Đìu hiu thầy ngoại ở V.League

Các HLV ngoại luôn khó có đất diễn tại sân chơi số một của Việt Nam. Liệu thực trạng này có đơn thuần xuất phát từ vấn đề chuyên môn?

HLV Chung Hae-seong vẫn tiếp tục dẫn dắt CLB TP Hồ Chí Minh. Ảnh | Y KIỆN
HLV Chung Hae-seong vẫn tiếp tục dẫn dắt CLB TP Hồ Chí Minh. Ảnh | Y KIỆN

Sau trận thua Hà Nội 0-3 ngay trên sân nhà Thống Nhất, CLB TP Hồ Chí Minh sa thải HLV Chung Hae-seong, chuyển ông làm giám đốc kỹ thuật nhưng HLV người Hàn Quốc đã từ chối và cùng ê-kíp chia tay CLB với nhiều nỗi niềm. Và hai tuần sau, CLB TP Hồ Chí Minh lại công bố một quyết định mới: HLV trưởng “mới” sẽ là ông Chung Hae-seong (!?). Như vậy, tại V.League thời điểm này có hai HLV ngoại là ông Chung và HLV Lee Tae-hoon của Hoàng Anh Gia Lai.

Tháng 6, nhà cầm quân người Italia Fabio Lopez mất việc chỉ sau vòng 3 V-League 2020. Ngay sau trận thua Quảng Nam trên sân khách, bầu Đệ cho toàn đội Thanh Hóa bỏ phiếu tín nhiệm với tỷ lệ tuyệt đối 100% nói “không” với ông. Năm 2011, Đồng Tâm Long An từng thay HLV Marcelo Javier Zuleta ngay trước mùa giải dù nhà cầm quân người Argentina giúp đội bóng đạt thành tích tốt ở các trận giao hữu. Đó cũng là năm mà đội bóng của bầu Thắng tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi thay tướng bốn lần và sử dụng tới bốn HLV người nước ngoài. HLV Marco Barbosa (Brazil) tiếp quản “ghế nóng” từ ông Zuleta trụ được đến hết vòng bảy trước khi bị thay thế bởi Simon McMenemy. Cựu HLV trưởng tuyển Philippines tại vị được ba tháng rồi phải nhường chỗ cho ông Ranko Buketa người Croatia.

Trong lịch sử V.League, chỉ có hai HLV ngoại là Arjhan (Thái Lan) dẫn dắt HAGL và “phù thủy” Calisto (người Bồ Đào Nha) nắm Đồng Tâm Long An là có vinh dự bước lên đỉnh cao vào những năm 2003 đến 2006. Không ít HLV ngoại với những bản lý lịch khá ấn tượng tìm đến V.League, trong đó có ba cái tên nổi đình nổi đám nhưng cũng không trụ được lâu là Kiatisak (Thái Lan) dẫn dắt HAGL năm 2006 và 2010, Toshiya Miura nắm CLB TP Hồ Chí Minh năm 2018 và nhất là Ljupko Petrovic (Serbia) từng vô địch C1 châu Âu cùng Sao đỏ Belgrade, đưa Thanh Hóa lên vị trí á quân năm 2017, nhưng cũng ra đi chỉ sau một mùa.

Từ năm 2010 đến nay, đã có 23 chuyên gia nước ngoài đến dẫn dắt các đội V.League, nhưng có tới 16 người không thể trụ lại quá một mùa. V.League không phải là giải đấu hàng đầu nhưng xét về độ khốc liệt thì có lẽ không thua một giải đấu nào trên thế giới. Tính cạnh tranh cao đã khiến các đội bóng không thể kiên trì đặt niềm tin vào các HLV mà sẽ nhanh chóng chọn phương án “thay tướng, đổi vận”.  Giải đấu số một Việt Nam là sân đấu mang những bản chất đặc thù rất riêng. Chính vì thế, những HLV ngoại dù có nền tảng chuyên môn giỏi, giàu tính chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng cũng phải ngậm ngùi ra đi vì không thể hòa nhập.

Bên cạnh đó còn có những yếu tố như: rào cản ngôn ngữ, văn hóa, chậm thích nghi với bóng đá Việt Nam dẫn đến cách thức huấn luyện và giáo án chiến thuật không phù hợp. Vẫn còn sự đối chọi trong phong cách làm việc và đặc biệt là sự can thiệp gần như thường xuyên của nhiều thành phần trong CLB đến chuyên môn của các HLV ngoại vốn đề cao tính độc lập và sự tôn trọng. Từ đó nảy sinh các vấn đề bất đồng quan điểm mà HLV Fabio Lopez của Thanh Hóa là một thí dụ.

V.League từ lâu đã được “mệnh danh” là “miền đất dữ” với HLV ngoại. Song, người này đi thì người khác đến, các CLB vẫn luôn tìm kiếm một chuyên gia đến từ ngoài mảnh đất chữ S. Bởi các HLV ngoại mang đến sự đa dạng lối chơi và bổ sung những điểm còn yếu và thiếu cho các cầu thủ cũng như các HLV nội. Một phần nguyên nhân nữa là do thiếu HLV nội có trình độ. Các HLV của Việt Nam, đa phần trưởng thành từ đá bóng giỏi, tích lũy kinh nghiệm để cầm quân chứ không học hành bài bản, chủ yếu thi lấy bằng quốc tế thông qua các khóa học được tổ chức trong nước, nhằm hoàn thiện thủ tục giấy tờ chứ không phải nâng cao trình độ.

Có lẽ, các HLV ngoại muốn tồn tại lâu dài ở Việt Nam phải thật sự có đẳng cấp khác biệt so với HLV nội, cùng sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo CLB và cái “uy” với cầu thủ. Nhưng đa số đều không thể hiện được sự vượt trội ấy, bất chấp sự thật là họ từng thành công ở các quốc gia khác trước khi đến Việt Nam.