV nữ trẻ trung, xinh đẹp, thậm chí có người chưa từng xem bóng đá nhưng vẫn hâm mộ cuồng nhiệt chàng thủ môn điển trai này.

Một bước lên thiên đàng, đấy là cảm giác của chàng thủ môn trẻ người dân tộc Mường khi từ bóng tối bước thẳng lên đỉnh vinh quang. Trò chuyện cùng tôi cách đây chưa lâu tại TP Hồ Chí Minh, Tiến Dũng chia sẻ: “Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018 chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi. Sau giải đấu ấy tôi trở nên nổi tiếng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng ngược lại đối đầu với cực nhiều áp lực mà ngay bản thân cũng không hình dung nó sẽ như thế”.

Dũng kể, ngoài việc khiến cuộc sống riêng tư của anh bị quan tâm, thậm chí là soi mói kể từ lúc nổi tiếng, điều làm anh đau đầu nhất chính là vấn đề chuyên môn. Thời gian ấy, các fan hâm mộ luôn mặc định Dũng là số một, nên thường xuyên tạo sức ép để các đội bóng phải đưa Tiến Dũng vào đội hình thi đấu khiến anh rất khó xử như chính anh bày tỏ: “Vòng chung kết U23 châu Á vẫn chỉ là giải đấu trẻ. Dẫu bản thân tôi và các đồng đội đã chơi rất tốt ở giải đấu năm ấy, nhưng không có nghĩa tôi đã nâng tầm hẳn về trình độ chuyên môn so với các anh lớn cùng vị trí ở CLB hoặc đội tuyển quốc gia. Trong khi đó, nhiều người cứ mặc định rằng tôi đã rất thành công và là số một sau giải đấu ấy, khiến tôi rất khó xử và chịu rất nhiều sức ép. Thậm chí, tôi đã rất lo lắng rằng nếu được tung ra sân và thi đấu không tốt như mong đợi, liệu hình ảnh mình có còn lung linh trong mắt mọi người?”.

Chàng thủ môn đang khoác áo CLB TP Hồ Chí Minh đã thổ lộ, bản thân anh khi ấy như một đứa trẻ vừa được chạm tay vào ánh hào quang của sự nổi tiếng, nên ban đầu cảm thấy rất thích thú và háo hức. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận đấu không thành công, Tiến Dũng đã nhận được dư vị đắng chát khi hứng được không ít “gạch đá” từ dư luận, thậm chí hụt hẫng vì chứng kiến những người từng thân thiết và luôn khen ngợi anh trước đó đã quay ngoắt 180 độ trước những thất bại của anh. “Sau những lần ấy tôi cảm thấy bị sốc và không còn hớn hở với sự nổi tiếng cùng những lời ngợi khen nữa. Thay vào đó, tôi dần chọn cách sống bình lặng bên gia đình, người thân và càng nỗ lực trong công việc để mọi thứ yên ổn hơn với chính bản thân”, Tiến Dũng bày tỏ.

Không trốn tránh sai lầm

Nhiều người thường viện lý do để đổ lỗi cho những sai lầm mình mắc phải, nhưng thủ môn sinh năm 1997 lại không như thế, điều ấy khiến tôi khá bất ngờ.

Từ sau thành công năm 2018, Tiến Dũng đã phạm một loạt sai lầm hệ thống với những lỗi rất sơ đẳng. Nhiều chuyên gia cho rằng, do Dũng thi đấu ở vị trí thủ môn khá muộn, lại không được đào tạo bài bản nên thường phạm những sai lầm mang tính căn bản như thế. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện cùng tôi, Tiến Dũng đã bày tỏ thẳng thắn: “Bóng đá Việt Nam hiện vẫn có khá nhiều thủ môn có xuất phát điểm muộn và không được đào tạo căn bản tốt từ đầu giống tôi, nên sẽ không hợp lý khi nói những sai lầm của tôi xuất phát từ những yếu tố nêu trên. Trong một trận đấu, đặc biệt ở vị trí thủ môn có những sai lầm thật khó lý giải, đôi lúc ngay chính người trong cuộc cũng không thể hiểu tại sao mình lại có thể mắc lỗi ngớ ngẩn như thế, bản thân tôi cũng vậy. Thật sự đến giờ tôi cũng không hiểu lý do tại sao lại có thể phạm những sai lầm liên tiếp trong thời gian qua như thế. Nhiều lúc tôi tự hỏi, có phải do ít được thi đấu thường xuyên, có thể do áp lực và cũng có thể là từ sự hưng phấn quá mức khiến đôi lúc bản thân bị mất tập trung, nhưng đều cảm thấy không thỏa đáng, bởi sai lầm đầu tiên đều do tự mình mà ra”.

Rồi cũng chính chàng thủ môn trẻ này thổ lộ: “Sau sai lầm dẫn đến những bàn thua của đội nhà, thật sự tôi đã rất hoảng loạn và tự trách mình nhiều lắm, dù lúc ấy bản thân luôn tự nhủ: Dũng ơi, bình tĩnh lại, phải cố gắng thật bình tĩnh. Tuy nhiên, đấy là khi ngồi đây kể chuyện với anh, hồi tưởng lại những tình huống ấy thì mới có thế nói dễ dàng như vậy, nhưng trong trận đấu nó khác lắm. Thật sự nếu sau đó các đồng đội không thể sửa sai và đội nhà mất điểm vì sai lầm của mình, đấy sẽ là nỗi ám ảnh khôn nguôi”.

Dũng cho biết, sau những sai lầm anh luôn tự nép mình vào một góc, không muốn tiếp xúc với ai để tự vấn bản thân, tự nhìn lại những sai lầm và sau đó gọi hỏi những người thầy thân thiết để có hướng khắc phục. HLV thủ môn Trần Minh Quang, người đang trực tiếp huấn luyện Tiến Dũng ở CLB TP Hồ Chí Minh và các đội tuyển quốc gia cho biết: “Dũng là một cầu thủ rất thông minh, dù không được đào tạo bài bản tốt, nhưng cậu ấy rất chịu học hỏi và tiếp thu nhanh. Tôi nghĩ nếu nỗ lực trui rèn và có nhiều cơ hội ra sân, Dũng sẽ khắc phục được những điểm yếu trong tương lai”.

Nói là thế, nhưng sau những sai lầm ở một số trận đấu, nhiều người gần như mặc định đội thua là do lỗi của Tiến Dũng. Nói đâu xa, trận Siêu cúp quốc gia trước mùa giải 2020 giữa Hà Nội - CLB TP Hồ Chí Minh là một thí dụ. Trước nhà vô địch Hà Nội hơn hẳn về nhiều mặt, CLB TP Hồ Chí Minh dù thi đấu khá tốt nhưng chịu thua chung cuộc 1-2. Khi ấy, nhiều người cho rằng Tiến Dũng là nguyên nhân dẫn đến hai bàn thua của đội nhà, khiến HLV trưởng Chung Hae Soung của CLB TP Hồ Chí Minh phải lên tiếng bênh vực học trò.

Hỏi Tiến Dũng nghĩ sao trước sự quay lưng của người hâm mộ nước nhà? Dũng cười buồn: “Giờ tôi đã quen rồi nên không còn cảm giác bị sốc như trước, bởi rất nhiều CĐV ở xứ ta chỉ cổ vũ và tỏ ra yêu mến khi bạn thành công mà thôi”. Lúc ấy nhìn ánh mắt trầm tư của Dũng, tôi cảm nhận anh rất đơn độc, nó như hình ảnh của chàng thủ môn này lẻ loi trước khung thành khi chuẩn bị cản phá những cú sút luân lưu 11m.

Càng nổi tiếng, càng cô đơn

“Giờ đây tôi đã thấm cái cảm giác càng nổi tiếng càng cô cô đơn, bởi nhiều lúc người ta đến với mình do sự hào nhoáng bề ngoài và vì mục đích nào đó chứ hiếm người thực tâm. Nhìn thế thôi, chứ rất nhiều lần tôi đi xem phim một mình và khoái được đi du lịch một mình, vì thích cái cảm giác tự do tự tại để rồi sau đó cũng tự gặm nhấm cái cảm giác cô đơn đến tột cùng và đôi lúc tự thương thân với ý nghĩ sao mình bất hạnh thế. Chắc anh ngạc nhiên lắm khi nghe tôi nói thế nhỉ? Nghe cứ như một ông cụ non chứ chẳng giống một người mới qua tuổi 23”, Bùi Tiến Dũng chia sẻ.